image
TIN INFOGRAPHICS NÔNG THÔN MỚI

Thực hiện Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh

Nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia phát triển kinh tế tập thể (KTTT) trong nông nghiệp của Hội Nông dân các cấp; khơi dậy tinh thần hợp tác, khởi nghiệp, sáng tạo của hội viên, nông dân; thu hút ngày càng nhiều hội viên, nông dân tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nông dân, xây dựng Hội Nông dân ngày càng vững mạnh… Đây là mục tiêu mà UBND tỉnh hướng tới trong Kế hoạch số 688/KH-UBND ngày 04/9 về việc thực hiện Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2023, có ít nhất 50% số HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác

Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là phấn đấu đến năm 2030, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 30 hợp tác xã (HTX), 150 tổ hợp tác (THT) trong nông nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 30 HTX nông nghiệp do các cấp Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập. Có ít nhất 50% số HTX nông nghiệp do Hội nông dân hỗ trợ thành lập tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác.

Phấn đấu 100% cán bộ Hội nông dân các cấp phụ trách công tác hỗ trợ phát triển KTTT được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển KTTT. 100% số cán bộ chủ chốt HTX nông nghiệp do Hội nông dân hỗ trợ thành lập được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, đào tạo kỹ năng số cơ bản; 50% thành viên HTX nông nghiệp do Hội nông dân hỗ trợ thành lập được tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo kỹ năng số cơ bản.

Nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung thực hiện. Đó là thông tin, tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, vận động, thu hút hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về KTTT cho cán bộ, hội viên, nông dân. Tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến các mô hình THT, HTX hoạt động hiệu quả; các tấm gương điển hình, tiên tiến về hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh nông nghiệp…

Đồng thời củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của THT, HTX nông nghiệp do Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập. Rà soát, đánh giá kết quả hoạt động, nắm bắt các khó khăn vướng mắc để đề xuất các biện pháp cụ thể hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, THT do Hội nông dân hỗ trợ thành lập. Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn THT, HTX nông nghiệp xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với quy định hiện hành, hướng dẫn thủ tục sắp xếp củng cố tổ chức hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động của các THT, HTX nông nghiệp tăng thu nhập cho các thành viên. Phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của THT, HTX nông nghiệp và thành viên…

Bên cạnh đó, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thành lập, phát triển các THT, HTX nông nghiệp. Trong đó, chú trọng các Hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc, cán bộ chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp để lựa chọn làm nòng cốt thành lập THT, HTX nông nghiệp. Ưu tiên hỗ trợ thành lập các THT, HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao; sản xuất gắn với sơ chế, chế biến, sản phẩm OCOP; sản xuất sản phẩm chủ lực, cây, con đặc sản, phát huy lợi thế của địa phương... Đẩy mạnh xây dựng và phát triển mô hình tổ hội nông dân, chi hội nông dân nghề nghiệp. Kết nối, hỗ trợ THT, HTX liên kết sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp…

Mặt khác, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tổ chức KTTT trong nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ; chú trọng chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành và tham gia hỗ trợ phát triển KTTT trong nông nghiệp của Hội nông dân các cấp.

Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của tổ chức KTTT trong nông nghiệp

UBND tỉnh đề nghị Hội Nông dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp báo cáo UBND về kết quả thực hiện Kế hoạch theo quy định. Đồng thời chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã, xây dựng kế hoạch thực hiện; chủ động triển khai thực hiện kế hoạch phù hợp với điều kiện cụ thể các đơn vị đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thực hiện một số hoạt động của Kế hoạch theo lĩnh vực của Sở, lồng ghép các hoạt động của Kế hoạch theo lĩnh vực của Sở và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; tổ chức liên kết đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý HTX, THT trong nông nghiệp và các thành viên; tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của tổ chức KTTT trong nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ.

UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ nội dung của Kế hoạch, tùy điều kiện, đặc điểm cụ thể của địa phương, xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện. Chủ động bố trí nguồn lực cần thiết từ ngân sách cấp huyện, sử dụng nguồn vốn từ các Chương trình MTQG, lồng ghép các nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ Hội Nông dân các cấp triển khai thực hiện Kế hoạch. Định kỳ tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn, phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất về UBND tỉnh…

H.B (tổng hợp)