Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An tranh luận về công tác quản lý nghề cá và hải sản
Ngày 4/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần
Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường
về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm
2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiều nội
dung quan trọng khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành
phiên họp.
Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An do đồng chí Thái
Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường
trực Ban Kinh tế Trung ương, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn dự họp.
Đại
biểu Phạm Phú Bình - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội,
đại biểu đoàn Nghệ An phát biểu tranh luận về bức tranh công tác quản
lý nghề cá và hải sản của Việt Nam.
“Cần phải thấy rằng, với đường
bờ biển dài hơn 3.000 km, 28 trên tổng số 63 địa phương có biển, gần 1
triệu ngư dân cùng tập quán đánh bắt hải sản quy mô nhỏ, tự phát, thì
việc xây dựng một tập quán nghề cá bền vững và thực thi tất cả các khuôn
khổ pháp lý tiêu chuẩn cao là điều không dễ dàng”, vị đại biểu đoàn
Nghệ An nói.
Tuy vậy, đại biểu khẳng định: Việc chống khai thác
IUU đã được Việt Nam xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu ngay
sau khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra “thẻ vàng”.
Chính
phủ đã ban hành Nghị định số 38/2021 thay thế Nghị định 42/2019 về quy
định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Nghị định số 37/2024
sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019 quy định chi tiết
một số điều biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Khung pháp lý chống khai
thác IUU đã và đang được chúng ta hoàn thiện theo khuyến nghị của Ủy ban
châu Âu.
Về cam kết chính trị, ngày 10/4/2024, Ban Bí thư đã ban
hành Chỉ thị số 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác
chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản - huy động sự
tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị vào nhiệm vụ này.
Về thực
thi, các địa phương trên cả nước đã và đang nỗ lực tăng cường các biện
pháp đăng ký, đăng kiểm và cấp phép hoạt động cho các tàu cá nhằm giải
quyết dứt điểm các vi phạm liên quan đến IUU.
“Ngay
tại Kiên Giang, nơi có đội tàu cá lớn nhất đồng bằng sông Cửa Long, đã
có hơn 7.000 tàu cá được cấp phép. Trong số này, đến tháng 9/2024 đã có
hơn 3.600 tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên đã được trang bị hệ thống
giám sát tàu cá (VMS)”, đại biểu dẫn chứng và cho rằng: “Mặc dù đây đó,
chúng ta vẫn đang thấy một số vi phạm được phản ánh - nhưng điều này
cũng thể hiện cho thấy chúng ta đang làm tốt công tác giám sát thực thi
pháp luật”.
Đại biểu Phạm Phú Bình nêu quan điểm: Quyết tâm chính
trị và những nỗ lực từ Trung ương đến địa phương đã và đang được chúng
ta thực hiện một cách mạnh mẽ và cần phải được ghi nhận một cách đúng
đắn. Nhiều chuyên gia độc lập đánh giá chúng ta đang đi đúng hướng trong
công tác quản lý đánh bắt IUU.
“Tôi
đề nghị, chúng ta đánh giá đúng đắn các nỗ lực này, phản ánh một cách
khách quan và mang tính xây dựng để có thể gỡ thẻ vàng IUU, xây dựng
nghề cá bền vững, bảo vệ an ninh bờ biển và an toàn hệ sinh thái biển
của đất nước”, vị đại biểu đoàn Nghệ An phát biểu.
Cũng
trong ngày làm việc, Quốc hội tiến hành thảo luận về tình hình thi hành
Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị
quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử
dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương
đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại
thương Việt Nam (VCB).
Nguồn: baonghean.vn (4/11/2024)