Mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (14/11), Ngày toàn dân mua và sử dụng muối I ốt (2/11)
Chiều 1/11, Sở Y tế tổ chức Lễ mít tinh
hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (14/11), Ngày toàn dân
mua và sử dụng muối I-ốt (2/11). Tham dự buổi lễ có các đồng chí Tỉnh ủy viên: Bùi
Đình Long –Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Thị Hồng Hoa – Trưởng Ban Tuyên giáo
Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Quang cảnh lễ mít tinh
Ngày 14/11 hàng năm
được Liên hiệp quốc và Tổ chức Y tế thế giới chọn làm Ngày Đái tháo đường thế
giới để kỷ niệm ngày sinh F. Banting, người cùng với Charles Best, phát minh ra
insulin năm 1922 – loại thuốc đái tháo đường cứu mạng hàng trăm triệu người.
Hàng năm cùng vào thời điểm này trên thế giới có rất nhiều
hình thức hoạt động hưởng ứng phòng chống bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) được tổ chức
tại hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ với sự tham dự của trên 200 Hội ĐTĐ các nước.
Hiệp hội phòng chống ĐTĐ thế giới ước tính, hiện nay có khoảng 537 triệu người trưởng thành độ tuổi 20-79 mắc bệnh ĐTĐ tương ứng 10,5% dân số, trong đó có hơn 6,7 triệu người tử
vong do các nguyên nhân liên quan đến bệnh ĐTĐ, có 240 triệu người mắc bệnh ĐTĐ không được chẩn
đoán trên thế giới và gần 90% người mắc bệnh
không được chẩn đoán nói trên là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Các đại biểu dự buổi lễ
Theo các nhà khoa học nếu phát hiện sớm, kiểm soát đường huyết và huyết áp tốt có thể giảm được từ trên 30% - 80% các biến chứng của bệnh ĐTĐ. Nếu không được điều trị
kịp thời bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm gây tàn phế, tử vong.
Bên cạnh đó còn rất nhiều gánh nặng với bản thân, gia đình người bệnh ĐTĐ do chi phí điều trị bệnh và biến chứng trong thời gian dài rất tốn kém,
chất lượng cuộc sống bị ảnh và nhiều vấn đề
khác liên quan.
Tại Việt Nam, trong những điều tra trên phạm vi quốc
gia trong thời gian qua cho thấy tỷ lệ bệnh ĐTĐ
cũng có sự gia tăng theo xu hướng chung của thế giới. Điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết
Trung ương năm 2002,
tỉ lệ bệnh ĐTĐ trên toàn quốc là 2,7%. Sau 10 năm, điều tra quốc gia năm 2012, tỉ lệ này đã tăng gấp
đôi lên 5,4%. Kết quả khảo sát trên toàn
quốc gần đây nhất vào
năm 2020 cho
thấy, tỉ lệ mắc bệnh ĐTĐ tại Việt Nam
là 7,3%;
tỷ lệ tiền ĐTĐ là 17,8%. Trong đó, tỉ lệ người mắc ĐTĐ chưa được chẩn đoán tại Việt Nam hiện tại là hơn 60% và
có hơn một nửa người trưởng thành chưa bao giờ được làm xét nghiệm
đường huyết để phát hiện bệnh đái tháo đường.
Phó Giám đốc Sở Y tế
Nghệ An Nguyễn Hữu Lê phát biểu tại lễ mít tinh
Tại Nghệ An, theo kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết
Nghệ An, năm 2010 tỷ lệ người mắc đái tháo đường toàn tỉnh là 5,36%, đến năm
2020 đã tăng lên 7,2%.
Các hoạt động được tổ chức
hàng
năm để hưởng ứng Ngày
thế giới Phòng chống bệnh ĐTĐ bao gồm: Chương trình truyền thông trên các phương tiện
thông tin đại chúng, sự kiện thể thao; chương trình sàng lọc miễn phí, các buổi
họp, chiến dịch tờ rơi và áp phích; hội thảo và triển lãm về đái tháo đường,
họp báo, bài báo và tạp chí, sự kiện cho trẻ em và vị thành niên; hoạt động đi
bộ, chạy bộ, sự kiện chính trị... Ngày phòng, chống bệnh ĐTĐ thế giới (14/11) đang
chứng minh hiệu quả trên toàn thế giới trong
việc lan truyền thông điệp về bệnh ĐTĐ và trong việc nâng cao
nhận thức về bệnh.
Tại lễ mít tinh, ngành Y tế cũng đã hưởng ứng Ngày
toàn dân mua và sử dụng muối I ốt (2/11). I ốt là một vi
chất dinh dưỡng hết sức cần thiết cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của con
người. Đây là thành phần thiết yếu để tổng hợp nên hormon tuyến giáp trạng có
tác dụng vô cùng quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển của bào
thai, trẻ nhỏ và còn có tác dụng sinh học hết sức cần thiết trong toàn bộ thời
gian sống của con người. Cơ thể con người không tự tổng hợp được I ốt mà phải
thu nhận I ốt từ bên ngoài vào qua thức ăn và nước uống. Môi trường sống ngày
càng nghèo I ốt dẫn đến các thực phẩm hàng ngày cung cấp không đủ và xảy ra
tình trạng cơ thể bị thiếu I ốt. Thiếu i-ốt dẫn đến nhiều rối loạn, bệnh lý,
khiếm khuyết trong sự phát triển thể chất, trí tuệ, khả năng học tập, làm việc,
đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ độ tuổi sinh đẻ và trẻ nhỏ.
Kết quả là năm 2005 nước ta đã
thanh toán thành công tình trạng các rối loạn do thiếu I ốt với tỷ lệ bao phủ
muối I ốt trong dân cư đạt trên 90%, tỷ lệ bướu cổ trẻ em giảm còn < 3,6% và
mức I ốt niệu trung vị đạt > 10 mcg/dl. Tuy nhiên theo kết quả điều tra của
Bệnh viện Nội tiết Trung ương và các cơ quan, tổ chức khác như Tổng cục thống
kê, UNICEF, Tổ chức Y tế thế giới tình trạng thiếu I ốt đã có dấu hiệu quay trở
lại Việt Nam.
Tại buổi lễ, đồng
chí Nguyễn Hữu Lê – Phó Giám đốc Sở Y tế đề nghị các đơn vị y tế tăng cường phối hợp giữa
các đơn vị tuyến tỉnh như Bệnh biện Nội tiết, Trung tâm CDC với Phòng Y tế và Trung
tâm Y tế các huyện, thành, thị nhằm nắm bắt đầy đủ các chủ trương, các quy định
của ngành Y tế liên quan để tham mưu cho UBND các cấp chỉ đạo các ban, ngành,
đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong toàn tỉnh đẩy mạnh công tác xã hội hóa
phòng chống bệnh ĐTĐ trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu năm
2024 và những năm tiếp theo.
Bên
cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng mọi hình thức với điều kiện, khả
năng cho phép để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về hậu quả của bệnh ĐTĐ và
cách phòng chống, cũng như tầm quan trọng của I ốt và nguy cơ do thiếu hụt I ốt
đối với sức khoẻ của con người. Tất cả các đơn vị y tế phải tăng cường tập
huấn, đào tạo, khuyến khích đội ngũ cán bộ nhân viên trong đơn vị tích cực học tập nâng
cao kiến thức, trình độ nghiệp vụ chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của hoạt
động phòng chống đái tháo đường, phòng chống các rối loạn do thiếu I ốt trong
thời gian tới, đặc biệt trong công tác tuyên truyền giáo dục cộng đồng và công
tác khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh ĐTĐ, Tiền Đái tháo đường, bướu cổ...
PT