image
TIN INFOGRAPHICS NÔNG THÔN MỚI

Phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Nghệ An đã triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi, gắn với mục tiêu phát triển HTX nông nghiệp theo định hướng bền vững cả về số lượng và chất lượng. Trong đó các đơn vị, địa phương đã chú trọng chất lượng, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…

Thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP, UBND tỉnh đã chỉ đạo Liên minh HTX tỉnh và Sở NN&PTNT tổ chức 24 lớp tập huấn về Luật HTX 2023, các chính sách liên quan; tổ chức 9 lớp tập huấn về Luật HTX, tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ quản lý các HTX tại các huyện, thành, thị và các HTX nông nghiệp… Đồng thời, hưởng ứng “Tháng hành động vì HTX” năm 2024, tổ chức phát động và triển khai hưởng ứng bằng chuỗi các hoạt động, thông qua các hoạt động đã góp phần tuyên truyền đến người dân các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM. Thông qua các lớp tập huấn, nhận thức và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý HTX và thành viên từng bước được nâng cao, ngày càng đáp ứng yêu đổi mới về quản trị HTX theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp về bộ máy tinh gọn hiệu quả, hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển.  

Việc hỗ trợ các HTX chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin cũng được tỉnh đầu tư, chú trọng. Tới nay, toàn tỉnh có 7 HTX tham gia lớp tập huấn sử dụng phần mềm nhật ký sản xuất và phần mềm kế toán do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tổ chức. Sở NN&PTNT đã cấp 42 mã số cho các vùng trồng các loại cây trồng như lúa, rau, lạc, ngô, cam, dứa theo quyết định của Bộ NN&PTNT; trong đó có 38 HTX nông nghiệp được cấp.

Xác định công tác huy động vốn được xem là “chìa khóa” để giúp nhiều HTX nông nghiệp phát triển bền vững, năm 2024, tỉnh đã huy động 5.115 triệu đồng từ các nguồn lực cân đối, bố trí kinh phí để hỗ trợ các HTX nông nghiệp thành lập mới, xây dựng mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, các HTX tham gia các cuộc hội chợ... Đồng thời, lồng ghép các Chương trình, Dự án để hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM trên địa bàn với tổng kinh phí lên tới 900 triệu đồng.

Công tác phát triển đội ngũ tư vấn, lực lượng khuyến nông cộng đồng tại địa phương cũng được quan tâm, củng cố. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 29 tổ khuyến nông cộng đồng với 350 thành viên, thành phần tham gia chủ yếu là lãnh đạo xã, cán bộ công chức nông nghiệp xã, cán bộ khuyến nông – thú y xã, đại diện các hội, đoàn thể ở địa phương, HTX, doanh nghiệp, thôn (xóm) trưởng, nông dân. Tổ khuyến nông cộng đồng thường xuyên bám sát địa bàn, cập nhật tình hình sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng vật nuôi, kịp thời báo cáo lên cấp trên kịp thời xử lý, tham mưu UBND xã ban hành các văn bản thông báo tình hình sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng vật nuôi; hướng dẫn các biện pháp phòng chống các phương tiện thông tin đại chúng cũng như thông qua lực lượng khuyến nông ở cơ sở để kịp thời nắm bắt tình hình của bà con nông dân cũng như tình hình dịch bệnh… đồng thời, đưa các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước, khuyến cáo, thông báo, kế hoạch sản xuất vào thực tiễn.

Tại các địa phương, các HTX nông nghiệp đã năng động, dám nghĩ dám làm, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm bao tiêu sản phẩm, tạo sự tin tưởng yên tâm sản xuất của bà con nông dân. Trong năm, tỉnh đã lựa chọn được 6 HTX tham gia mô hình nông nghiệp phát triển bền vững. Việc xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp điển hình đã giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX ngày càng tốt hơn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Các HTX hoạt động hiệu quả gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao; hợp tác liên kết giúp tạo ra khu sản xuất tập trung, tạo cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu lớn và là cơ sở quan trọng để đưa tiến bộ khoa học và sản xuất theo quy trình công nghệ, tiêu chuẩn hóa các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, tạo ra lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng được yêu cầu của thị trường…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển các mô hình HTX nông nghiệp trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế như hiệu quả hoạt động của các HTX chưa cao, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị… để giúp các HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh hầu như chưa thực hiện được; số lượng HTX được hỗ trợ còn ít, các HTX chưa được hỗ trợ để xây dựng nhà kho, xưởng chế biến mà mới chỉ được hỗ trợ máy móc thiết bị phục vụ chế biến…

T.H (tổng hợp)

(Nguồn: Theo Báo cáo số 937/BC-UBND ngày 28/11 của UBND tỉnh về kết quả 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới)