image banner

image advertisement

Tổ chức các hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm năm 2025

Ngày 7/1/2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND về hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch nhằm tăng cường năng lực quản lý về an toàn thực phẩm (ATTP) từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã nhằm đảm bảo ATTP trên địa bàn, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập trong thời kỳ mới. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng trong việc đảm bảo chất lượng ATTP.

hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, ngành và tổ chức hội liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP. Tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan có liên quan và địa phương đối với công tác đảm bảo an ninh, ATTP; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực cho công tác đảm bảo an ninh, ATTP đáp ứng với tình hình mới.

Theo đó, năm 2025 phấn đấu trên 95% cán bộ làm công tác ATTP và thành viên Ban Chỉ đạo ATTP cấp huyện, xã được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ quản lý ATTP. Trên 90% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống được tập huấn kiến thức ATTP. Trên 95% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm do ngành y tế quản lý được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo quy định.

100% các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như GMP, HACCP, ISO, IFS, BRC, FSSC 22000; 75% cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện hoặc tương đương; 60% cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; 100% vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, 100% vùng trồng rau và vùng chăn nuôi tập trung được giám sát dư lượng các chất độc hại…

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp gồm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP, thường xuyên kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo ATTP các cấp, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý ATTP theo quy định của pháp luật. Củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về ATTP từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về ATTP đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường sự phối hợp của các ngành chức năng, chính quyền các cấp để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP, đảm bảo triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP được kịp thời và đạt hiệu quả cao.

Đồng thời, đa dạng hoá các hình và đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trong đó chú trọng tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở và truyền thông trên môi trường mạng facebook, zalo, tiktok… Phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng kịp thời đưa tin và thông tin chính xác về tình hình ATTP trên địa bàn. Các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP có trách nhiệm cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về ATTP, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm ATTP để công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tổ chức triển khai các đợt cao điểm trong năm 2025: Vào dịp Tết Nguyên đán và Tết Trung thu tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về ATTP cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng; nêu cao vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, của người quản lý trong việc bảo đảm chất lượng ATTP theo quy định hiện hành.

Vào Tháng hành động vì ATTP giao Sở Y tế (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo ATTP tỉnh) căn cứ hướng dẫn của trung ương thay mặt Ban chỉ đạo chủ trì tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì ATTP” năm 2025 của tỉnh và chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh triển khai các hoạt động của “Tháng hành động” đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP. Nâng cao năng lực phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; phát triển các mô hình quản lý ATTP; đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ; đảm bảo nguồn lực phục vụ hoạt động bảo đảm ATTP.

UBND tỉnh giao các Sở, ngành: Y tế, Công Thương, NN&PTNT, Công an tỉnh và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao có trách nhiệm tổ chức triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành. Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm ATTP; thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất về ATTP; tổ chức tiếp nhận thông tin, vụ việc để điều tra, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.

Các Sở, ban, ngành và thành viên Ban chỉ đạo ATTP tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức cho cán bộ nhân viên, nhân dân tham gia học tập, tìm hiểu kiến thức, các biện pháp đảm bảo ATTP. Các địa phương chú trọng xây dựng quy hoạch các khu vực kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đảm bảo yêu cầu ATTP, đặc biệt là các nơi có thế mạnh về du lịch. Quy hoạch, khuyến khích, kêu gọi đầu tư các vùng nuôi trồng, chế biến lương thực, thực phẩm an toàn và cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội và quy hoạch các ngành có liên quan.

UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác đảm bảo an ninh, ATTP.

PT (Tổng hợp)