Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2020 – 2023
Chiều 26/2,
UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 giai
đoạn 2020 – 2023. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên
Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc
hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó
Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các Sở,
ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Thần tốc trong điều tra
truy vết, thận trọng trong sàng lọc, linh hoạt trong phân tầng thu dung, điều
trị các ca bệnh COVID-19
Đại
dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường và chưa có tiền lệ, đã ảnh
hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống người dân cũng như sự phát triển kinh
tế - xã hội. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống
dịch COVID-19 tỉnh, Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 tỉnh và sự vào
cuộc của cả hệ thống chính trị, các Sở, ban, ngành và mọi người dân đã thực
hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch và đã đạt được nhiều
kết quả quan trọng; đã nhanh chóng kiểm soát được dịch trên toàn tỉnh.
Tỉnh
Nghệ An đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19: Thần
tốc trong điều tra truy vết, thận trọng trong sàng lọc, linh hoạt trong phân
tầng thu dung, điều trị các ca bệnh COVID-19; có bước đi đúng trong quản lý
cách ly F1 và điều trị F0. Đặc biệt, ngành Y tế đã tổ chức thành công chiến
dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Đội ngũ
cán bộ, nhân viên y tế luôn sẵn sàng tham gia triển khai thực hiện nhiệm
vụ tại các cơ sở y tế, cơ sở điều trị COVID-19, các chốt kiểm soát dịch, các
khu cách ly tập trung; hỗ trợ các địa phương lấy mẫu xét nghiệm và hỗ trợ nhân
lực cùng các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch.
Với
phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”
theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã chuyển
hướng chiến lược phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình
hình mới và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo điều kiện khôi phục và
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Quang
cảnh hội nghị
Giai đoạn 1, 2, 3 (từ ngày 22/1/2020 đến 26/4/2021), toàn tỉnh đã triển
khai đồng bộ nhiều biện pháp giám sát, truy vết nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa
dịch bệnh. Nhiều biện pháp cách ly lần đầu tiên được triển khai trong phòng,
chống dịch tại tỉnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã được Bộ Y tế quyết
định là một trong 22 cơ sở trong cả nước đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm
khẳng định COVID-19. Trong giai đoạn này toàn bộ các trường hợp F1, F2 được
thực hiện xét nghiệm RT-PCR để xác định COVID-19, kết quả xét nghiệm trên địa
bàn tỉnh là 44.196 mẫu, trong đó có 4 mẫu dương tính. Toàn tỉnh tổ chức cách ly
điều trị cho 75.990 lượt người, trong đó cách ly tập trung là19.379 lượt người;
cách ly tại nhà cho 56.611 người.
Giai đoạn 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch tỉnh
chỉ đạo các Sở, ngành, các địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh và triển
khai các biện pháp an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19. Tính đến 31/12/2023, Nghệ An
đã tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe cho hơn 1,2 triệu lượt người. Trong đó,
cách ly cho khoảng 17.000 công dân trở về từ Lào; hơn 1.000 chuyên gia nước
ngoài, hơn 90.000 lượt người được cách ly tại cơ sở cách ly tập trung từ tuyến
tỉnh đến huyện. Tính từ 01/01/2020 đến ngày 31/12/2023, ước tính ngành y tế thực hiện trên 2
triệu lượt xét nghiệm test nhanh, khoảng 800 nghìn lượt xét nghiệm RT-PCR. Tính đến ngày 31/12/2023, tỉnh Nghệ An đã điều trị
khỏi hơn 99,9% số ca mắc (các trường hợp còn lại tự theo dõi sức khỏe tại nhà);
ghi nhận 188 trường hợp tử vong do COVID-19, chiếm 0,03%, tỷ lệ này thấp hơn
rất nhiều so với tỷ lệ chung của toàn quốc.
Toàn tỉnh đã thực hiện tiêm 8.334.333 triệu liều vắc xin /76 đợt. Không có vắc xin trả lại, không để vắc xin đã tiếp nhận hết
hạn. Các mũi tiêm cơ bản vượt 100%.
Phó Chủ
tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc hội
nghị, đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Hội nghị là
dịp để tỉnh có trách nhiệm nhìn lại, đánh giá lại một cách toàn diện, đầy đủ
nhất những kết quả, thành tích đã đạt được; những tồn tại, hạn chế; xác định
nguyên nhân và nhất là đúc rút các bài học kinh nghiệm sâu sắc, quan trọng
trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống
dịch để từ đó sẽ thực hiện tốt hơn trong việc ứng phó với những vấn đề khẩn cấp
y tế cộng đồng, những vấn đề bất trắc trong xã hội có thể nảy sinh, đồng thời
vận dụng linh hoạt, sáng tạo có hiệu quả vào các lĩnh vực khác của đời sống
kinh tế xã hội của tỉnh, địa phương. Hội nghị cũng dịp để Lãnh đạo tỉnh tiếp
tục biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân đã có thành tích
rất xuất sắc trong công tác phòng chống dịch trong cả giai đoạn 2020-2023 đầy
đủ và toàn diện; đặc biệt là dịp để tưởng nhớ, tri ân những người đã hi sinh,
trải qua nhiều mất mát trong chiến trận phòng chống dịch để bảo vệ tính mạng
của nhân dân.
Phó Chủ
tịch UBND TP Vinh Trần Thị Cẩm Tú đề nghị cấp trên quan tâm, bố trí đúng mức
nguồn lực cho hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng để đáp ứng kịp thời công tác
quản lý theo dõi phòng ngừa và phòng chống dịch với phương châm 04 tại chỗ khi
dịch xảy ra
Giám đốc
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nguyễn Văn Hương tham luận về công tác triển khai
bệnh viện dã chiến chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 và hỗ trợ đơn vị bạn
Chủ động,
quyết liệt, kịp thời, toàn diện, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác
phòng, chống dịch COVID-19
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Thái Thanh Quý – Bí
thư Tỉnh ủy đánh giá: COVID-19 là một đại dịch chưa từng có tiền lệ trong lịch
sử, diễn biến rất phức tạp, khó lường, khó dự báo và đã ảnh hưởng rất nghiêm
trọng đến sức khỏe, đời sống người dân cũng như tác động sâu sắc, nhiều mặt đến
sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh trên bình diện toàn cầu,
trong cả nước, tất cả các địa phương, đơn vị trong tỉnh, tới mỗi người, mỗi
nhà, mỗi khu phố... Trong 3 năm, tại Nghệ An ghi nhận trên 500.000 ca mắc
COVID-19; trên 150 trường hợp tử vong. Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với công
tác phòng chống dịch là rất cấp bách, rất khó khăn, rất tốn kém sức người, sức
của, diễn biến của dịch thời kỳ cao điểm diễn ra từng giờ, từng buổi, nên rất
cấp bách. Địa bàn Nghệ An rộng, dân số đông, giao thương mở, nguy cơ dịch xâm
nhập rất cao, điều kiện cơ sở vật chất ở nhiều địa bàn còn thiếu thốn nên rất
khó khăn cho công tác phòng chống dịch.
Qua thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống
dịch của tỉnh, có 3 bài học kinh nghiệm: Thứ nhất, thống nhất, thông suốt trong
lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống dưới; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu;
tăng cường công tác kiểm tra, kỷ luật, kỷ cương trong công tác phòng, chống dịch.
Thứ hai là chủ động, quyết liệt, kịp thời, toàn diện, linh hoạt trong lãnh đạo,
chỉ đạo; luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, nhưng chủ động, linh
hoạt trong triển khai phù hợp với điều kiện từng địa bàn, thực tế, trên cơ sở
bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, căn cứ dữ liệu
khoa học đưa ra các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Thứ ba là bài học về
khơi dậy lòng dân, phát huy sức dân; không chỉ chia sẻ trong cộng đồng xứ Nghệ
mà còn hỗ trợ, chia sẻ kịp thời cho các địa phương khác khi dịch cấp bách.
Từ những bài học kinh nghiệm đó, tỉnh Nghệ An đã đạt
được những kết quả rất tích cực trong phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, tỉnh
đã kiểm soát tốt dịch bệnh sau hơn 1 năm rưỡi xuất hiện dịch ở Việt Nam, vượt
qua được 03 làn sóng dịch. Đến làn sóng dịch thứ tư, Nghệ An có ca lây nhiễm
COVID-19 trên địa bàn. Số ca mắc COVID-19 điều trị khỏi đạt 99,9%, tỷ lệ tử
vong 0,03%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của toàn quốc (0,37%). Thực
hiện tiêm hơn 8,3 triệu liều vắc xin, các mũi tiêm cơ bản đạt 100%; mũi 2, mũi
3 cho trẻ em cao hơn bình quân chung cả nước. Nghệ An là một trong những địa
phương nhanh chóng kiểm soát được và chuyển hướng chiến lược thực hiện “thích
ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” sang trạng thái bình
thường mới sau làn sóng thứ 4 đại dịch COVID-19. Sau làn sóng dịch, kinh tế -
xã hội của tỉnh đã từng bước phục hồi nhanh chóng, đạt được nhiều kết quả rất
tích cực, nhất là trong năm 2022, 2023; các hoạt động văn hóa – xã hội, an sinh
có nhiều điểm sáng nổi bật; quốc phòng - an ninh được giữ vững...
Bí thư Tỉnh ủy đánh giá, đi qua đại dịch COVID-19 đặt
ra những yêu cầu cấp thiết trong công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng, khả năng,
năng lực thu dung, điều trị bệnh. Những nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh trước những
thay đổi bất thường của môi trường sống hiện nay là rất lớn; từ đó, đặt ra
những thách thức mới, nhiệm vụ mới trong thời gian tới. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị
UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các đơn vị tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng
tâm: Thứ nhất là cần tập trung nghiên cứu, có giải pháp xử lý những vướng mắc,
tồn đọng còn lại liên quan công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua;
đơn cử như vướng mắc thanh quyết toán kinh phí mua sắm vật tư, sinh phẩm phòng
chống dịch thành phố Vinh; đeo bám kiến nghị Bộ Tài Chính để có hướng dẫn chi
trả chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại
các cơ sở y tế công lập thuộc tự chủ nhóm 2 theo Nghị định số 05/2023/NĐ-CP
ngày 15/02/2023 của Chính phủ...
Thứ hai là với phương châm chuẩn bị từ sớm, từ xa,
phòng hơn chữa bệnh, ngành Y tế cần có chính sách đầu tư phát triển hệ thống y
tế dự phòng, y tế cơ sở, tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ sở, y tế
dự phòng và nâng cao năng lực phòng, chống dịch. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo
nâng cao năng lực cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là cán bộ Trạm Y tế
xã, y tế thôn bản và cán bộ y tế tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng
đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ ba, tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển lĩnh vực
y tế của tỉnh theo định hướng Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, trong đó ưu
tiên phát triển triển hệ thống y tế trên địa bàn thành phố Vinh trở thành Trung
tâm y tế chuyên sâu khu vực Bắc Trung Bộ, phát triển một số bệnh viện thành
bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến cuối như: Phát triển Trung tâm Kiểm soát bệnh
tật tỉnh trở thành trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ; Bệnh viện Hữu nghị đa khoa
tỉnh Nghệ An thành bệnh viện hạng đặc biệt; xây dựng các trung tâm chuyên sâu
trực thuộc bệnh viện như Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện
Phổi và phát triển trở thành tuyến cuối của khu vực Bắc Trung Bộ. Phát triển
Bệnh viện Y học cổ truyền thành Bệnh viện Đa khoa Y Dược cổ truyền và trở thành
tuyến cuối khu vực Bắc Trung Bộ. Xây dựng Trung tâm Huyết học - Truyền máu
thành Bệnh viện vùng. Xây dựng và phát triển các bệnh viện chuyên khoa như: Nội
tiết, Mắt, Chấn thương Chỉnh hình... thành bệnh viện tuyến cuối của khu vực Bắc
Trung Bộ… Cùng với đó, nghiên cứu có chính sách thu hút, đầu tư nhiều hơn cơ sở
sản xuất thuốc, trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh...
Thứ tư, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của các
cấp, các ngành, các địa phương đơn vị và các tầng lớp nhân dân trong phòng,
chống khi có tình huống khẩn cấp về dịch bệnh có thể xảy ra. Thứ năm, tiếp tục
thực hiện việc tôn vinh, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích
xuất sắc trong phong trào thi đua phòng, chống dịch theo phân cấp.
Dịp này, Bí
thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu trao Bằng
khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho 9 tập thể và 10 cá nhân đã có thành tích
xuất sắc trong chỉ đạo, thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TU
Phó Chủ
tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long
trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 44 tập thể đã có thành tích xuất sắc
trong phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2023
Phó Chủ
tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long
trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 56 cá nhân đã có thành tích xuất sắc
trong phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2023
Chủ tịch Ủy
ban MTTQ tỉnh Võ Thị Minh Sinh và Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Lê
Văn Ngọc trao Bằng khen của Ủy ban MTTQ tỉnh cho 38 tập thể và 61 cá nhân đã có
thành tích trong ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19
Kim Oanh