Sáng
8/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và các cơ
quan, tổ chức liên quan long trọng tổ chức Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày quốc tế
về Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ).
Tham
dự lễ mít tinh có các đồng chí: Giáo
sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình con người
và sinh quyển Việt Nam; Nguyễn Văn Tài – Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương;
đại diện các tổ chức quốc tế, các Sở, ban, ngành của các tỉnh, thành; các Ban
quản lý của các KDTSQ trên cả nước.
Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh
uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện,
Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện, Vườn Quốc gia Pù Mát, Ban quản lý Bảo tồn
thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt.
Quang cảnh buổi lễ
KDTSQ thế giới là danh hiệu do Tổ chức
Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) trao tặng cho các khu vực
có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học. Khu dự trữ sinh quyển
được coi là "nơi học tập để phát triển bền vững", nơi thử nghiệm các
phương pháp tiếp cận liên ngành để tìm hiểu và quản lý những thay đổi cũng như
các tương tác giữa các hệ thống sinh thái và xã hội, bao gồm việc ngăn ngừa
xung đột trong công tác quản lý đa dạng sinh học.
Đây là một mô hình về sự chung sống hài
hòa giữa con người và thiên nhiên, trong đó việc bảo tồn thiên nhiên đi đôi với
phát triển đời sống kinh tế - xã hội bền vững cho cộng đồng địa phương. Kể từ
khi được thành lập vào năm 1976 đến nay, mạng lưới KDTSQ thế giới phát triển
rộng khắp trên các châu lục của thế giới, đóng góp quan trọng vào việc thực
hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Ngày 3/11 hàng năm đã
được MAB-ICC/UNESCO thông qua là Ngày Quốc tế Khu Dự trữ sinh quyển.
Các đại biểu tham dự buổi lễ
Việt Nam đã có những nỗ lực và đóng góp
trong việc phát triển mạng lưới các KDTSQ thế giới và rất đáng tự hào khi Việt Nam đã có 11 KDTSQ được công nhận KDTSQ thế giới với những khu vực có giá trị
đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học, chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên của cả nước, trở thành quốc gia
có số lượng KDTSQ lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, đặc biệt phải
kể đến Tây Nghệ An là KDTSQ thế giới trên cạn
lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nơi chứa đựng các giá trị to lớn về khoa học, môi
trường; đồng thời còn mang đậm bản sắc văn hóa, nhân văn và lịch sử cần được
bảo tồn và phát triển.
Trong thời
gian qua, chính sách và hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ quản lý các KDTSQ đã từng bước được thiết lập và hoàn thiện. Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 14 KDTSQ,
đồng thời đặt ra nhiệm vụ tăng cường hiệu quả quản lý các KDTSQ. Luật Bảo vệ môi
trường năm 2020 cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, bảo vệ các KDTSQ
thế giới. Tại
các KDTSQ, đã có nhiều sáng kiến trong bảo
tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường được thực
hiện và lan tỏa trong mạng lưới các KDTSQ, góp phần tích cực
thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học Nguyễn Văn Tài
phát biểu
Để thực hiện
mục tiêu mỗi KDTSQ là một mô
hình phát triển bền vững của địa phương, đồng chí Nguyễn Văn Tài – Cục
trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đề nghị trong thời gian tới, các cơ quan, địa phương có KDTSQ và các bên
có liên quan phối hợp tổ chức truyền thông, phổ biến về giá trị và tầm quan trọng của các KDTSQ đối với sự sống của con người và
thiên nhiên, đồng thời kêu gọi mọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền
vững các dịch vụ hệ sinh thái, tăng cường quản lý và phát huy chức năng về bảo
tồn, hỗ trợ và phát triển của các KDTSQ tại địa phương.
Cùng với đó, thúc đẩy việc triển khai hiệu quả các chính sách, quy định quản lý, bảo vệ môi trường KDTSQ; có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban quản
lý và trách nhiệm của chính quyền các cấp trong quản lý bền vững KDTSQ, nhấn mạnh công tác điều phối, kết nối,
lồng ghép quản lý, vận hành các KDTSQ. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, giáo dục và phát huy các giá trị văn
hóa của KDTSQ; áp dụng các mô hình sinh kế bền vững,
thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh
học, các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; xây dựng các KDTSQ trở
thành các mô hình mẫu về phát triển bền vững. Đẩy mạnh các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận dựa vào hệ sinh thái tại
các KDTSQ thế giới tại địa phương để tăng cường kết nối giữa con
người và thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh
học.
“Tin tưởng rằng, với sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí
lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ý chí và nỗ lực hành động của các cấp, các ngành và cả
cộng đồng trong quản lý, bảo tồn và sử dụng hiệu quả các giá trị thiên nhiên và
đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, chúng ta sẽ thực hiện tốt các cam kết đối
với quốc tế trong việc quản lý các KDTSQ và các mục tiêu
phát triển bền vững, đạt được các
mục tiêu đã đề ra đưa lại lợi ích thiết thực tới mọi người dân” - Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học Nguyễn Văn
Tài khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ phát biểu
Phát biểu tại lễ mít tinh, đồng chí Nguyễn Văn Đệ -
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, KDTSQ Miền Tây Nghệ An được UNESCO
công nhận vào năm 2007, nằm trên địa bàn 9 huyện Miền Tây Nghệ An, với tổng
diện tích gần 1,3 triệu ha, lớn nhất cả nước; dân số khoảng trên 01 triệu người
(gồm 6 dân tộc anh em), với những nét văn hóa độc đáo và đặc sắc; có trên 871.000
ha rừng, với 03 vùng lõi gồm Vườn Quốc gia Pù Mát và 02 Khu bảo tồn thiên nhiên
Pù Huống và Pù Hoạt, phong phú về hệ sinh thái, bao gồm rừng mưa nhiệt đới, các
loài động thực vật quý hiếm và nhiều loài đặc hữu. Đây không chỉ là kho báu của
Nghệ An mà còn là di sản thiên nhiên vô giá của Việt Nam và thế giới.
Trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã và đang nỗ lực
không ngừng để quản lý, bảo vệ và phát triển KDTSQ này; triển khai nhiều chương
trình bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững, bảo vệ môi trường và
nâng cao sinh kế cho người dân sống trong vùng lõi và vùng đệm của KDTSQ. “Tuy
nhiên, chúng tôi hiểu rằng những thách thức mà chúng ta đang đổi diện ngày càng
lớn. Tình trạng khai thác quá mức tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi
khí hậu đang đe dọa nghiêm trọng đến sự cân bằng sinh thái của khu vực” - Phó
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ nhấn mạnh.
Các hoạt động hưởng
ứng Ngày quốc tế về KDTSQ lần này, trong đó có Hội thảo quốc
gia là một cơ hội quý báu để các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các nhà hoạch
định chính sách cùng nhau thảo luận và tìm ra những biện pháp hữu hiệu nhằm
quản lý và bảo tồn tốt hơn các KDTSQ. Qua hội thảo, chúng tôi mong muốn nhận
được sự chia sẻ kinh nghiệm từ các địa phương khác, cũng như lắng nghe những ý
tưởng sáng tạo, các mô hình thực tiễn trong quản lý và bảo tồn.
“Chúng ta cần hiểu rằng việc bảo tồn KDTSQ không chỉ
là việc bảo vệ môi trường tự nhiên mà còn liên quan mật thiết đến việc duy trì
văn hóa, cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng địa phương và đóng góp
vào mục tiêu phát triển bền vững. Để làm được điều này, cần có sự hợp tác chặt
chẽ giữa chính quyền, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân địa phương.
Đặc biệt, chúng ta cần tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về
tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên” –
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ khẳng định.
Ban tổ chức tặng hoa cho lãnh đạo 11 Ban quản lý KDTSQ
Đại diện cho 11 KDTSQ thế giới tại Việt Nam phát biểu
cam kết thực hiện các hoạt động vì mục tiêu phát triển bền vững các KDTSQ tại
Việt Nam, Trưởng Ban quản lý KDTSQ Quảng Nam Nguyễn Thế Hùng bày tỏ, “với trách
nhiệm là một thành viên trong mạng lưới KDTSQ tại Việt Nam cũng như trên thế
giới, tôi xin cam kết rằng chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện các hoạt động
nhằm thúc đẩy phát triển bền vững trong các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam”.
Kim Oanh