Tính đến 10h30 phút ngày 28/9, mưa lũ đã làm 927 nhà bị cô lập, 142 người phải sơ tán
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh, tính đến 10 giờ 30 phút ngày 28/9, mưa lũ đã làm 1.734 nhà bị ngập, 927 nhà bị cô lập, 142 người phải sơ tán; 1.763 ha lúa, 3.053 ha hoa màu bị thiệt hại…
Theo báo cáo nhanh của các huyện, đến nay, đã có 142 người phải sơ tán (huyện Kỳ Sơn); 927 nhà ở bị cô lập (huyện Kỳ Sơn); có 6 nhà tạm tại các huyện Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong bị sập hoàn toàn. 1.734 nhà bị ngập (huyện Quế Phong 215 nhà; huyện Nghĩa Đàn 06 nhà; huyện Anh Sơn 60 nhà; huyện Thanh Chương 23 nhà; huyện Quỳ Châu 1.214 nhà; huyện Kỳ Sơn 10 nhà, huyện Quỳ Hợp 185 nhà; TX Thái Hòa 21 nhà). Hiện nước đã rút, các hộ dân đã về nhà an toàn.
Về nông nghiệp, mưa lũ đã làm 1.763 ha lúa, 3.053 ha hoa màu bị thiệt hại; 370 con gia súc, 3.425 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 700,36 ha ao hồ nhỏ bị ngập.
Mưa lũ đã làm 11 vị trí trên các tuyến Quốc lộ bị ngập (trong đó, đã đóng đường 8 vị trí); 58 vị trí sạt lở taluy âm, taluy dương (trong đó gây tắc đường 16 vị trí; đảm bảo giao thông 42 vị trí). Đường tỉnh có 14 vị trí ngập (trong đó đã đóng đường 11 vị trí), 86 vị trí sạt lở taluy âm, taluy dương (trong đó gây tắc đường 85 vị trí; đảm bảo giao thông: 01 vị trí). Hiện các đơn vị đang tiến hành khắc phục thông xe 1 vệt.
Về giao thông địa phương, 1.615 m đường bị sạt lở, 03 cầu nhỏ bị hư hỏng, 76 cầu tràn bị ngập; 05 cống bị hư hỏng, cuốn trôi; 55 điểm đường giao thông bị sạt lở…
Trong thời gian tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 07/CĐ-BCH ngày 25/9/2023 của Ban Chỉ huy PCTT – TKCN và PTDS tỉnh và Công văn số 166/VP-PCTT ngày 27/9/2023 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, đặc biệt là các công trình đang thi công hoặc bị hư hỏng, xuống cấp. Chủ động phương án vận hành an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã đầy nước. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời triển khai cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố đê điều, hồ đập sạt lở...
Quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò, các tuyến đường giao thông, các ngầm, tràn bị ngập, sạt lở, tiến hành cắm tiêu, cử người trực, gác, cấm đường, phân luồng, hướng dẫn giao thông đi lại để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro trong mưa lũ; nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá,… trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người; tuyệt đối không để người dân có tư tưởng chủ quan trước, trong và sau mưa lũ; đặc biệt quan tâm, giám sát đối với trẻ em sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng.
Kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của đơn vị, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
UBND các cấp, các Đoàn thể kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại nặng, gia đình chính sách trong đợt mưa lũ; UBND cấp huyện, xã trích kinh phí dự phòng để hỗ trợ theo quy định; sau mưa, lũ hướng dẫn nhân dân giúp nhau khắc phục thiệt hại về nhà cửa, tài sản, vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, xử lý đảm bảo nước sinh hoạt trong các vùng bị ngập úng; khôi phục sản xuất lúa, ngô, rau màu bị ngập; sửa chữa hạ tầng hư hỏng, khắc phục công trình nước sạch để phục vụ sinh hoạt cho Nhân dân. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, báo cáo thường xuyên về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh.
PT (Tổng hợp)