Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Sáng 13/1/2025, tại Hội
trường Diên Hồng – Nhà Quốc hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị
toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển
đổi số quốc gia. Tổng Bí thư Tô Lâm tới dự, chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức bằng
hình thức trực tiếp từ điểm cầu Trung ương ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc
hội; kết hợp trực tuyến đến 15.345 điểm cầu, với 978.532 đại biểu tham dự ở các
Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ở Trung
ương, Ban cán sự đảng các Bộ, ngành, đơn vị, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung
ương.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Các
Ủy viên Bộ Chính trị: Lương Cường - Chủ tịch nước, Phạm Minh Chính - Thủ tướng
Chính phủ, Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Quốc hội, Trần Cẩm Tú - Thường trực Ban Bí
thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính
trị, nguyên Ủy viên Ban Bí thư, các nhà khoa học, trí thức, doanh nghiệp về
khoa học công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước, giảng viên, sinh viên xuất sắc
tiêu biểu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ
An, tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Bí thư Tỉnh ủy; Hoàng
Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hồng Vinh –
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh
ủy; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An
Phát triển Việt Nam
thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng
lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử
Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số
57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới
sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định, phát triển khoa
học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan
trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện
đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát
triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt
phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh
tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh
nghiệp và Nhân dân đối với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và
chuyển đổi số quốc gia. Xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên
tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán,
lâu dài với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng. Người dân và
doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học
là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện
thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển
đổi số quốc gia…
Chú trọng bảo đảm nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển
khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; có cơ chế,
chính sách đặc biệt về nhân tài. Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số,
công nghệ số trên nguyên tắc "hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu
quả, tránh lãng phí"; làm giàu, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu,
đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ
liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu…
Mục tiêu đến năm 2030: Tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ
và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm
dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công
nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới;
một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế. Việt Nam thuộc nhóm 3
nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh
số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam
Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số
ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tối thiểu có 5
doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Đóng góp của năng suất
nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỉ trọng xuất
khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt tối thiểu
50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP. Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực
tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt
đạt 80%. Tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong
tổng số doanh nghiệp. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần
quan trọng xây dựng, phát triển giá trị văn hoá, xã hội, con người Việt Nam,
đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7…
Tầm nhìn đến năm 2045, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước
phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50%
GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế
giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có
10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Thu hút thêm ít nhất
5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên
cứu, sản xuất tại Việt Nam.
Các nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 57/NQ-TW gồm:
Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị
mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn
xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
quốc gia. Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan
niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh
tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công
nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Phát triển, trọng dụng nhân
lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ,
đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng
khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ
thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước
trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh
Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng
tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát
triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Để thực hiện Nghị quyết, Bộ Chính trị quyết định thành lập
Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và
chuyển đổi số, do đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban; đồng thời thành
lập Hội đồng Tư vấn quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng
tạo và chuyển đổi số với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Tại hội
nghị, các đại biểu đã nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt nội
dung, tinh thần Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số
57-NQ/TW; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chủ trương, giải pháp về
thể chế pháp luật về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
và chuyển đổi số quốc gia.
Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo,
chuyển đổi số là động lực chủ chốt, là chìa khóa vàng
Phát biểu
chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của phát
triển khoa học kỹ thuật trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất
nước. Khoa học và công nghệ là động lực then chốt cho tăng trưởng kinh tế thần
kỳ của nhiều nước. Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm
2030, nước phát triển công nghiệp cao vào năm 2045, phải coi khoa học công
nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là động lực chủ chốt, là chìa khóa vàng,
là yếu tố sống còn để vượt bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu. Đồng
thời cũng là hiện thực hóa khát vọng hùng cường, thịnh vương của dân tộc.
Tổng Bí thư
đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các Nghị quyết trước đây
về phát triển khoa học và công nghệ. Theo đồng chí Tổng Bí thư, Nghị quyết số
57 không thay thế các nghị quyết trước đây nhưng được xem là nghị quyết giải
phóng tư duy khoa học, nghị quyết thực hiện các nghị quyết và nghị quyết thực
hiện hành động với những mục tiêu rất cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm nhằm
hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ các rào cản, giải phóng năng lực, thúc đẩy
đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi
số, tạo nền tảng cho phát triển mạnh mẽ đất nước ta trong thời kỳ mới.
Để nghị
quyết triển khai kịp thời, Tổng Bí thư yêu cầu các cấp, các ngành, các địa
phương xắn tay vào ngay các phần việc, không được chậm trễ, những chủ trương,
giải pháp phải được nhanh chóng thể chế hóa, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để
thực hiện.
Phải luôn
quán triệt, xem đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi
số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro; xem đây là khoản đầu tư
có thắng, có thua. Chuyển đổi số là công cụ sản xuất, kinh doanh; đổi mới lực
lượng sản xuất. Đột phá phải tiến hành ở lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học
xã hội; nhưng trong điều kiện hiện nay nên tập trung các lĩnh vực vật lý, năng
lượng, cơ học điện tử, công nghệ sinh học… Cần chuyển ứng dụng và cách làm chủ
khoa học công nghệ sang xây dựng sáng tạo đột phá, tận dụng nền công nghiệp 4.0
đi tắt đón đầu, làm chủ tương lai. Triển khai nghị quyết phải hướng vào những
vấn đề thực tiễn của đất nước đang đòi hỏi những chuyển đổi của nền kinh tế đa
tầng, những sản phẩm nghiên cứu được thương mại hóa, đăng ký bản quyền.
Tổng Bí thư
yêu cầu nhà nước cần hoàn thiện thể chế tạo sự đột phá cho phát triển khoa học,
công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ
phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tạo nguồn
nhân lực phong phú, trí tuệ, đủ năng lực thực hiện các bước đột phá.
Cụ thể, thống
nhất nhận thức và hành động, xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và
chuyển đổi số là chiến lược toàn đảng, toàn dân và toàn quân. Cấp ủy, chính
quyền cần chuyển hóa nghị quyết bằng các kế hoạch xác thực; lấy kết quả triển
khai làm tiêu chí để đánh giá thi đua, khen thưởng. Trong năm 2025 lựa chọn
những vấn đề căn cơ để thực hiện, tạo nền tảng cho những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó,
khẩn trương hoàn thiện thể chế chính sách, tháo gỡ những rào cản, điểm nghẽn
trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải
phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm…
Khẩn trương sắp xếp lại bộ máy các cơ quan, tổ chức khoa học
công nghệ. Có kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Triển khai các
giải pháp đột phá để thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu, thu hút nhân tài
công nghệ là người Việt và người nước ngoài tới làm việc. Các thủ tục liên quan
đến vấn đề này phải thực sự thông thoáng hơn nữa, thậm chí phải có tính cạnh
tranh cao so với các nước khác.
Tính toán hình thành cơ chế Kiến trúc sư trưởng hoặc Tổng
công trình sư cho việc thực hiện các đề án, dự án lớn về khoa học công nghệ và
chuyển đổi số mang tính liên ngành; lập Viện Quốc gia về tiêu chuẩn và kiểm
định về các nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá, kiểm định sản phẩm và dịch vụ.
Nhà nước tạo thuận lợi thành lập các viện nghiên cứu tư nhân, hỗ trợ về thủ
tục, khuyến khích bằng thuế và tín dụng, được mời các chuyên gia nước ngoài đến
làm việc, được tạo mọi điều kiện để hoạt động thuận lợi.
Ưu tiên bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ xứng tầm là
quốc sách đột phá; lập các quỹ khoa học và công nghệ, khuyến khích hình thành
các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thiên thần, quỹ khởi nghiệp, quỹ đổi mới sáng tạo…
Tiến hành rà soát, điều chỉnh các đề án, dự án để đảm bảo phù hợp với Nghị
quyết số 57, tránh lãng phí, tập trung đầu tư hiệu quả, có trọng tâm. Đồng
thời, cải cách triệt để quy trình phân bổ, quản lý và thanh quyết toán kinh
phí, loại bỏ cơ chế “xin - cho” và các thủ tục rườm rà để tối ưu hóa nguồn lực
và khuyến khích sáng tạo.
Đồng thời ban hành cơ chế thu hút nhân tài nói chung, đặc
biệt là nhân tài khoa học, công nghệ, nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài và
chuyên gia quốc tế, với các chính sách hấp dẫn về quốc tịch, thu nhập, nhà ở và
môi trường làm việc…; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, bao gồm công
nghệ số. Đặc biệt, cần chuẩn bị hạ tầng năng lượng cho 5-10 năm tới, với trọng
tâm là năng lượng sạch, đảm bảo đủ năng lượng cho phát triển bằng hành động cụ
thể…
PT