Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, chủ động triển khai các phương án ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
Chiều 18/9, Bộ
NN&PTNT tổ chức cuộc họp trực tuyến ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh
lên thành bão. Đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì
cuộc họp.
Tại điểm cầu Nghệ
An, các đồng chí Tỉnh uỷ viên: Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phùng
Thành Vinh – Giám đốc Sở NN&PTNT đồng chủ trì cuộc họp. Tham dự có lãnh đạo
các Sở, ngành và các đơn vị liên quan.
Quang cảnh cuộc
họp tại điểm cầu Nghệ An
Theo thông tin dự báo từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn
quốc gia, hồi 10 giờ ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng
16,9 độ Vĩ Bắc; 113,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng
180 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 7, giật cấp 9, di chuyển
theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15 km/h.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, từ ngày 17/9 đến sáng ngày 18/9 đã
có mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa từ ngày 17/9 đến 7h ngày 18/9 đo
được tại các trạm Khí tượng, Thủy văn phổ biến từ 50mm đến 100mm, có nơi cao
hơn như KT Quỳnh Lưu: 113mm; TV Chợ Tràng (Hưng Nguyên): 101 mm; KT Vinh: 182
mm; TV Cửa Hội: 128 mm.
Các đại biểu
tham dự tại điểm cầu Nghệ An
Thực
hiện nghiêm túc nội dung các Công điện của Thủ
tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, Ban
Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh, UBND tỉnh
Nghệ An đã ban hành các Công điện gửi các địa phương, đơn vị để chủ động ứng phó ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh đã ban hành Văn bản gửi
các địa phương, đơn vị về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ
quét, sạt lở đất, ngập cục bộ.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội
Biên phòng tỉnh, toàn tỉnh hiện có 2.833 phương tiện/13.638 lao động trực tiếp
đánh bắt hải sản. Tính đến 10 giờ ngày 18/9/2024, 2.470 tàu thuyền đang neo đậu
tại bến với 11.753 lao động; 363 phương tiện đang hoạt động trên biển với 1.885
lao động. Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông
báo về vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ. Hiện tỉnh đang chỉ đạo tăng cường kiểm
tra việc neo đậu tàu thuyền để bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền khi
bão đổ bộ.
Về sản
xuất nông nghiệp, vụ Hè Thu – Mùa, toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 59.360 ha/ 76.481,4 ha (đạt 77,6 %). Các diện tích lúa đã đến kỳ thu hoạch đang được
các địa phương tập trung thu hoạch với phương “xanh nhà hơn già đồng”. Đối với Vụ Đông, toàn tỉnh đã gieo trồng
được hơn 6.500 ha/KH 33.200 ha.
Hiện tại, tổng
diện tích nuôi trồng thủy sản của Nghệ An là 20.478 ha; có 4.013 lồng, bè,
dàn. UBND tỉnh đã chỉ đạo tuyệt đối không để người dân ở trên lồng bè khi có
bão, mưa lũ.
Trong
thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn cục bộ tại một số huyện
miền núi, nên khi mưa lớn tiếp tục xảy ra thì nguy cơ sạt lở vùng miền núi,
trung du, vùng hạ du hồ đập là rất lớn; hiện nay các địa phương đã xây dựng các
kịch bản để ứng phó. Trong phương án Ứng phó thiên tai năm 2024 trên địa bàn tỉnh,
UBND tỉnh đã xây dựng 5 kịch bản sơ tán dân vùng ven biển phòng tránh nước dâng
do bão. Tùy vào cấp bão, các địa phương sẽ tổ chức sơ tán dân theo kịch bản.
Phát
biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn
mạnh, diễn biến của ATNĐ lần này
còn rất phức tạp, có khả năng mạnh lên thành bão, đặc biệt là nguy cơ mưa lớn,
ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra. Vì vậy, yêu cầu các địa
phương nằm trong vùng ảnh hưởng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thường
xuyên cập nhật thông tin để chủ động chỉ đạo triển khai các phương án ứng phó
phù hợp. “Gió sẽ không quá lớn nhưng đáng lo ngại là sẽ có một đợt mưa lớn gây
ngập lụt trên diện rộng. Thiệt hại thường tập trung vào thời điểm sau bão, từ
bài học cơn bão số 3 nên tuyệt đối không được chủ quan.” - Thứ trưởng
Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
Các địa phương cần cương quyết
đưa tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm vào nơi neo đậu an toàn,
không được chủ quan khi bão được dự báo có sức gió không to. Cần lưu ý tình trạng
sạt lở đê kè ven biển ở những khu vực đang thi công và đề phòng tình trạng ngập
lụt ở những vùng thấp, trũng ven biển để có phương án sơ tán, di dời dân kịp thời.
Trên đất liền, cần đề phòng các ổ
mây dông đối lưu trước khi bão di chuyển đến. Đây là yếu tố có thể gây mưa dông
mạnh khiến cây xanh gãy, đổ hoặc mái tôn, biển quảng cáo có khả năng bị gió thổi
bay trong không khí. Mưa lớn cũng có thể gây ra tình trạng ngập, úng ở các khu
đô thị. Đồng thời, phải đảm bảo 4 tại chỗ, sẵn sàng phương án bảo đảm thông tin
liên lạc, khẩn trương thu hoạch lúa, ao nuôi trồng thuỷ sản. Rà soát lại mực nước
trên các hồ chứa để có phương án vận hành phù hợp.
*/ Ngay sau cuộc họp trực tuyến, UBND tỉnh cũng
đã tổ chức họp bàn phương án ứng phó
áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Đại diện Đài khí tượng thuỷ văn Bắc Trung bộ báo
cáo hướng di chuyển của ATNĐ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ phát biểu
Qua nghe báo cáo, đồng chí Nguyễn
Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ các bản
tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời để người dân chủ động phòng tránh, giảm
thiểu thiệt hại. Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập,
khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ
động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng
chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.
Đặc biệt, phải nghiêm cấm người
dân đánh bắt cá, vớt củi… trên sông, suối khi có mưa lũ hoặc di chuyển vào vùng
ngập lũ, hạ du các hồ đập; có phương án đảm bảo an toàn cho các đối tượng dễ bị
tổn thương tại các khu vực bị ngập lụt. Sẵn
sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; phòng chống ngập úng
khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão, lũ
gây ra. Tăng cường công tác kiểm
tra đê điều; đối với các huyện miền núi sẽ có chỉ đạo riêng…
Kim Oanh