Theo Hiệp hội chế biến lâm sản và gỗ Nghệ An cho biết, từ tháng 6 lại đây, giá viên nén sinh khối tại châu Âu từ 800-900 USD/tấn đã tăng gần gấp đôi với gần 1.800 USD/tấn. Nghệ An với lợi thế về vùng nguyên liệu rừng lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ trên 10.000 ha liệu có tận dụng được cơ hội này?
Tiềm năng lớn
Nghệ An có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước. Toàn tỉnh hiện có 1,008 triệu ha đất có rừng, bao gồm 173,9 ngàn ha đã thành rừng và 45,84 ngàn ha đã trồng chưa thành rừng; 788,99 ngàn ha rừng tự nhiên; độ che phủ đến năm 2021 đạt 58,41%. Nghệ An được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đánh giá là một trong những tỉnh có độ che phủ rừng tốt và lớn nhất cả nước.
Những năm gần đây, nhờ các đề án thúc đẩy phát triển kinh tế rừng nên diện tích rừng trồng tăng khá nhanh, mỗi năm bình quân toàn tỉnh trồng thêm được 18 ngàn ha rừng tập trung. Trên cơ sở diện tích rừng hiện có, ngoài các nhà máy sản xuất chế biến gỗ nguyên liệu, chế biến dăm nguyên liệu tại KCN Nam Cấm, Đông Hồi, Nghĩa Đàn, Thanh Chương, 5 năm lại đây, tỉnh quy hoạch và thu hút được các dự án chế biến gỗ làm viên nén sinh khối với tổng công suất gần 1 triệu tấn nguyên liệu mỗi năm.
Để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy trên, tỉnh đã quy hoạch, hướng dẫn làm thủ tục cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) với tổng diện tích 10.289 ha cho các chủ rừng, trong đó diện tích rừng trồng là 9.450 ha.
Khai thác gỗ keo nguyên liệu tại xã Châu Bình, Quỳ Châu. Ảnh: Nguyễn Hải
Đứng đầu là Công ty Thương mại và gỗ tại Thanh Chương liên kết với nhóm hộ chủ rừng tại các xã Ngọc Sơn, Thanh Sơn, Thanh Thịnh, Thanh An và Thanh Hương với diện tích 3.763 ha; tiếp theo là Công ty TNHH Thanh Hòa liên kết với nhóm hộ chủ rừng tại xã Châu Bình, Quỳ Châu diện tích 2.886 ha; Hợp tác xã An Việt Phát với các nhóm trồng rừng tại Đồng Thành và Thịnh Thành (Yên Thành) với diện tích gần 2.000 ha; Công ty Khánh Tâm có gần 1.000 ha tại Quế Phong. Doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên tại Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) với 820 ha.
Ngoài ra, hiện còn khoảng 13.000 rừng trồng tại các huyện Anh Sơn, Quế Phong, Thanh Chương và Nghi Lộc đang trong quá trình đánh giá tiến tới cấp chứng chỉ rừng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tiến Lâm - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và chế biến lâm sản tỉnh cho biết: Với tiềm năng lớn về rừng như trên, mỗi năm nguồn cung sản lượng gỗ ra thị trường gần 2 triệu m3 gỗ và lâm sản phụ khác; giá trị xuất khẩu mỗi năm đạt xấp xỉ 300 triệu USD và là 1 trong 3 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh (cùng với dệt may và đá trắng).
Mặc dù giá trị lớn nhưng so với giá nguyên vật liệu hiện nay và kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước là 14 tỷ USD/năm thì đóng góp của lâm sản Nghệ An còn quá khiêm tốn, chưa phản ánh đúng tiềm năng và giá trị kinh tế rừng của tỉnh.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Lâm, không kể các loại nguyên liệu gỗ khác như gỗ dăm, ván ép MDF đều đang có xu hướng nhích dần lên, hiện nay giá viên nén sinh khối vào Châu Âu tăng gấp đôi. Hiện nay, trong số gần 2 triệu m3 gỗ hàng năm bán đi, chúng ta chủ yếu xuất bán gỗ dăm, gỗ ván ép nguyên liệu MDF nên giá trị gia tăng không đáng kể.
Trong khi đó, sản phẩm viên nén sinh khối giá trị cao, thị trường châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản, Hàn Quốc có nhu cầu lớn, ưa dùng nhưng sản lượng chỉ chưa đầy 500 ngàn tấn/năm; nguyên liệu đầu vào phải từ diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC nên khó nâng công suất đột biến.
Ông Nguyễn Khắc Hải - Trưởng phòng Phát triển và Bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết thêm: Lâu nay thế mạnh của Nghệ An là xuất khẩu các sản phẩm gỗ mỹ nghệ. Khủng hoảng nguyên liệu ở châu Âu đã làm các mặt hàng xuất khẩu viên nén sinh khối và gỗ dăm tăng lên, trước đây giá keo chỉ 900 - 1 triệu đồng/tấn, nay tăng lên 1,2 - 1,3 triệu đồng/tấn nhưng xuất khẩu gỗ mỹ nghệ thì chững lại.
|
Cách nào để tận dụng tốt cơ hội?
Trong lần làm việc mới đây nhất với Nghệ An, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chia sẻ: Xung đột quân sự Nga - Ukraine đẩy kinh tế thế giới đối mặt với nhiều nguy cơ. Một trong những nguy cơ đã thấy rõ là thế giới dễ khủng hoảng lương thực, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất như điện, than sinh khối, xăng dầu tăng.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới nên một mặt phải rà soát lại để đảm bảo an ninh lương thực trong nước nhưng mặt khác cũng phải tận dụng cơ hội này để khai thác lợi thế, tiềm năng của mình để đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh và thế giới đang cần.
Là tỉnh có thế mạnh về rừng trồng, Nghệ An lại có 4-5 dự án sản xuất viên nén sinh khối gỗ quy mô lớn, công nghệ hiện đại của Nhật và châu Âu nên cần khai thác tốt lợi thế này. Ngoài các cây nguyên liệu chủ yếu như keo lai, bạch đàn… thì tỉnh nên khai thác duy trì diện tích cây cao su, mặc dù giá mủ thấp nhưng khai thác lấy gỗ rất tốt. Mặc dù khá tích cực nhưng việc tỉnh mới chỉ có trên 10 ngàn ha trong tổng số 219,8 ngàn ha rừng đã trồng được cấp FSC là khá thấp (chiếm 4,68%).
(Đại diện Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
|
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Hải - Trưởng phòng Phát triển và Bảo vệ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết:
Cấp chứng chỉ rừng FSC có quy trình rất nghiêm ngặt, lộ trình, tiêu chí đánh giá bài bản nên không thể làm nóng vội hay đốt cháy giai đoạn được. Hiện tại, mặc dù giá sản phẩm viên nén sinh khối tăng cao nhưng giá nguyên liệu gỗ đầu vào do được ký hợp đồng từ trước, mỗi dự án có một vùng rừng nguyên liệu được cấp chứng chỉ FSC riêng nên chưa có biến động lớn.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ rừng, đầu tháng 8, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp, theo đó phấn đấu ngay trong năm 2022 có thêm 5.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang tích cực rà soát, hỗ trợ hướng dẫn các chủ rừng để khi đủ điều kiện thì cấp chứng chỉ FSC ngay; phấn đấu đến năm 2025 cấp chứng chỉ cho 50.000 ha rừng; kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản giai đoạn 2020-2025 đạt 1 tỷ USD.
(Trích báo cáo tại cuộc họp đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ FSC)
|
Khó khăn lớn nhất trong cấp chứng chỉ rừng FSC là hồ sơ pháp lý. Muốn cấp chứng chỉ rừng thì hồ sơ pháp lý phải rõ ràng, có chủ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ nguồn cung cây giống cũng phải lấy từ cơ sở hợp pháp; chăm sóc rừng phải theo tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn lao động… Để hoàn thiện hồ sơ này, ngoài nhân lực và thời gian, tùy theo hồ sơ nguồn gốc đất mà có kinh phí từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/ha. Phần lớn diện tích rừng trồng hiện do Ban quản lý rừng Phòng hộ hoặc các Lâm trường quản lý nên hồ sơ khá phức tạp, kinh phí hoạt động khó khăn.
Từ năm 2022, HĐND tỉnh có Nghị quyết số 18 hỗ trợ chủ rừng 300 ngàn/ha để làm thủ tục cấp chứng chỉ. Đến nay đã có 21/22 chủ rừng nhà nước đã được hỗ trợ…
Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Ưu điểm của rừng được cấp chứng chỉ FSC là đầu ra cho sản phẩm luôn được đảm bảo, giá ổn định. Sắp tới nếu giá viên nén tăng cao, các chủ rừng có thể đàm phán với các doanh nghiệp, nhà máy thu mua điều chỉnh phụ lục hợp đồng để đảm bảo quyền lợi. Về hỗ trợ kinh phí duy trì chứng chỉ FSC hàng năm, Chi cục sẽ tiếp thu, nắm bắt kiến nghị các chủ rừng để trình Sở Nông nghiệp & PTNT kiến nghị bổ sung trong thời gian tới.
Quang An
Nguồn: Báo Nghệ An (1/11/2022)