Muốn
chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người
dân kịp thời, chính xác, đầy đủ thì công tác truyền thông chính sách phải được
đề cao, đẩy mạnh. Thực hiện tốt công tác này sẽ tạo được sự ủng hộ, hợp tác, chủ
động tham gia của người dân vào quá trình thực thi chính sách.
Truyền thông chính sách
đóng vai trò hết sức quan trọng đến quá trình phát triển kinh tế -xã hội
Truyền thông chính sách là cách thức của các cơ
quan nhà nước có thẩm quyền trong việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng;
pháp luật của Nhà nước đến với người dân nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao của
dư luận trước khi ban hành hoặc tổ chức thực thi chính sách. Thời gian qua, công
tác truyền thông các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của
Nhà nước đã được coi trọng với phương châm truyền thông luôn phải đi trước một
bước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời
phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những thông tin xấu độc, cố tình xuyên tạc sai
lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước, của địa phương.
Tiềm năng và lợi
thế
Với số lượng các cơ quan báo chí Trung ương đăng
ký hoạt động trên địa bàn tỉnh đứng thứ tư cả nước với hơn 80 cơ quan (hơn 100
nhà báo được cấp thẻ), chưa kể đến 3 cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh với gần
200 nhà báo hoạt động, bên cạnh đó còn có các cơ quan truyền thông khác: bao gồm Cổng thông
tin điện tử của các cơ quan Đảng, nhà nước; các trang thông tin điện tử tổng hợp,
hệ thống thông tin cơ sở của 460 xã, phường, thị trấn; các phương thức truyền
thông mới qua mạng xã hội như facebook, zalo, tin nhắn qua hệ thống viễn
thông…đã góp phần rất lớn vào việc truyền tải kịp thời những
thông điệp, những nội dung quan trọng về chính sách của Nhà nước, của tỉnh đến
với người dân.
Ngoài
ra, hiện trên địa bàn tỉnh có 16 đơn vị có Trang thông tin điện tử đang hoạt
động độc lập, tự quản trị kỹ thuật gồm: Công an Nghệ An, Thị xã Cửa Lò, Tỉnh
đoàn, Đài PTTH, Báo Nghệ An, Cục Thuế Nghệ An, Bảo hiểm xã hội, Ban Quản lý Khu
Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ, Sở
Giáo dục và Đào tạo, Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Hội Nông
dân tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch, Tòa án nhân dân tỉnh
Nghệ An, Liên đoàn Lao động tỉnh. Các đơn vị có trang thông tin điện tử hoạt
động độc lập cập nhật thông tin thường xuyên, kịp thời, đảm bảo chất lượng, đã góp
phần rất lớn vào việc truyền tải kịp thời những thông điệp, nội dung
quan trọng về chính sách của Nhà nước, của tỉnh đến với người dân.
Công tác tham mưu được triển khai đồng bộ
Xác định vai trò quan trọng của công tác truyền
thông chính sách, thời gian qua, đặc biệt là sau khi có Chỉ thị số 07/CT-TTg
ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông
chính sách. Sở Thông tin và Truyền thông đã tập trung tham mưu triển khai một số
giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông chính sách trên địa
bàn tỉnh như: Ban hành các văn bản, tạo hành lang pháp lý như Kế hoạch triển
khai thực hiện Chỉ thị số 07 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch truyền thông
chính sách hàng năm…để thực hiện công tác truyền thông chính sách trên địa bàn
tỉnh. Các Kế hoạch được xây dựng phù hợp với tình hình thực tế của Nghệ An, từ
đó tạo được bước đột phát ban đầu trong nhận thức và triển khai công tác truyền
thông chính sách trên địa bàn tỉnh.
Các sở, ban, ngành, địa phương đã cử cán bộ kiêm
nhiệm làm công tác truyền thông chính sách. Đây là đầu mối quan trọng, mặc dù
chỉ làm công tác kiêm nhiệm nhưng đã chỉ rõ họ tên, vị trí công tác của từng
cán bộ để làm đầu mối thực hiện tiếp nhận các thông tin về truyền thông chính
sách trong từng thời kỳ, từng nhiệm vụ cụ thể và được tập huấn bồi dưỡng kỹ
năng, nghiệp vụ truyền thông chính sách; kỹ năng sử dụng phương tiện truyền
thông hiện đại (tính đến thời điểm hiện tại, Sở đã tổ chức được 06 lớp đào tạo
cho cán bộ từ các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã với số lượng hơn 1.000 người).
Đặc biệt, Sở đã hướng dẫn các đơn vị, địa phương
quan tâm, sử dụng, ứng dụng nền tảng số để thực hiện có hiệu quả công tác truyền
thông chính sách, điều này là phù hợp với xu thế mới trong công tác Chuyển đổi
số như xây dựng các video ngắn, hình ảnh động, đồ họa để truyền tải nội dung
chính sách đến người dân một cách nhanh, ngắn gọn, dễ hiểu thông qua hệ thống Cổng/trang
thông tin điện tử, Fanpage, nhóm zalo, tiktok … của các cơ quan hành chính Nhà
nước, các tổ chức chính trị – xã hội và các cơ quan báo chí, truyền thông.
Vì vậy, các sở, ban, ngành, địa phương bước đầu
đã xây dựng được kế hoạch truyền thông chính sách hàng năm, đồng thời đã tận dụng
lợi thế của các phương tiện hiện đại như Cổng/trang thông tin điện tử, các ứng
dụng trên mạng xã hội để phục vụ công tác truyền thông chính sách. Công tác
phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, phối hợp với báo chí để triển khai
các hoạt động truyền thông chính sách cũng bắt đầu được chú trọng.
Thách thức và giải
pháp
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu về truyền
thông chính sách, thời gian qua, cũng đã nảy sinh những vấn đề bất cập như
cách thức tổ chức lực lượng và đầu tư nguồn lực cho công tác truyền thông chính
sách. Việc đổi mới công tác truyền thông chính sách bước đầu đã có hiệu quả
nhưng chủ yếu vẫn tập trung ở các cơ quan tham mưu. Năng lực giải thích, diễn
giải cụ thể chính sách, quy định của một số cơ quan nhà nước và cán bộ thực thi
công vụ để người dân hiểu và chấp hành còn hạn chế. Nhiều đơn vị, địa phương vẫn
còn có tâm lý e ngại khi tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí dẫn đến việc
báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin chính thống để thực hiện công
tác truyền thông chính sách.
Hiện nay, với sự bùng nổ của internet và mạng xã
hội, không gian truyền thông trở lên rộng lớn, đa dạng và có phần phức tạp, thậm
chí có lúc, có nơi, trong một số trường hợp, tình huống cụ thể thì các nguồn
thông tin không chính thống có xu hướng lấn át các kênh thông tin chính thống từ
cơ quan nhà nước. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc định hướng dư luận, làm ảnh
hưởng đến niềm tin của người dân đối với cơ quan nhà nước và cán bộ công chức
khi thực thi nhiệm vụ.
Để
các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đi vào cuộc
sống và phát huy giá trị, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần triển
khai đồng bộ tất cả các khâu trong công tác truyền thông chính sách, như:
Cấp uỷ, người đứng đầu phải nâng cao nhận thức về
ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, vị trí của công tác truyền thông chính sách,
từ đó đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về truyền thông chính sách, không nên
chỉ coi truyền thông chính sách là công việc của các cơ quan báo chí, truyền
thông. Việc đổi mới truyền thông chính sách tạo điều kiện cho sự tham gia của
người dân, các tổ chức và doanh nghiệp. Các hội thảo, hội nghị và các buổi tham
vấn cộng đồng cần được tổ chức nhiều hơn nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp của
nhân dân.
Công tác truyền thông chính sách phải thực hiện cả
trước, trong và sau khi ban hành chính sách. Cần tạo cơ chế, điều kiện để người
dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý phản biện chính sách. Cùng với đó là gắn công
tác truyền thông chính sách với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu
tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch. Đồng thời phải chủ động phối hợp
để kịp thời cung cấp các thông tin cần thiết cho báo chí, đặc biệt khi gặp phải
sự phản đối của người dân đối với chính sách cần phải kiên trì, thường xuyên,
liên tục thực hiện công tác truyền thông để người dân hiểu và đồng thuận.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng,
nghiệp vụ truyền thông chính sách cho cán bộ kiêm nhiệm làm công tác truyền
thông chính sách. Hợp tác với những người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội
(KOL) để thực hiện công tác truyền thông chính sách. Tận dụng tối đa tiện ích của
Cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội để thực hiện công tác truyền thông
chính sách. Đồng thời, khuyến khích sáng tạo, đổi mới nội dung và hình thức
truyền thông chính sách, làm sao truyền tải thông tin đơn giản, dễ hiểu, dễ
nghe, dễ thực hiện; dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá; dễ đi vào lòng dân, từ đó,
người dân tự giác thực hiện.
Thời gian tới nếu các sở ngành, địa phương thực
hiện đồng bộ các khâu nêu trên thì công tác truyền thông chính sách sẽ thực sự
là cầu nối tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực thi chính sách,
từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định an ninh, quốc phòng trên địa
bàn tỉnh.
Nguyễn Bá Hảo
Phó Giám đốc Sở
Thông tin và Truyền thông