image
TIN INFOGRAPHICS NÔNG THÔN MỚI

Nông dân miền biển Nghệ An thu hoạch cà rốt vụ sớm năng suất cao

Trong khi nhiều địa phương trồng cà rốt trên cả nước bị mất mùa do ảnh hưởng bởi mưa lũ thì nông dân vùng biển Đông Hồi, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai đang bước vào vụ thu hoạch cà rốt sớm với năng suất và giá bán cao, đem lại nguồn thu nhập lớn.

Vùng đất Đông Hồi, xã Quỳnh Lập ngày trước vốn là đất cát ven biển nhiễm mặn nên nhiều loại rau cũng khó phát triển. Cả xã gần như không hộ dân nào làm nông nghiệp, có chăng chỉ là vài mảnh vườn nhỏ trồng rau quanh nhà. Do đó, nhiều vùng đất bị bỏ hoang một thời gian dài, cây cỏ dại mọc um tùm.

Anh Mai Thanh Chương ở thôn Tân Minh, xã Quỳnh Lập - một trong những hộ dân tiên phong trong việc đưa cây rau màu về trồng trên đất cát nhiễm mặn cho biết: “Nhìn vùng đất rộng mênh mông không một cây trồng có giá trị, tiếc đất nên tôi trăn trở làm gì cho phù hợp với “vùng đất chết” bấy lâu. Vì vậy tôi và vài hộ dân đã quyết định phủ xanh bằng cây rau màu, chủ yếu là dưa lê, dưa hấu vào mùa hè và cà rốt vụ đông xuân”.

Các hộ dân đã xuống giống loại cà rốt Nhật, đây là loại cây có nhiều ưu điểm: Bộ lá giống tỏa đều hơn, tầng lá không dày, chiều dài củ ngắn hơn nhưng đường kính củ khá to, hương vị thơm ngọt, màu sắc đỏ tươi...

Cây cà rốt được bà con gieo trồng 3 vụ trong năm và có thể phân ra thành 3 trà như sau: Gieo hạt sớm từ: đầu tháng 7-15/10, cho thu hoạch từ tháng 11; Gieo hạt chính vụ gieo hạt từ: 16/10-15/12, thu hoạch xung quanh tết âm lịch; Gieo hạt muộn từ ngày 16/12 đến 30/01 năm sau, thu hoạch đến tháng 5.

Với lứa cà rốt vụ sớm này, nông dân xã Quỳnh Lập xuống giống từ cuối tháng 7 Dương lịch, sau khoảng 3,5 tháng thì bắt đầu cho thu hoạch. Với 7 ha cà rốt được các hộ dân bố trí trồng rải vụ để có thể cho thu hoạch liên tục trong vòng 3 tháng và cao điểm là những tháng cuối năm.

Anh-tin-bai

Nông dân thôn Đồng Minh, xã Quỳnh Lập thu hoạch cà rốt vụ sớm. Ảnh: Thanh Thủy

Chia sẻ về kỹ thuật trồng và chăm sóc cà rốt trên đất cát nhiễm mặn, anh Nguyễn Văn Ninh ở thôn Đồng Minh, xã Quỳnh Lập chia sẻ: Khâu chuẩn bị đất là quan trọng nhất và cần phải làm kỹ, sử dụng hoàn toàn bằng phân hữu cơ, phân chuồng đã ủ hoai mục. Đất cát ở đây rất tơi xốp, thoát nước tốt nên trong đợt mưa lũ vừa qua toàn bộ diện tích cà rốt sớm không bị ảnh hưởng. Về phòng trừ sâu bệnh gây hại: khi trồng cà rốt thường xuất hiện một số loại sâu bệnh sau: Sâu xám, sâu khoang, rệp muội, bệnh đốm vòng, bệnh thối nhũn, bệnh cháy lá...

Để cà rốt phát triển tốt, anh Ninh phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm các loại sâu bệnh và thực hiện các biện pháp phòng trừ, nếu đến mức cần thiết mới phải phun thuốc bảo vệ thực vật nhằm hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học, và đảm bảo thời gian cách ly đến khi thu hoạch.

Thông thường giá cà rốt đầu vụ cao hơn chính vụ nên toàn bộ diện tích hơn 7 ha ở đây đã được các hộ dân trồng vụ sớm. Với hệ thống tưới nước tự động và máy móc làm đất đã giảm rất nhiều chi phí công lao động. Nhờ áp dụng KHKT vào sản xuất nên năng suất vụ sớm đạt 1,5-2 tấn/sào.

Năm nay các địa phương trồng cà rốt ở phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt mất mùa nên nguồn hàng cà rốt khá khan hiếm. Vì vậy, toàn bộ diện tích cà rốt đang thu hoạch của nông dân Quỳnh Lập đang được thương lái đến tận nơi thu mua và đặt hàng trước. Với giá bán hiện nay 13.000 đồng/kg, hơn 7 ha cà rốt dự kiến cho thu hoạch sản lượng hơn 200 tấn chắc chắn sẽ đem lại nguồn thu lớn cho người nông dân.

Vụ đông năm nay Thị xã Hoàng Mai dự kiến gieo trồng hơn 1.100 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 110 ha cà rốt, tập trung chủ yếu ở xã Quỳnh Liên, Quỳnh Lập. Tuy nhiên mới chỉ có cà rốt sớm ở Quỳnh Lập cho thu hoạch do địa hình đất cao thoát nước không bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ vừa qua. Còn lại các diện tích tại Quỳnh Liên phải sau 1 tháng nữa mới có thể thu hoạch.

Thanh Thủy

Nguồn: Báo Nghệ An (19/11/2024)