Chiều 15/4, UBND tỉnh tổ chức Hội
nghị tổng kết công tác lâm nghiệp năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Các
đồng chí: Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Quốc Việt – Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Môi trường; Nguyễn Danh Hùng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và
Môi trường đồng chủ trì hội nghị.
Quang
cảnh hội nghị
Năm 2024, tốc độ tăng
trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 7,05%
Theo công
bố hiện trạng rừng toàn tỉnh tại Quyết định số 743/QĐ-UBND ngày 14/03/2025, trên địa bàn tỉnh diện tích đất có rừng 973.011,94
ha, trong đó: Diện tích có
rừng tự nhiên 790.396,6 ha, diện tích có rừng trồng 182.615,34 ha; độ che phủ rừng đạt 59,01%.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi
trường Hoàng Quốc Việt phát biểu khai mạc hội nghị
Năm 2024, mặc dù đối mặt với
nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, giá cả vật tư tăng
cao, thị trường tiêu thụ lâm sản chưa ổn định, nhưng toàn ngành lâm nghiệp đã
đạt được nhiều kết quả tích cực.
Các ngành, địa phương, Ban Chỉ đạo về Chương trình
mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các cấp theo chức năng đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND
tỉnh, cấp ủy chính quyền địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ
đạo và trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện các chính sách, chỉ tiêu,
kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đầy đủ, kịp thời, đảm bảo
chất lượng và hiệu quả.
Công tác tuyên truyền
quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản
lý, bảo vệ, phát triển rừng tiếp tục được các cấp, các ngành
quan tâm và triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến địa bàn cơ sở. Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác
quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được nâng lên. Cấp ủy, chính
quyền địa phương các cấp, các chủ rừng đã chủ động, huy động, cân đối, lồng ghép
tốt các nguồn lực để triển khai thực hiện kịp thời nhiệm vụ lâm nghiệp
trên địa bàn.
Tốc độ tăng trưởng giá
trị sản xuất lâm nghiệp đạt 7,05%; giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 304 triệu USD, tăng
12,38% so với năm 2023. Diện tích rừng được bảo vệ tốt, độ che phủ rừng đạt
59,01%; trồng rừng tập trung 22.813 ha, đạt 123,3% kế hoạch; khai thác rừng
trồng 1.747.009m3, đạt 109,2% kế hoạch. Diện tích rừng được cấp
chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) đạt 32.630 ha, tiến gần mục tiêu 50.000
ha vào năm 2025.
Trong năm, toàn tỉnh đã tạo được hơn 43,851
triệu cây giống các loại, đạt 101,6% kế hoạch (43,161 triệu cây) , tăng 14,9% (5,651 triệu cây) so
với năm 2023 (38,2 triệu cây).
Công tác quản lý bảo vệ
rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được tăng cường, toàn tỉnh xảy ra 05 vụ cháy,
giảm 9 vụ so với năm 2023; diện tích rừng bị thiệt hại 8,614 ha, giảm 5,7112 ha
so với năm 2023; số vụ vi phạm lâm luật giảm đáng kể (giảm 14 vụ so với năm
2023).
Công
tác giao đất, giao rừng gắn với cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm
nghiệp được đẩy mạnh, tạo sinh kế bền vững cho người dân miền núi; đã thực hiện giao rừng
gắn với giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp
17.322,22ha/34.172,566 ha, đạt 50,7% kế hoạch cho
1.714 hộ gia đình và 81 cộng đồng. Đặc biệt, các chính sách như chi trả
dịch vụ môi trường rừng, thỏa thuận giảm phát thải khí nhà kính (ERPA), chính
sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn... đã được triển khai kịp thời, góp phần tăng thu
nhập cho người dân và nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng.
Công tác bảo tồn
thiên nhiên, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lâm nghiệp đã
có bước phát triển; các dự án đầu tư về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh của các tổ
chức quốc tế được triển khai và thực hiện có hiệu quả.
Vai trò trách nhiệm của
người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp, các chủ rừng,
kiểm lâm, công an, quân sự, biên phòng tiếp tục được phát huy. Công tác phối kết hợp bảo vệ rừng giữa các lực lượng
Kiểm lâm, Công an, Quân sự, Biên phòng, chủ rừng, chính quyền địa phương đã có
nhiều chuyển biến tích cực, tạo nên sức mạnh tổng hợp ngăn chặn được các hành
vi vi phạm các quy định quản lý
bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Phó
Chủ tịch UBND Quế Phong Bùi Văn Hiền phát biểu tham luận về công tác phát triển
lâm nghiệp trên địa bàn
Ông Nguyễn
Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV lâm nông nghiệp sông
Hiếu tham luận giải pháp trong trồng rừng gỗ lớn
Bên cạnh những kết quả
đạt được, tại một số địa phương vẫn còn xẩy ra tình trạng cháy rừng, khai thác
rừng nhỏ lẻ; lén lút chặt phá, xâm lấn đất rừng, chặt phá rừng tự nhiên đối
tượng rừng nghèo, rừng hỗn giao nứa gỗ để lấy đất sản xuất nông lâm nghiệp.
Công tác tổ chức trồng rừng thay thế, thực hiện thoả thuận chi trả giảm phát
thải khí nhà kính, triển khai Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm,
gặp nhiều khó khăn. Tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu số về tài nguyên rừng, ứng
dụng công nghệ thông tin trong quản lý rừng còn chậm...
Năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu bảo vệ tốt 973.011,94 ha rừng hiện có;
trồng rừng tập trung 20.000 ha; khoanh nuôi rừng 71.000 ha; chăm sóc rừng 54.000
ha; khai thác gỗ rừng trồng 1.800.000 m3. Phấn đấu đến hết năm 2025
diện tích trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng thâm canh đạt 50.000 ha; diện tích rừng
có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 50.000 ha. Kim ngạch xuất gỗ và lâm sản
ngoài gỗ đạt tương đương so với năm 2024. Phấn đấu trồng 11,4102 triệu cây xanh
(trong đó: 8,985 triệu cây xanh phân tán và 2,4252 triệu cây xanh quy đổi) góp
phần đạt mục tiêu đề ra giai đoạn 2021-2025 trồng được 54,25 triệu cây xanh
(bao gồm: 42,615 triệu cây phân tán và 11,635 triệu cây xanh quy đổi)...
Thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng đảm bảo tất
cả diện tích rừng đều được giao và quản lý một cách hiệu quả
Phó Chủ
tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, biểu dương, ghi nhận những kết quả đạt
được trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đề nghị trong
thời gian tới các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát tại
các khu vực rừng có nguy cơ cao về vi phạm lâm luật, nhất là ở các huyện Quế
Phong, Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn. Tập trung xử lý dứt điểm tình trạng lén
lút chặt phá, xâm lấn đất rừng, chặt phá rừng tự nhiên đối tượng rừng nghèo,
rừng hỗn giao nứa gỗ để lấy đất sản xuất nông lâm nghiệp. Chủ động triển khai
phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trước mùa khô năm 2025; tiếp tục kiện toàn
lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cho công tác này.
Làm tốt công tác
xử lý vi phạm, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trong lĩnh vực Lâm
nghiệp, đảm bảo các vụ vi phạm được xử lý đúng người, đúng tội, đúng quy định
của pháp luật. Chủ động xây dựng và thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng đảm bảo
tất cả diện tích rừng đều được giao và quản lý một cách hiệu quả.
Bên
cạnh đó, chỉ
đạo thực hiện tốt Chương
trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu
quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2025, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, chính sách chi
trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Hướng dẫn thực hiện
đúng mục tiêu, có hiệu quả chính sách về quản lý tài nguyên rừng cho tỉnh Nghệ
An được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 137/2024/QH15.
Rà soát xây dựng kế hoạch
thực hiện Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên tập trung
thực hiện chính sách để mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng
bền vững; diện tích trồng rừng kinh doanh gỗ lớn; nâng cao năng suất, giá trị
rừng trồng; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; sử dụng hiệu quả giá trị đa dụng
của hệ sinh thái rừng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện
phương án bảo vệ rừng tại các địa phương và chủ rừng; công tác chuyển đổi mục
đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện việc
điều tra hiện trạng rừng để tổng hợp cập nhật kịp thời, xây dựng nhanh cơ sở dữ
liệu lâm nghiệp phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành. Đẩy nhanh việc cập
nhật số liệu hiện trạng rừng lên cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng; hoàn thành
việc số hóa bản đồ rừng trên toàn tỉnh trong năm 2025. Ứng dụng công nghệ viễn
thám, ảnh vệ tinh trong theo dõi diễn biến rừng và kiểm soát vi phạm...
PT