Hiện nay địa bàn Nghệ An, các cửa
hàng bán lẻ xăng dầu đang tích cực thực hiện đầu tư hạ tầng để áp dụng
xuất hoá đơn điện tử theo từng lần bán theo quy định của Bộ Tài chính.
Sau ngày 31/3/2024, nếu các cửa hàng xăng dầu không triển khai, cơ quan
chức năng sẽ có chế tài xử lý.
Bán hàng tại cửa hàng xăng dầu Phúc An khối 12, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Văn Trường
Xuất hoá đơn điện tử thủ công để giảm chi phí đầu tư
Theo quan sát tại Cửa hàng xăng dầu Phúc An khối 12, phường Quỳnh
Xuân, thị xã Hoàng Mai, mỗi khi khách hàng vào đổ xăng, dầu, một nhân
viên kế toán của cửa hàng ngồi ngay trụ bơm, sử dụng máy POS cầm tay để
xuất hoá đơn từng lần bán cho khách hàng. Chủ cửa hàng xăng dầu này chia
sẻ: Cửa hàng xăng dầu của gia đình tôi đầu tư xây dựng đã lâu, máy móc
đã cũ kỹ lạc hậu, việc đầu tư hạ tầng xuất >hoá đơn điện tử
từng lần bán kết nối từ trụ bơm vào máy tính sẽ rất tốn kém, khó thực
hiện. Vì vậy, trước mắt chúng tôi mua máy POS cầm tay trị giá 5 triệu
đồng để sử dụng xuất hoá đơn từng lần bán theo quy định của nhà nước.
Thiết bị này có camera AI, ứng dụng trên điện thoại, sử dụng hóa đơn
điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Tuy nhiên thiết bị này cũng có hạn
chế là chưa đấu được dữ liệu trên cột bơm, mỗi lần khách hàng đổ xăng
dầu là nhân viên phải ngồi bấm thủ công xuất hoá đơn theo từng lần bán.
Số hoá đơn xuất trong ngày lưu trong phần mềm để cơ quan thuế kiểm tra.
Máy POS cầm tay để xuất hoá đơn cho khách hàng. Ảnh: Văn Trường
Đại diện Chi cục Thuế khu vực Bắc Nghệ I cho biết: Địa bàn huyện
Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai có 40 cửa hàng xăng dầu. Thực hiện quy
định của Bộ Tài chính về xuất hoá đơn theo từng lần bán xăng dầu, từ
thời điểm đầu tháng 3, cả 40 cửa hàng đều thực hiện áp dụng xuất hoá đơn
điện tử cho từng lần bán. Trong đó các cửa hàng bán lẻ xăng dầu chủ yếu
sử dụng các phần mềm trên điện thoại, máy POS cầm tay để xuất hoá đơn.
Được biết, hiện nay đa số các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn
Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai đều có hạ tầng cũ, việc kết nối trực tiếp
cột bơm với máy tính rất khó nên phải sử dụng máy POS bấm từng lần. Nếu
xuất hoá đơn từ trụ bơm thì phải đầu tư đồng bộ, mỗi trụ bơm mới cả trăm
triệu đồng. Nếu sửa chữa có cải tiến, làm thay đổi chương trình điều
khiển thì phải thực hiện việc báo cáo và phê duyệt mẫu mới theo quy
định.
Tại địa bàn huyện Đô Lương hiện nay, hầu hết các cửa hàng xăng dầu
cũng đều sử dụng xuất hoá đơn điện tử theo kiểu thủ công. Anh Nhữ Sỹ
Hiền - quản lý cửa hàng xăng dầu Cầu Tiến thuộc thị trấn Đô Lương chia
sẻ: Đa số khách hàng khi đổ xăng, dầu đều không lấy hoá đơn, nhưng chúng
tôi đều căn cứ theo số lít trên cột bơm để bấm phát hành hoá đơn và gửi
trực tiếp lên cơ quan thuế. Hiện nay đơn vị đã sử dụng phần mềm Dịch vụ
hóa đơn điện tử S-Invoice của Viettel được cài trên điện thoại.
Phần mềm này phải mua, có chức năng khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ
và quản lý hóa đơn, được ký bằng chữ ký số, có giá trị về mặt pháp lý
như hóa đơn giấy thông thường; có thể chuyển đổi thành hóa đơn giấy khi
có nhu cầu.
Theo báo cáo của Chi cục Thuế khu vực Sông Lam 2, tính đến thời điểm
này 3 huyện do đơn vị quản lý gồm huyện Đô Lương, Thanh Chương, Tân Kỳ
đã có 53/61 cửa hàng xăng dầu đã thực hiện xuất hoá đơn điện tử theo
từng lần bán. Số cửa hàng còn lại đang tiếp tục nâng cấp hệ thống hạ
tầng kỹ thuật để thực hiện xuất hoá đơn điện tử theo từng lần bán. Hầu
hết các cửa hàng đều sử dụng xuất hoá đơn điện tử thủ công bằng máy cầm
tay.
Cán bộ Chi Cục thuế khu vực Bắc Nghệ I ở thị xã Hoàng Mai hướng dẫn
cho nhân viên xăng dầu xuất hoá đơn điện tử. Ảnh: Văn Trường
Nếu như các cây xăng dầu của các doanh nghiệp bán lẻ chọn phương án
xuất hóa đơn bằng máy cầm tay thì các cửa hàng của Công ty Xăng dầu Nghệ
An đã đầu tư đồng bộ xuất hoá đơn theo từng lần bán tự động. Ông Cao
Viết Đông - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Xăng dầu Nghệ An cho biết:
Hiện nay 84 cửa hàng xăng dầu của đơn vị đã thực hiện xuất hoá đơn theo
từng lần bán từ ngày 1/7/2023. Mỗi cửa hàng đầu tư trên 200 triệu đồng
bao gồm hệ thống phần cứng lẫn phần mềm để xuất hoá đơn tự động. Mỗi lần
“bóp cò” ngắt bơm là máy tự động xuất hoá đơn theo từng lần cho khách
hàng. Nếu khách hàng không lấy hoá đơn thì vẫn được lưu trong máy.
Vào cuộc quyết liệt và đồng bộ
Mới đây Tổng cục Thuế ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan
triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện thành công hoá đơn
điện tử từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu
trên địa bàn. Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, một số đơn vị có tiến độ
triển khai chậm là do Cục trưởng chưa đánh giá đúng tầm quan trọng, chưa
trực tiếp vào cuộc chỉ đạo quyết liệt cơ quan thuế tại địa phương; chưa
có sự phân công, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng phòng, từng cán bộ công
chức quản lý doanh nghiệp; chưa thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác tại
Cục Thuế để triển khai việc phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng
tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo quy định. Từ đó, dẫn đến các doanh
nghiệp kinh doanh xăng dầu có tâm lý, tư tưởng trì hoãn, chậm trễ chưa
thực hiện...
Khách hàng đổ xăng tại cây xăng ở thị trấn Đô Lương hầu hết không lấy hoá đơn. Ảnh: Văn Trường
Tổng Cục Thuế cũng yêu cầu các Cục thuế địa phương chủ động thành lập
các đoàn kiểm tra hoặc tham mưu UBND tỉnh, thành phố thành lập các đoàn
kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra tại các cửa hàng bán lẻ xăng
dầu; tiến hành xử phạt theo quy định pháp luật đối với các trường hợp
không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện xuất hóa đơn điện tử.
Đại diện Cục Thuế Nghệ An cho biết, triển khai ý kiến chỉ đạo của
Chính phủ, của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, Cục Thuế Nghệ An đã rà
soát các tổ chức, doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên
địa bàn, yêu cầu thực hiện quy định lập hóa đơn theo từng lần bán hàng.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 460/527 cửa hàng xăng dầu áp
dụng xuất bán hoá đơn điện tử theo từng lần (đạt 87%). Số cửa hàng còn
lại, các chi cục thuế đang tiếp tục kiểm tra, hỗ trợ xử lý các vướng
mắc.
Nghệ An phấn đấu đến ngày 25/3/2024, hoàn thành 100% chỉ tiêu được
giao. Nếu đến hết ngày 31/3/2024, các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng
dầu nếu không thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định
số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì cơ quan thuế kiến nghị các cấp có
thẩm quyền xem xét tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép
theo quy định của pháp luật.
Cửa hàng xăng dầu thị trấn Đô Lương sử dụng phần mềm Dịch vụ Hóa đơn
điện tử S-Invoice của Viettel được cài trên điện thoại. Ảnh: Văn Trường
Đại diện Cục Thuế Nghệ An khuyến cáo, việc xuất hoá đơn bán lẻ sau
mỗi lần đổ xăng là biện pháp chống gian lận trong hoạt động kinh doanh
bán lẻ xăng dầu, góp phần tạo môi trường kinh doanh xăng dầu minh bạch,
bình đẳng, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, chống thất thu thuế. Bên
cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cũng cần có ý
thức lấy hoá đơn khi mua xăng dầu để bảo vệ quyền lợi cho bản thân
mình, hạn chế gian lận cũng như thất thu thuế...
Trong số 460 cửa hàng đã thực hiện áp dụng xuất hoá đơn điện tử theo
từng lần, có 84 cửa hàng xăng dầu của Công ty xăng dầu Nghệ An xuất hoá
đơn tự động, còn lại hầu hết sử dụng các phần mềm trên điện thoại, máy
POS cầm tay để xuất hoá đơn thủ công.
Nguồn: Báo Nghệ An (19/3/2024).