image banner

image advertisement image advertisement

Lấy ý kiến dự thảo quy định cơ chế quản lý, điều hành ngân sách nhà nước năm 2025

Sở Tài chính đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo Quyết định của UBND tỉnh quy định cơ chế quản lý, điều hành ngân sách nhà nước năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Cơ chế quản lý, điều hành thu ngân sách nhà nước

Theo đề xuất của cơ quan soạn thảo, căn cứ vào dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025 được HĐND tỉnh quyết nghị và UBND tỉnh quyết định, Cục Thuế tỉnh cùng với Sở Tài chính và các ngành có liên quan thông báo dự toán thu ngân sách nhà nước chi tiết cho các huyện, thành phố, thị xã (cấp huyện).

Đối với dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn cấp huyện: Căn cứ Nghị quyết của HĐND cấp huyện quyết nghị, UBND cấp huyện quyết định, phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với Chi cục thuế cấp huyện (khu vực) thông báo dự toán thu ngân sách nhà nước cho các đơn vị, xã, phường, thị trấn (cấp xã) trên địa bàn đảm bảo thu đúng, thu đủ, bao quát hết nguồn thu, không được thấp hơn về tổng thu và cơ cấu nguồn thu theo từng chỉ tiêu của tỉnh giao.

Về quản lý, điều hành thu ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định Luật Ngân sách nhà nước, Luật thuế và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, lưu ý triển khai một số nội dung sau: Tiền sử dụng đất được nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) và được điều tiết, phân chia cho các cấp ngân sách theo quy định hiện hành. Sở Tài chính chủ trì phối hợp Kho bạc Nhà nước, Cục thuế Nghệ An hướng dẫn thực hiện công tác quản lý thu và thu nộp tiền sử dụng đất.

Cơ quan tài chính điều hành ngân sách theo tiến độ nguồn thu, trường hợp số thu ngân sách nhà nước không đạt dự toán được HĐND quyết nghị, UBND rà soát, báo cáo HĐND cùng cấp xem xét quyết định cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, dành nguồn dự phòng ngân sách địa phương và sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp khác để bù đắp giảm thu. Sau khi đã thực hiện điều chỉnh giảm một số khoản chi tương ứng và sử dụng các nguồn lực tài chính hợp pháp khác của địa phương mà chưa bảo đảm được cân đối ngân sách địa phương, kịp thời báo cáo ngân sách cấp trên xem xét, hỗ trợ.

Thực hiện phân cấp nguồn thu NSNN, nhiệm vụ chi ngân sách địa phương và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/ 2021 và Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 27/10/2023 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ban hành quy định phân cấp nguồn thu NSNN, nhiệm vụ chi ngân sách địa phương và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Giữ nguyên tỷ lệ điều tiết ngân sách các cấp chính quyền địa phương đối với các phường của thị xã Cửa Lò, các xã của huyện Nghi Lộc theo quy định sau khi sáp nhập vào thành phố Vinh mở rộng. 

Cơ chế quản lý, điều hành chi ngân sách nhà nước

Theo dự thảo quy định, các Sở, ban, ngành, đơn vị dự toán cấp tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã thực hiện chi ngân sách trong phạm vi dự toán ngân sách được giao. Cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát và thanh toán đầy đủ, kịp thời theo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chi đã bố trí trong dự toán được giao.

Trong đó lưu ý: Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm; không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác, trừ các trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước.

Đối với kinh phí hỗ trợ cân đối chi ngân sách địa phương, HĐND các cấp được chủ động bố trí cơ cấu chi ngân sách địa phương năm 2024 theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển theo quy định.

Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách thực hiện theo Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về ban hành Quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, ổn định đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Giữ nguyên định mức phân bổ chi ngân sách của các đơn vị hành chính trước khi thực hiện sắp xếp theo quy định tại Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND. Dự toán chi ngân sách đối với đơn vị hành chính hình thành sau khi sắp xếp được tính trên cơ sở cộng gộp dự toán chi ngân sách của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp theo định mức phân bổ quy định tại Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND.

Dự toán ngân sách năm 2025 khối huyện được tính thêm kinh phí nâng lương định k và các phụ cấp theo quy định; điều chỉnh kinh phí do tăng, giảm biên chế (nếu có) cho các huyện, thành phố, thị xã; tăng số bổ sung cân đối cho các địa phương không quá 3% để các địa phương có thêm nguồn lực đáp ứng các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn theo quy định.

Về chi đầu tư phát triển phân bổ vốn đầu tư NSNN đảm bảo tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ thứ tự ưu tiên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công và các văn bản pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng.

Ngân sách các cấp sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất được hưởng để chi cho các nhiệm vụ sau: Bồi thường, hỗ trợ GPMB, tái định cư, đầu tư kết cấu hạ tầng, quỹ địa chính (đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng giá đất); quy hoạch; ủy thác ngân hàng chính sách; xây dựng nông thôn mới; đối ứng các dự án; đối ứng các Chương trình mục tiêu Quốc gia; bổ sung nguồn vốn đầu tư công; trả nợ gốc và lãi, các khoản phí vay, trả tiền mua xi măng làm đường giao thông nông thôn và các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển khác theo quy định hiện hành. 

Đối với kinh phí quy hoạch; bồi thường, hỗ trợ GPMB, tái định cư, tăng thu, tiết kiệm chi để chi đầu tư phát triển: Sở Tài chính chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu phân bổ theo quy định. Thực hiện việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành theo đúng quy định.

Dự thảo cũng đề xuất các nội dung của việc chi thường xuyên ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã, các chương trình mục tiêu quốc gia; việc điều hành ngân sách dự phòng, điều hành nguồn bổ sung có mục tiêu…

Mời độc giả xem và góp ý dự thảo Quyết định tại đây.

PT (Tổng hợp)