Thực hiện quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số
Tại Công văn
số 98/UBND-KT ngày 6/1/2025, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với
các đơn vị có liên quan căn cứ quy định tại Nghị định số 176/2024/NĐ-CP ngày
30/12/2024 của Chính phủ quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi
phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số sau
khi nộp vào ngân sách nhà nước để chủ động tổ chức thực hiện; đồng thời, tham
mưu UBND tỉnh thực hiện theo thẩm quyền, đúng quy định.
Theo Nghị định số 176/2024/NĐ-CP, việc lập dự toán,
quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về
trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường
bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước của Bộ Công an thực
hiện theo quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với hoạt động
thuộc lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Căn cứ vào kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính
về TTATGT đường bộ được bố trí, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập
phương án phân bổ ngân sách cho các cơ quan tại địa phương quy định, trình HĐND
cùng cấp quyết định và gửi Bộ Công an, cơ quan có liên quan tổng hợp theo quy
định. Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đã bố trí thực hiện theo quy
định của Luật Ngân sách nhà nước và
văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Trường hợp nguồn kinh phí chi thường xuyên hoặc các
nguồn khác từ ngân sách nhà nước bố trí cho hoạt động bảo đảm TTATGT chưa đáp
ứng yêu cầu thì được sử dụng nguồn kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính
về TTATGT đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Các nội dung chi của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương và các cơ quan khác tại địa phương: Mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo đảm TTATGT;
sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện. Vận hành,
quản trị, nâng cấp, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin phục vụ bảo đảm
TTATGT. Cải tạo, sửa chữa, bảo trì, nâng cấp, mở rộng các công trình, trụ sở,
nơi làm việc phục vụ công tác bảo đảm TTATGT, nơi tạm giữ phương tiện.
Thuê
tài sản (nhà, đất, phương tiện, trang thiết bị và tài sản khác) phục vụ công
tác bảo đảm TTATGT. Chi xăng, dầu, nhiên liệu khác phục vụ công tác bảo đảm TTATGT.
Vận hành đường dây nóng, các ứng dụng công nghệ, phần mềm phục vụ công tác bảo
đảm TTATGT. Thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông, gia đình nạn nhân bị
chết trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; nạn nhân bị thương
nặng, gia đình nạn nhân bị chết do tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn.
Tập
huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phục vụ công tác bảo đảm TTATGT. Khen thưởng
cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm TTATGT. Chi
vật tư, văn phòng phẩm, in hồ sơ, tài liệu, cước phí bưu chính, thông tin liên
lạc phục vụ công tác bảo đảm TTATGT; xây dựng, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tổ
chức thực hiện kế hoạch, chương trình, đề án về bảo đảm TTATGT.
Bồi
dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các lực lượng khác tại địa phương trực
tiếp tham gia công tác bảo đảm TTATGT làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ. Nhập
dữ liệu phục vụ công tác bảo đảm TTATGT. Giải quyết ùn tắc giao thông, khắc
phục hậu quả tai nạn giao thông, cứu hộ, cứu nạn và thực hiện nhiệm vụ khác do
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT.
Mức chi được
tính như sau: Mức chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia bảo đảm
TTATGT ban đêm không quá 200.000 đồng/người/ca (01 ca từ đủ 04 giờ trở lên,
thời gian làm đêm từ 22h00 đêm hôm trước đến 6h00 sáng hôm sau), ½ ca (02 giờ)
mức chi không quá 100.000 đồng/người, tối đa 10 ca/tháng.
Mức
chi bồi dưỡng làm thêm giờ cho cán bộ, công chức, viên chức và các lực lượng
khác tại địa phương trực tiếp tham gia công tác bảo đảm TTATGT ban ngày không
quá 100.000 đồng/người/ca, tối đa 10 ca/tháng; đối với ca đêm không quá 200.000
đồng/người/ca (01 ca từ đủ 04 giờ trở lên, thời gian làm đêm từ 22h00 đêm hôm
trước đến 6h00 sáng hôm sau), ½ ca (02 giờ) mức chi không quá 100.000
đồng/người, tối đa 10 ca/tháng.
Mức
chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành
chính về TTATGT của 01 vụ, việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành
chính, tối đa 5.000.000 đồng/01 vụ, việc. Mức chi cho các nội dung chi khác
thực hiện theo quy định pháp luật.
PT (Tổng
hợp)