Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận
Trình
bày tóm tắt dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn
cho biết, phương án giảm thuế GTGT tại dự thảo Nghị quyết lần này có sự
thay đổi nội dung so với quy định tại các cghị quyết của Quốc hội trước
đây.
Cụ thể, về nguyên tắc đề xuất giảm thuế: Thuế GTGT có các
loại hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT (có hàng
hoá, dịch vụ không chịu thuế GTGT, có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu áp
dụng thuế suất 0%, có hàng hoá, dịch vụ chịu thuế suất 5% và có hàng
hoá, dịch vụ chịu thuế suất 10%) thì chỉ giảm thuế đối với hàng hoá,
dịch vụ chịu thuế suất 10%.
Trong nhóm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế
suất thuế GTGT 10%, mở rộng đối tượng được giảm 2% thuế suất thuế GTGT
đối với hàng hoá, dịch vụ phục vụ cho sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu
dùng nhằm hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa,
hàng hoá đặc biệt góp phần quan trọng trong sản xuất kinh doanh như: Sản
phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, than
cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, than ở khâu nhập khẩu và than
bán ra ở khâu kinh doanh thương mại, xăng, dầu.
Không giảm thuế
GTGT đối với hàng hoá là tài nguyên khoáng sản, trừ hàng hoá đặc biệt
góp phần quan trọng trong sản xuất kinh doanh như: Sản phẩm khai khoáng
(trừ than), sản phẩm kim loại.
Không giảm thuế GTGT đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trừ mặt hàng xăng.
Giữ
nguyên các dịch vụ không được giảm thuế GTGT theo quy định tại các Nghị
quyết của Quốc hội trước đây như: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân
hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản.
Cũng theo
ông Cao Anh Tuấn, nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết là giảm 2% thuế
suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế
suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông,
hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất
động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm
hàng hóa và dịch vụ chịu thuế TTĐB (trừ xăng).
Thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.
Về
đánh giá tác động của dự thảo Nghị quyết, ông Cao Anh Tuấn cho biết dự
kiến số giảm thu NSNN trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 khoảng
121,74 nghìn tỷ đồng (trong đó 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54
nghìn tỷ đồng, năm 2026 giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng).
Đồng
thời, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ,
từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho
người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế
trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026.
Đối với người dân và
doanh nghiệp, việc giảm 2% mức thuế GTGT sẽ góp phần giảm trực tiếp chi
phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời,
giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp sản
phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh.
Trình
bày báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế-Tài
chính Phan Văn Mãi cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban cơ bản
thống nhất với đề xuất tiếp tục cho phép áp dụng chính sách giảm 2%
thuế suất thuế GTGT như kiến nghị của Chính phủ
Đồng thời, đề nghị
Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm tra để hoàn thiện dự thảo
Nghị quyết; tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm bảo đảm nhiệm vụ thu
và khả năng cân đối ngân sách trong phạm vi bội chi NSNN năm 2025 đã
được Quốc hội quyết định.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất
trình Quốc hội xem xét việc giảm thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm 2025 và
cả năm 2026 theo tờ trình của Chính phủ để kích cầu tiêu dùng, ứng phó
với biến động của kinh tế thế giới, đồng thời thúc đẩy sản xuất kinh
doanh, tạo việc làm, tạo đà tăng trưởng, góp phần đạt mục tiêu tăng
trưởng năm 2025 là 8% trở lên.
Anh Thơ
Nguồn: baochinhphu.vn (23/4/2025).