Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về công tác ngoại giao kinh tế
Tại Công văn số 88/UBND-VX ngày
06/01/2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long giao Sở Ngoại vụ chủ trì, phối
hợp với các Sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan theo chức năng
nhiệm vụ và thẩm quyền được giao triển khai thực hiện Thông báo số 2/TB-VPCP
ngày 02/01/2025 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng
Chính phủ với các Đại sứ/Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về tổng
kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và trọng tâm năm 2025 nhằm tạo đà bứt
phát cho tăng trưởng; đồng thời là cơ quan đầu mối tổng hợp, báo cáo kết quả
triển khai thực hiện chỉ đạo tại Thông báo trên.
Tại
Thông báo số 2/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thời gian
tới, công tác ngoại giao kinh tế cần tiếp tục phát huy hơn nữa kết quả đạt được
và bài học kinh nghiệm của năm 2024; tận dụng tốt cơ hội, thời gian, trí tuệ,
thích ứng linh hoạt, quyết đoán kịp thời; bám sát nhu cầu trong và ngoài nước
để triển khai ngoại giao kinh tế phù hợp, hiệu quả, toàn diện, sâu sắc, không
hình thức; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đại diện, doanh
nghiệp, địa phương; nâng cao tinh thần yêu nghề, yêu nước, tâm huyết, trách nhiệm;
đối với các đối tác, phải thể hiện chân thành, tin cậy, phát huy bản sắc văn hóa
Việt Nam.
Công
tác ngoại giao kinh tế năm 2025 phải có trọng tâm, trọng điểm, phải bài bản
hơn, thực chất, tạo đột phá với tinh thần “đã nói là làm; đã cam kết là phải thực
hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có kết quả, sản phẩm lượng hoá được cụ thể, rõ
ràng, cân đong, đo, đếm được” và với phương châm “rõ mục tiêu, rõ người, rõ việc,
rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả”.
Trong đó, làm mới các động lực tăng trưởng truyền
thống (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng); thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới
(kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, kinh
tế xanh, kinh tế số…); xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của Việt Nam; tăng nội
hàm khoa học, công nghệ trong phát triển sản phẩm; xúc tiến thương mại, đầu tư
thực chất, hiệu quả hơn; phát triển thị trường cạnh tranh bền vững.
Tiếp tục thiết lập các khuôn khổ pháp lý, xác lập,
nâng cấp quan hệ với một số đối tác quan trọng; đánh giá tiềm năng khác biệt,
cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để xác định những vấn đề có thể hợp tác, bổ
trợ lẫn nhau; thúc đẩy kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước.
Thúc đẩy triển khai các cam kết, thoả thuận giữa Việt Nam và các đối tác, nhất
là các thoả thuận cấp cao trên tinh thần đã nói là làm, đã cam kết thì phải
thực hiện để có sản phẩm thiết thực, phục vụ cho phát triển đất nước.
Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy đa dạng hóa thị trường,
đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; đẩy mạnh tiếp cận, khai thác
những thị trường mới, nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác. Thúc đẩy phát
triển ngành hàng không phục vụ giao thương, vận chuyển hàng hóa.
Đẩy mạnh ngoại giao trên các lĩnh vực, đặc biệt là
ngoại giao công nghệ nhằm mở rộng hợp tác về công nghệ, nhất là chuyển giao
công nghệ như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đặc biệt cần xây dựng cơ sở dữ liệu
riêng của Việt Nam; hợp tác trong các lĩnh vực mới như điện toán đám mây,
internet vạn vật, khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian
ngầm.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng
mắc với các đối tác. Nâng cao công tác tham mưu chiến lược và đề xuất chính
sách phục vụ điều hành kinh tế - xã hội, bám sát tình hình thế giới, khu vực và
yêu cầu phát triển của đất nước để kịp thời kiến nghị chính sách phù hợp. Đẩy
mạnh nghiên cứu các giải pháp mới, đột phá trong thu hút nguồn lực cho phát
triển, nhất là phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển
giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, ứng phó
biến đổi khí hậu…
Tích
cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với tinh thần
lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Đẩy mạnh công
tác đánh giá thị trường và tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá
thương hiệu có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả…
Thủ
tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm
quyền, chủ động, tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp
được giao. Khẩn trương, tích cực xem xét, rà soát, có phương án xử lý phù hợp
các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch,
dự án hợp tác, đầu tư, kinh doanh, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối và
chính sách của Đảng và Nhà nước; nghiên cứu hình thành và thúc đẩy cơ chế phối
hợp giải quyết kịp thời, hiệu quả, khả thi. Nâng cao chất lượng công tác nghiên
cứu, thông tin, tham mưu chiến lược, đặc biệt là các giải pháp mới, đột phá
trong huy động nguồn lực cho phát triển, nhất là phát triển kinh tế xanh, kinh
tế số, đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… Tiếp tục nỗ lực
cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước,
quy hoạch và định hướng cho phát triển…
Kim Oanh (T/h)