Chiều
16/6, UBND tỉnh tiếp tục phiên họp chuyên đề UBND tỉnh tháng 6/2022. Đồng chí
Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.
Quang cảnh phiên họp
Đ/c Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND
tỉnh chủ trì phiên họp chiều nay
Trong phiên họp chiều nay, UBND tỉnh đã nghe và cho ý kiến về các dự thảo
Nghị quyết thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Theo đó, Nghệ An là tỉnh lớn, dân cư
đông, địa bàn rộng với 1 thành phố, 3 thị xã, 10 huyện miền núi và 7 huyện đồng
bằng, trung du và ven biển. Điều kiện kinh tế - xã hội các vùng không đồng đều.
Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành trình bày các dự thảo Nghị quyết thuộc
lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Quy mô mạng lưới trường lớp các huyện
miền núi phần lớn là nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở vật chất nhiều nơi xuống cấp. Kinh
phí tăng cường cơ sở vật chất và chi cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, mua
sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy học cho các cơ sở giáo dục công lập từ
ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được các điều kiện tối thiểu để
thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Mặt khác, mức thu học phí
đang áp dụng thực hiện đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn không
còn phù hợp, mức thu học phí giữa các cấp học có sự khác biệt quá lớn, chưa bảo
đảm tính công bằng trong tiếp cận giáo dục, chưa phát huy đẩy mạnh xã hội hóa
giáo dục để chia sẻ gánh nặng với ngân sách Nhà nước và tăng kinh phí chi hoạt
động tối thiểu cho các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh xây dựng dự
thảo Nghị quyết Quy định mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục công lập; mức
hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục thuộc tỉnh Nghệ An quản
lý từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 – 2026.
Dự thảo Nghị quyết quy định, mức học
phí học trực tiếp đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập
chưa tự bảo đảm chi thường xuyên từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 –
2026.
Theo đó, đối với vùng thành thị, mức
thu học phí của 3 cấp: Mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông năm học
2022-2023 là 300.000 đồng/học sinh/tháng, năm học 2023-2024 là 315.000 đồng/học
sinh/tháng, năm học 2024-2025 là 330.000 đồng/học sinh/tháng, năm học 2025-2026
là 345.000 đồng/học sinh/tháng.
Đối với vùng nông thôn, mức thu học
phí của cấp mầm non, trung học cơ sở năm học 2022-2023 là 100.000 đồng/học
sinh/tháng, năm học 2023-2024 là 105.000 đồng/học sinh/tháng, năm học 2024-2025
là 110.000 đồng/học sinh, năm học 2025-2026 là 115.000 đồng/học sinh/tháng.
Riêng cấp học trung học phổ thông là 200.000 - 210.000 - 220.000 - 230.000
đồng/học sinh/tháng.
Đối với vùng dân tộc thiểu số và miền
núi, mức thu học phí của cấp mầm non, trung học cơ sở năm học 2022-2023 là
50.000 đồng/học sinh/tháng, năm học 2023-2024 là 55.000 đồng/học sinh, năm học
2024-2025 là 60.000 đồng/học sinh/tháng, năm học 2025-2026 là 65.000 đồng/học
sinh/tháng. Riêng cấp học trung học phổ thông là 100.000 - 110.000 - 120.000 -
130.000 đồng/học sinh/tháng.
Mức thu học phí học trực tuyến (học
online) đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập từ năm
học 2022 - 2023 đến năm học 2025 -2026 bằng 80% mức học phí học trực tiếp.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết cũng
quy định mức hỗ trợ tiền đóng học phí học trực tiếp cho học sinh tiểu học tư
thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm học phí theo quy định từ
năm học 2022-2023 đến năm học 2025 - 2026.
Cụ thể, đối với vùng thành thị, một
học sinh sẽ được hỗ trợ trong 4 năm học (từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025
- 2026), tương ứng 310.000 - 315.000 - 330.000 - 345.000 đồng/tháng; vùng nông
thôn là: 100.000 - 105.000 - 110.000 - 115.000 đồng/học sinh/tháng; vùng dân
tộc thiểu số và miền núi là: 50.000 - 55.000 - 60.000 - 65.000 đồng/học
sinh/tháng.
Mức hỗ trợ tiền đóng học phí học trực
tuyến (học online) cho học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng
chính sách miễn giảm học phí theo quy định từ năm học 2022 - 2023 đến năm học
2025 - 2026 bằng 80% mức hỗ trợ học phí học trực tiếp.
Đối tượng áp dụng là trẻ em mầm non,
học sinh phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông
công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Các cơ sở
giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục thuộc
tỉnh Nghệ An quản lý; Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.
Qua thảo luận, UBND tỉnh thống nhất thông qua các dự thảo Nghị quyết
trên.
Cũng trong phiên họp, UBND tỉnh đã thống nhất thông qua các dự thảo Nghị
quyết:
- Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh “Sửa đổi, bổ sung Điều 2 Nghị quyết số
31/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh Quy định mức thu tối đa các khoản
dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với các cơ sở
giáo dục công lập; mức thu dịch vụ tuyển sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh
Nghệ An.
- Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ cho giáo
viên mầm non đã hợp đồng lao động theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày
05/1/2018 của Chính phủ và Thông tư số 09/2013 ngày 11/3/2013 của Bộ Giáo dục
và Đào tạo – Bộ Tài chính – Bộ Nội vụ.
- Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức chi tập huấn, bồi dưỡng
giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình mới, sách
giáo khoa mới giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
- Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021
-2025 và kế hoạch năm 2022 về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
- Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021
-2025 và kế hoạch năm 2022 về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền
vững.
- Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh
về kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 -2025 và kế hoạch năm 2022 về Chương trình
mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và
miền núi.
Q-T