Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn; các chi cục, đại diện phòng Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, phòng Kinh tế hạ tầng các huyện, thị xã và thành phố
Vinh; các siêu thị trên địa bàn cùng các công ty, hợp tác xã, hộ gia
đình sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị là dịp để các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh
giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, nhà phân phối thực phẩm; các siêu
thị trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, chủ thể còn được
truyền đạt các thông tin về thị trường, nghiệp vụ bán hàng trên sàn
thương mại điện tử, được cung cấp các thông tin quan trọng, nhu cầu sản
phẩm từ các hệ thống kinh doanh, đơn vị tiêu thụ.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nghệ An là tỉnh có thế mạnh về
sản xuất nông nghiệp, đa dạng các sản vật vùng, miền. Bên cạnh thúc đẩy
sản xuất, chế biến, sản phẩm nông, lâm, thủy sản, tỉnh Nghệ An còn quan
tâm nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, hình ảnh bao bì, nhãn
mác, truy xuất nguồn gốc.
Đến tháng 10/2024, toàn tỉnh đã có 595
sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên (bao gồm: 563 sản phẩm đạt 3 sao, 31 sản
phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm đạt 5 sao).
Công tác xúc tiến thương
mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản được
đẩy mạnh thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức.
Năm 2024, các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 3 cuộc đi xúc tiến
thương mại; hỗ trợ cho các đơn vị tham gia trên 30 hội chợ với hơn 130
gian hàng và trên 200 lượt sản phẩm được trưng bày, giới thiệu, quảng bá
tại các hội chợ trên cả nước; tổ chức 2 hội nghị kết nối tiêu thụ sản
phẩm nông sản, tổ chức 2 lớp tập huấn nghiệp vụ xúc tiến thương mại, bán
hàng, xây dựng thương hiệu sản phẩm cho 240 người tham gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản
phẩm nông, lâm, thủy sản vẫn còn những hạn chế: Sản xuất manh mún còn
chiếm tỷ lệ lớn, liên kết sản xuất còn hạn chế, chưa bền chặt, xây dựng
vùng nguyên liệu sản phẩm chủ lực chưa đạt; sản phẩm xuất khẩu còn ít,
tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu trực tiếp còn thấp; thị trường tiêu thụ sản
phẩm có khi còn thiếu ổn định...
Tại hội nghị, bên cạnh việc kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm,
các cơ sở sản xuất, chủ hàng OCOP đã được chuyên gia hướng dẫn cách đưa
nông sản lên sàn thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử phổ
biến, hiệu quả hiện nay để tăng phương thức bán hàng trong thời đại công
nghệ 4.0.
Các đơn vị ký kết biên bản tiêu thụ sản phẩm tại hội nghị. Ảnh: Quang An
Bên cạnh đó, đại diện các siêu thị cũng đã có những ý
kiến góp ý để các sản phẩm OCOP Nghệ An ngày càng xuất hiện trên các kệ
hàng của siêu thị. Trong đó, yêu cầu bắt buộc là mặt hàng phải đầy đủ
các giấy chứng nhận sản phẩm, hồ sơ pháp lý. Các chủ thể OCOP phải tăng
cường đổi mới mẫu mã, bao bì phù hợp với thị trường, thị hiếu người tiêu
dùng để tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm của địa phương khác. Ngoài
ra, các chủ thể OCOP phải đảm bảo thời gian giao hàng, sản lượng đủ cho
siêu thị, tránh tình trạng siêu thị cần hàng nhưng hàng hóa bị thiếu
hay không đủ điều kiện giao nhận…
Trong khuôn khổ hội nghị đã có 9 biên bản ký kết tiêu thụ sản phẩm giữa
các siêu thị, nhà phân phối với các cơ sở sản xuất, chủ thể OCOP trên
địa bàn tỉnh.
Quang An
Nguồn: Báo Nghệ An (17/11/2024)