Tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 220/UBND-CN ngày
9/1/2025 giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị
liên quan nghiên cứu, triển khai thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia về
phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Thông báo số 05/TB-VPCP ngày 6/1/2025
của Văn phòng Chính phủ.
Theo đó, tại
Thông báo số 05/TB-VPCP, Ban Chỉ đạo quốc
gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nêu rõ quan điểm, mục tiêu thời
gian tới: Coi
phát triển nguồn nhân lực, thể chế và hạ tầng cho công nghiệp bán dẫn là chiến
lược toàn diện; cần tập trung triển khai, đầu tư xứng tầm đột phá chiến lược.
Có cơ chế chính sách đột phá cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên tin
thần bình đẳng, đơn giản, thuận lợi cho các chủ thể có liên quan thực
hiện.
Đảng chỉ đạo, Quốc hội đồng tình, nhân dân
ủng hộ, quốc gia mong đợi nên chỉ bàn làm, không bàn lùi, phải có bước đi lộ
trình, định hướng cụ thể, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết
liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào dứt việc đó; phân
công phải rõ người rõ việc, rõ kết quả, trong quá trình thực hiện phải đôn đốc,
kiểm tra, giám sát. Phát huy trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường phân
cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cấp dưới, gắn
với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Đồng thời đẩy mạnh hợp tác công tư, hợp
tác trong nước, quốc tế; khơi thông, tận dụng mọi nguồn lực cho đào tạo, phát
triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Phát huy sức mạnh của
nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ sở đào tạo trên tinh thần “lợi ích hài
hòa, rủi ro chia sẻ”.
Phát triển công nghiệp bán dẫn một cách
hài hòa, cân bằng quan hệ với các nước lớn. Tập trung phát triển các trung tâm
thiết kế, kiểm thử, đóng gói và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh
nghiệp lớn, đặc biệt về công nghệ đóng gói tiên tiến, hướng tới thành lập nhà
máy sản xuất bán dẫn và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp
bán dẫn. Tăng cường truyền thông, tạo sự đồng thuận trong xã hội về phát
triển công nghiệp bán dẫn.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo
quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đề nghị các Bộ, ngành, địa
phương chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ đã ban hành. Đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và
giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó
khăn, vướng mắc, rào cản về quy trình, thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu
tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bán dẫn như báo cáo đánh giá tác động
môi trường, cấp Giấy phép phòng cháy chữa cháy, thị thực nhập cảnh, Giấy phép
lao động... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bán
dẫn. Việc hỗ trợ nhà đầu tư cần thực hiện kịp thời, nhất quán, theo cơ chế một
cửa.
Tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm
vụ, giải pháp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn theo chủ trương, định hướng
phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Chiến lược phát triển công nghiệp bán
dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và Chương trình phát triển nguồn nhân
lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030.
Tăng cường hợp tác với các quốc gia, nền
kinh tế sở hữu năng lực sản xuất bán dẫn, tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm,
vật liệu, linh kiện bán dẫn. Thu hút các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới,
đặc biệt các doanh nghiệp có vai trò quyết định hệ sinh thái công nghiệp bán
dẫn chuyển dịch chuỗi cung ứng về Việt Nam, đặt văn phòng, xây dựng các
trung tâm R&D, phòng thí nghiệm về bán dẫn tại Việt Nam. Thúc đẩy quan hệ
đối tác với các doanh nghiệp lớn về bán dẫn như: Intel, Samsung, Amkor, Hana
Micron. Từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu về bán dẫn, chuyển giao và
dần tiến tới làm chủ công nghệ.
Cùng với đó, quyết liệt, sâu sát hơn nữa
trong công tác nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy
phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thể
chế để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, tăng sức cạnh tranh để
thu hút các nhà đầu tư; cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, hỗ trợ doanh
nghiệp trong nước tham gia phát triển bán dẫn.
Các địa phương nghiên cứu, lựa chọn các
khu công nghiệp có vị trí thuận lợi, phù hợp để đầu tư, đảm bảo đồng bộ về cơ
sở hạ tầng kỹ thuật (đặc biệt về cung cấp nguồn điện ổn định, đủ công suất và nước
sạch, hệ thống xử lý nước thải, vệ sinh môi trường) nhằm phát triển ngành công
nghiệp bán dẫn; thúc đẩy các khu, cụm công nghiệp lân cận để tạo cụm liên kết
ngành cho chuỗi công nghiệp bán dẫn. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản
trị thông minh liên quan đến tổ chức, sản xuất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện
toán đám mây, Internet vạn vật…
H.B
(tổng hợp)