Tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá năm 2025 trên địa bàn tỉnh
Ngày 28/3/2025, UBND tỉnh đã ban hành
Công văn số 2437/UBND-KT về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành
giá năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, thực hiện Thông báo số 65/TB-VPCP ngày
26/02/2025 của Văn phòng Chính phủ về Kết
luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá
tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về kết quả công tác quản lý, điều hành giá năm 2024 và
định hướng công tác điều hành giá năm 2025, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn
vị chủ động theo dõi sát diễn biến giá hàng hóa, dịch vụ trong nước cũng như
trên địa bàn tỉnh để chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu
UBND tỉnh các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời, góp phần bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu
Quốc hội đề ra.
Chủ động nắm chắc
thị trường, cân đối cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả
ổn định thị trường, nhất là đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như xăng dầu,
các nguyên liệu đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất. Chú trọng duy trì nguồn
cung cấp nguyên liệu nhập khẩu từ các thị trường lớn nhằm đảm bảo các ngành sản
xuất trên địa bàn tỉnh không bị gián đoạn và duy trì hoạt động ổn định. Khuyến
khích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, đẩy mạnh phát triển thị trường trên địa bàn tỉnh, kích
cầu tiêu dùng, gắn kết giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng.
Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ,
biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình
ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện
pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá. Tổ chức thanh tra,
kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp
luật về giá.
Tiếp tục đẩy mạnh
công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá
và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, nhất là
diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến
sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định
tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp ngay từ thời điểm đầu năm.
Đối
với các mặt hàng cụ thể: Về xăng
dầu, UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối
hợp với
các đơn vị, địa phương liên quan theo dõi, kiểm tra giám sát nguồn
cung cầu xăng dầu, cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ,
sản xuất, vận chuyển của người dân, doanh nghiệp, ổn định thị trường trên địa
bàn tỉnh.
Về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các mặt
hàng xem xét điều chỉnh giá, giao Sở Y tế và các Sở quản lý ngành, lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động rà soát kỹ các yếu tố hình thành giá, phối
hợp với Chi cục Thống kê tỉnh đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế - xã hội,
mặt bằng giá để chủ động có phương án điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc kịp thời
trình cấp có thẩm quyền xem xét phương án điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến,
mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định với mức độ và thời điểm điều chỉnh
phù hợp, tránh gây biến động lớn về giá.
Về lương thực, thực
phẩm, giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và
các địa phương liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất, biến động giá các yếu tố đầu vào, nhu
cầu tiêu dùng của thị trường đối với các mặt hàng nông sản thiết yếu như lúa
gạo, thịt lợn, các vật tư nông nghiệp,… để kịp thời thực hiện theo thẩm quyền
hoặc đề xuất, tham mưu UBND tỉnh các biện pháp điều hòa cung cầu các mặt hàng
phục vụ nhu cầu trên địa bàn tỉnh, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất
khẩu để ổn định giá cả thị trường.
Về vật liệu xây dựng, giao Sở Xây dựng
theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn
tỉnh, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu, cập nhật giá và điều chỉnh giá vật liệu
xây dựng phù hợp vơi giá thị trường theo thẩm quyền.
Về đất đai và bất động sản, giao Sở Nông
nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng và các địa phương theo chức năng,
nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công
tác quản lý đất đai, thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy thị trường bất
động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; thực hiện theo dõi, cập nhật
sát biến động giá đất trên thị trường; từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về giá
đất tới từng thửa đất gắn với cơ sở dữ liệu đất đai. Tập trung xây dựng, hoàn
thiện các văn bản quy phạm pháp luật, định mức kinh tế - kỹ thuật về giá đất
thuộc thẩm quyền để thực hiện hiệu quả Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản
hướng dẫn thi hành.
Đối với công tác điều hành giá mặt hàng
quan trọng, thiết yếu khác, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, địa phương theo chức
năng, nhiệm vụ được giao chủ động tổ chức theo dõi sát diễn
biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện
pháp điều hành phù hợp,… không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn
hàng gây tăng giá đột biến.
PT (Tổng hợp)