Thứ
trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh: Thời gian ngắn, gấp, khối lượng công
việc lớn nhưng phải đạt yêu cầu cao về chất lượng. Ảnh: BTP
Tại
hội nghị triển khai Kế hoạch của Bộ về việc tổ chức lấy ý kiến và tổng
hợp ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi,
bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng
Hoàng Oanh cho hay, Bộ Tư pháp đã tham gia từ sớm, từ xa các công việc
liên quan đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và sớm ban hành Kế
hoạch của Bộ Tư pháp ngay từ ngày 28/4/2025 (Quyết định số 1355/QĐ-BTP
ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý
kiến của nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ
sung một số điều của Hiến pháp năm 2013).
Ngày 5/5, Quốc hội đã
thông qua Nghị quyết 194 nhất trí sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến
pháp năm 2013 với phạm vi sửa đổi tập trung vào các quy định của Hiến
pháp năm 2013 về MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và việc
phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Thứ
trưởng Đặng Hoàng Oanh cho biết, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số
điều của Hiến pháp năm 2013 đã công bố tài liệu lấy ý kiến nhân dân, các
ngành, các cấp. Ngày 6/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã có
văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương.
Theo phân công của
Chính phủ, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp rất nặng nề, trong đó có xây dựng 2
Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo tổng hợp chung. Theo đó, Bộ Tư pháp
thực hiện các nhiệm vụ trong phạm vi phân công (công tác tuyên truyền,
phổ biến, truyền thông; tổng hợp xây dựng báo cáo...).
Đơn vị
chính chủ trì nhiều nhiệm vụ là Vụ Pháp luật hình sự - hành chính. Các
đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm phối hợp thực hiện và tổ chức triển khai
lấy ý kiến tại đơn vị; qua đó bảo đảm triển khai sớm, quyết liệt nhiệm
vụ chính trị quan trọng này.
Chia sẻ về tình hình triển khai và
hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến ở các đơn vị thuộc Bộ, Vụ trưởng Vụ
Pháp luật hình sự-hành chính Nguyễn Thị Hạnh cho biết tình hình triển
khai nhóm các nhiệm vụ tham mưu, giúp Chính phủ tổ chức lấy ý kiến và
tổng hợp ý kiến. Trong đó, có 2 nhiệm vụ đã hoàn thành: Xây dựng văn bản
chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ; Xây dựng văn bản hướng dẫn của Bộ
Tư pháp. Có 2 nhiệm vụ đang triển khai: Tổ chức hội nghị lấy ý kiến;
Hướng dẫn, đôn đốc.
Đồng thời, có 3 nhiệm vụ sẽ thực hiện: Tổng
hợp, xây dựng Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến của các Bộ, cơ
quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh; Tổng hợp, xây
dựng Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về
dự thảo Nghị quyết; Tham mưu, chuẩn bị ý kiến của Chính phủ, Đảng ủy
Chính phủ về dự thảo Nghị quyết khi được yêu cầu.
Về nhóm nhiệm vụ
tổ chức lấy ý kiến trong Bộ Tư pháp, Vụ Pháp luật hình sự hành chính đã
xây dựng văn bản hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ. Các nhiệm vụ khác sẽ
tiếp tục triển khai như tổ chức công tác truyền thông; tổ chức lấy ý
kiến tại đơn vị thuộc Bộ; đôn đốc, tổng hợp xây dựng Báo cáo của Bộ Tư
pháp; tham mưu, chuẩn bị ý kiến cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp với vai trò là
Ủy viên Thường trực Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến
pháp năm 2013...
Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng cục trưởng Tổng
cục Thi hành án dân sự khẳng định, Tổng cục đã soạn thảo ban hành văn
bản hướng dẫn để lấy ý kiến trong hệ thống Thi hành án dân sự, sẵn sàng
triển khai nhiệm vụ và kỳ vọng hoạt động của hệ thống Thi hành án sẽ góp
phần lan tỏa công tác lấy ý kiến nhân dân tại địa phương...
Lãnh
đạo Bộ Tư pháp đề nghị các đơn vị tiếp tục chủ động tham mưu, triển
khai hiệu quả, chất lượng các nhiệm vụ được giao; nhanh chóng thực hiện
Kế hoạch của Bộ để tổ chức lấy ý kiến trong các đơn vị, bảo đảm dân chủ,
công khai, minh bạch, bảo đảm tiến độ, chất lượng, tiết kiệm với các
hình thức thích hợp, đa dạng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
Các công chức, viên chức, ngoài việc tham gia trong tập thể, có thể thể
hiện ý kiến cá nhân (nhất là qua ứng dụng VNeID). Nâng cao vai trò,
trách nhiệm của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Bộ trong việc
tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết.
"Thời gian ngắn, gấp, khối
lượng công việc lớn nhưng phải đạt yêu cầu cao về chất lượng. Kết quả và
chất lượng tổng hợp ý kiến có vai trò quan trọng để Ủy ban dự thảo sửa
đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp tiếp thu, chỉnh lý, do đó các đơn
vị cần phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao", lãnh đạo
Bộ Tư pháp đề nghị.
Diệu Anh
Nguồn: baochinhphu.vn (8/5/2024).