Quỳnh Đôi: Lấy văn hóa truyền thống làm động lực trong xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu
Làng Quỳnh xưa (nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu) từ xưa nổi tiếng ở xứ Nghệ về khoa bảng, thủ khoa 3 đời, là một xã có truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng, quê hương nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng. Trong thời kỳ đổi mới, Quỳnh Đôi không chỉ tiếp nối quá khứ truyền thống hiếu học, khổ học mà còn là xã đi đầu trong xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.
Ngôi làng của khoa bảng
Quỳnh Đôi là xã đồng bằng, nằm phía Đông Bắc huyện Quỳnh Lưu, cách trung tâm huyện 5km. Hiếm có nơi đâu như mảnh đất này, một làng quê với không gian sinh sống của cư dân chưa đầy 1 km2 mà có tới 9 di tích lịch sử - văn hoá đã được xếp hạng. Trong đó, có 8 di tích lịch sử văn hóa Quốc gia như: Đền Thần, Đình làng, Nhà thờ Họ Hồ, Nhà thờ họ Nguyễn Triệu Cơ, Đền thờ Hoàng Khánh, Đền thờ Quận công Hồ Sỹ Dương, Nhà thờ Quận công Hồ Phi Tích. Đặc biệt là cụm di tích Quốc gia Nhà thờ và Mộ cụ Hồ Tùng Mậu - nhà hoạt động cách mạng tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam.
Mảnh đất Quỳnh Đôi còn có nhiều công trình gắn liền với sự kiện, tên tuổi của những con người Quỳnh Đôi đã đi vào lịch sử của dân tộc như: Bia tưởng niệm nữ sỹ Hồ Xuân Hương, Bia tưởng niệm Anh hùng quân đội Cù Chính Lan, Đài tưởng niệm các liệt sỹ 1930 - 1931, vườn Xô Viết và nhiều chứng tích khác đang trường tồn với thời gian... Những di sản đó là công sức và cả máu xương của lớp lớp các thế hệ người dân Quỳnh Đôi đã dần hình thành nên và kết tinh những giá trị văn hóa đặc sắc. Với một mật độ di tích đậm đặc như vậy thể hiện chiều sâu, bề dày của một làng văn hóa, xã Anh hùng.
Cổng Làng Quỳnh Đôi
Từ bao đời nay, mảnh đất này là nơi sinh ra những bậc hiền tài xuất chúng, góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước. Ước tính từ năm 1378 đến 1918 khi bãi bỏ khoa thi bằng chữ Hán, Làng Quỳnh có 734 người đậu Tú tài và cử nhân. Trong đó, có 88 người thi Hội trúng Tam trường, 4 Phó bảng, 7 Tiến sỹ, 2 Hoàng Giáp, 1 Thám hoa. Tiêu biểu là Ông Hồ Sỹ Dương 3 lần đậu giải Nguyên đỗ thứ 2 Đông các, Nữ sỹ Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ nôm thế kỷ thứ 18; Chí sỹ Phạm Đình Toái - một đại nam quốc sử diễn ca được coi là một thiên anh hùng ca của dân tộc. Và sau này là nhà thơ Hoàng Trung Thông - Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, phó Giáo sư Văn Như Cương, 3 anh em: Phan Cự Nhân, Phan Cự Đệ, Phan Cự Tiến; Tiến sỹ Nguyễn Xuân Dũng… Ở Quỳnh Đôi, đi đâu gặp bất kỳ dòng họ nào cũng có người đậu đạt, thành công.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, mặc dù bị chi phối do chiến tranh và ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường nhưng truyền thống ấy vẫn được phát triển. Đến nay, toàn xã đã có trên 1.000 người tốt nghiệp Đại học và trên Đại học, nhiều đồng chí lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo tỉnh sinh ra trên mảnh đất này. Cả xã có trên 300 người đang theo học và giảng dạy trên 28 trường Đại học khắp cả nước, trong đó có 52 Thạc sỹ, 57 Tiến sỹ, có 17 Phó Giáo sư, 5 Giáo sư, 3 Viện sỹ khoa học Quốc tế, có 6 Thiếu tướng, khoảng trên 50 Đại tá và nhiều người hoạt động trên lĩnh vực Quốc phòng, an ninh, hàng trăm người đang hoạt động trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, báo chí, Văn nghệ sỹ...
Lấy văn hóa truyền thống làm động lực trong xây dựng nông thôn mới
Trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội, Quỳnh Đôi luôn phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng, truyền thống cách mạng, giá trị của các di tích lịch sử. Quỳnh Đôi từng bước nâng cao các tiêu chí về văn hóa, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành các điểm thăm quan du lịch văn hóa tâm linh. Mỗi người dân Quỳnh Đôi luôn tự hào về truyền thống hiếu học, khoa bảng và cách mạng.
Ngày nay, nét truyền thống văn hóa hiếu học của làng Quỳnh vẫn luôn được giữ gìn và phát huy
Cùng với đó, phát huy truyền thống hiếu học trong những năm qua, phong trào giáo dục xã nhà có nhiều chuyển biến: Thực hiện tốt công tác phổ cập, chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn được nâng lên. Số lượng học sinh đậu vào các trường Đại học ngày càng tăng cao, các cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học trong các nhà trường trên địa bàn được bổ sung, hoàn thiện. Xã đã xây dựng thêm các phòng chức năng ở trường mầm non, đảm bảo tốt cho việc dạy và học với tổng kinh phí khoảng 5 tỷ đồng.
Trên địa bàn xã hiện có 02 trường đạt chuẩn Quốc gia, hàng năm đều đạt tiến tiến xuất sắc. Tỷ lệ trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học đạt từ 100% trở lên. Tỷ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 đang học chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên, trung học phổ thông hoặc giáo dục nghề nghiệp đạt từ 95,3 % trở lên.
Đình làng Quỳnh Đôi - nơi lưu giữ nét văn hóa Khai bút đầu xuân
Cùng với đó, phong trào khuyến học ngày càng được nâng cao. Hàng năm, cứ vào sáng ngày mồng 2 Tết âm lịch, hội khuyến học của xã lại tổ chức khai bút đầu xuân ở Đình làng nhằm tôn vinh các thành tích xuất sắc của các em đậu đạt, qua đó góp phần tuyên truyền tinh thần hiếu học để các thế hệ noi theo truyền thống hiếu học của xã nhà. Ban Khuyến học của dòng họ đều tổ chức lễ biểu dương, khen thưởng học sinh giỏi, học sinh đỗ Đại học, Cao đẳng và đạt giải trong các kỳ thi, qua đó góp phần giáo dục truyền thống, khơi dậy tinh thần thi đua học tập. Ngày nay, nét truyền thống văn hóa hiếu học vẫn luôn được mỗi người dân giữ gìn, dù đi đâu, làm gì cũng dặn dò con cháu tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học và khoa bảng của làng mình.
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, bên cạnh bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa của cha ông để lại, xã cũng đã quan tâm củng cố, xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hóa thông tin trị giá hàng chục tỷ đồng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong nhân dân luôn được duy trì. Kết quả, trên địa bàn xã có 97% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 27% gia đình đạt danh hiệu gia đình thể thao, 8/8 thôn liên tục giữ vững danh hiệu làng văn hoá; khu dân cư văn hóa liên tục từ 5 năm trở lên; 100% các cơ quan đơn vị trên địa bàn đạt chuẩn văn hóa.
Xã đã đầu tư các thiết chế văn hóa - thể thao đạt chuẩn, xây dựng khu văn hóa thể thao ở trung tâm gồm nhà thi đấu, sân bóng đá mi ni, sân bóng chuyền, khu luyện tập thể thao ngoài trời, nâng cấp sân vận động xã, nâng cấp bể bơi, hệ thống truyền thanh, trang thông tin điện tử của xã; xây dựng mới khu vui chơi, thể thao của 8 thôn. Các hoạt động thư viện, truyền thống, truyền thanh thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng, các giải thi đấu thể thao sôi nổi tạo sân chơi cho mọi đối tượng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và rèn luyện thể dục thể thao cho nhân dân...
Những ngày này, trong không khí rộn ràng, sôi nổi chuẩn bị đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu, mỗi người dân làng Quỳnh đều cảm thấy tự hào về những thành quả đạt được. Quỳnh Đôi đã và đang hình thành một không gian văn hóa Quỳnh Đôi, một Quỳnh Đôi kiểu mẫu và đáng sống, mang tính hiện đại và nhân văn sâu sắc.
T.H (tổng hợp)