image banner

image advertisement

Đôn đốc xử lý các công trình đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy

Hôm nay (24/2), UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1290/UBND-NC yêu cầu các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố, thị xã đôn đốc xử lý các công trình đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Khẩn trương kiểm tra, đôn đốc tiến độ tổ chức khắc phục đối với các công trình vi phạm

Theo đó, đối với các công trình đang tổ chức thi công theo thiết kế đã được thẩm duyệt và các công trình đang thực hiện thiết kế để thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), UBND tỉnh giao Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương kiểm tra, đôn đốc tiến độ tổ chức khắc phục đối với các công trình vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý; đồng thời, chỉ đạo lực lượng Công an xã tham mưu thực hiện đối với cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp xã. Kịp thời hướng dẫn chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương tổ chức thẩm duyệt thiết kế, đề nghị kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC theo quy định. 

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã tham mưu đôn đốc triển khai thực hiện Công văn số 4253/BXD- HĐXD ngày 21/9/2022 của Bộ Xây dựng về việc tăng cường kiểm soát công tác thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt về PCCC; hướng dẫn các cơ sở chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về PCCC trong đầu tư xây dựng. 

Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam phối hợp Công an tỉnh đôn đốc chủ đầu tư các công trình trong các khu công nghiệp khẩn trương khắc phục đầy đủ các tồn tại và tiến hành nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu về PCCC và nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào hoạt động theo quy định của pháp luật. 

UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp lực lượng Công an đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để tổ chức kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC và nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào hoạt động theo quy định của pháp luật. 

Kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không tiến hành khắc phục các tồn tại về PCCC

Đối với các công trình không thực hiện khắc phục các tồn tại về PCCC theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành lập hồ sơ, xử lý vi phạm hành chính, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo đúng quy định của pháp luật đối với các cơ sở không tiến hành khắc phục các tồn tại về PCCC theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. 

UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tuyên truyền, vận động, hướng dẫn doanh nghiệp cải tạo, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh để đảm bảo an toàn, lợi ích cho doanh nghiệp đối với các công trình, cơ sở hiện hữu vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng..., không có khả năng khắc phục; rà soát thu hồi các loại giấy phép, chứng nhận theo phạm vi trách nhiệm quản lý đối với các cơ sở không thực hiện khắc phục các tồn tại về PCCC. Đồng thời nghiên cứu áp dụng các biện pháp xử lý khả thi đối với các cơ sở vi phạm cố tình hoạt động trái quy định pháp luật. 

Tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), không để phát sinh công trình, cơ sở chưa được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng.

UBND tỉnh giao các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả công tác rà soát, chỉ đạo nắm chắc tình hình, kịp thời triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Tập trung tham mưu, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Nghệ An. 

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thực hiện công tác thẩm duyệt thiết kế, kiểm tra nghiệm thu về PCCC các dự án, công trình phải đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật, bảo đảm đầy đủ các nội dung, yêu cầu theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và hướng dẫn của Bộ Công an. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập trong công tác PCCC và CNCH. 

Sở Xây dựng chủ trì, tham mưu tăng cường công tác quản lý nhà nước trong đầu tư, xây dựng, khi tiến hành thủ tục thẩm định, phê duyệt và cấp phép xây dựng phải phù hợp với quy mô, tính chất công trình theo văn bản thẩm duyệt về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH. Phối hợp chặt chẽ trong quá trình rà soát, kiểm tra chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH. 

Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác quản lý về đất đai, có chủ trương, chính sách phù hợp, ưu tiên giải quyết sớm đối với các doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc trong việc chấp hành quy định pháp luật về sử dụng đất, nhất là các cơ sở đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều năm nằm trong các cụm công nghiệp, khu công nghiệp. 

Sở Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện để tham mưu UBND tỉnh quyết định lựa chọn đơn vị đầu tư, xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp theo chỉ đạo tại Công văn số 7453/UBND-NC ngày 06/9/2023 của UBND tỉnh; hỗ trợ chủ đầu tư lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ. 

Các Sở: Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác cấp phép hoạt động đối với các loại hình cơ sở karaoke, vũ trường, lưu trú, giáo dục, y tế trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã kiểm soát chặt chẽ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật trước khi cấp Giấy phép hoạt động và thu hồi giấy phép đối với các cơ sở không đủ điều kiện an toàn về PCCC, an ninh trật tự theo kiến nghị của ngành Công an hoặc các cơ quan có thẩm quyền. 

Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan, ban, ngành trong công tác cấp phép, kiểm tra, giám sát nắm tình hình đối với các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các đơn vị quản lý khu công nghiệp và các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp, đặc biệt là việc chấp hành các quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng. Chịu trách nhiệm nếu để phát sinh mới các công trình, dự án tại các khu công nghiệp xây dựng, đưa vào hoạt động khi chưa được thẩm duyệt thiết kế về PCCC, chưa được cấp phép xây dựng, chưa được kiểm tra nghiệm thu về PCCC và nghiệm thu hoàn thành công trình theo quy định. 

Đồng thời theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu kinh tế và đơn vị được Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam giao quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, các chủ đầu tư hoạt động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế khắc phục đầy đủ các tồn tại và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCC trong đầu tư xây dựng và trong quá trình hoạt động. 

Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để phát sinh mới dự án, công trình đưa vào hoạt động khi chưa được thẩm duyệt thiết kế về PCCC

UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng, cấp phép kinh doanh theo thẩm quyền đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt, thiết kế về PCCC, đặc biệt là các cơ sở chuyển đổi công năng có nguy cơ cháy, nổ cao, cơ sở tập trung đông người như quán bar, karaoke, nhà cao tầng... Chịu trách nhiệm nếu buông lỏng quản lý trong cấp phép đối với các cơ sở khi chưa bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, PCCC theo quy định. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc thẩm định các hồ sơ quy hoạch xây dựng, hồ sơ thiết kế bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, trong đó lưu ý các điều kiện liên quan đến công tác an toàn PCCC được quy định tại các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch xây dựng liên quan. 

Cùng với đó, theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và đơn vị được UBND cấp huyện giao quản lý các cụm công nghiệp, các chủ đầu tư hoạt động trong các cụm công nghiệp khắc phục đầy đủ các tồn tại và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCC trong đầu tư xây dựng và trong quá trình hoạt động. 

Địa phương nào để phát sinh mới dự án, công trình xây dựng, đưa vào hoạt động khi chưa được thẩm duyệt thiết kế về PCCC, chưa được cấp phép xây dựng, chưa được kiểm tra nghiệm thu về PCCC và nghiệm thu hoàn thành công trình theo quy định trên địa bàn thì người đứng đầu chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm theo quy định. Đồng thời, phải xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm với nguyên tắc “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và làm rõ, xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 112 công trình chưa được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng; tính đến ngày 31/12/2024, đã có 45 công trình hoàn thành khắc phục các tồn tại về PCCC và tiến hành thủ tục phục hồi hoạt động theo quy định; còn 67 công trình còn tồn tại vi phạm, cụ thể:

- Số công trình đã hoàn thành thẩm duyệt thiết kế, đang tổ chức thi công để tiến hành nghiệm thu về PCCC: 22 công trình.

- Số công trình đang thực hiện các nội dung thiết kế để đề nghị cơ quan chức năng thẩm duyệt thiết kế về PCCC: 26 công trình.

- Số công trình thực hiện cải tạo để giảm quy mô không thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC: 03 công trình.

- Số công trình không thực hiện khắc phục các tồn tại về PCCC theo hướng dẫn của cơ quan chức năng: 16 công trình.

 H.B (tổng hợp)

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image