Tỉnh Nghệ An thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi

Sau 03 năm thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 -2030”, ngành chăn nuôi của tỉnh ngày càng phát triển, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 414/QĐ-TTg, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện, đồng thời chỉ đạo công tác kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tại địa phương; tổ chức rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về chăn nuôi, thú y. Công tác tuyên truyền phổ biến Luật Thú y, Luật Chăn nuôi và các văn bản quy phạm pháp luật được tăng cường và triển khai với nhiều hình thức.

Trên cơ sở các văn bản của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh động vật trung hạn, dài hạn,… chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện, thành phố, thị xã triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Tăng cường năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo, ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm trên động vật để phát hiện sớm, xử lý ổ dịch trong diện hẹp.

Trong 03 năm (2021 – 2023), toàn tỉnh đã lấy 4.823 mẫu bệnh phẩm gia súc, gia cầm, thủy sản, môi trường để xét nghiệm, đánh giá sự lưu hành mầm bệnh; lấy 3.307 mẫu bệnh phẩm gia súc, gia cầm, thủy sản giám sát bị động để xét nghiệm khi có nghi ngờ có dịch bệnh xảy ra; lấy 1.981 mẫu xét nghiệm hàm lượng kháng thể sau khi tiêm phòng.

Khi dịch bệnh xảy ra, tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, do đó các loại dịch bệnh được báo cáo và xử lý kịp thời. Đối với các ổ dịch động vật phát sinh, UBND tỉnh đã chủ động bố trí kinh phí mua hóa chất, vắc xin cấp cho các địa phương để kịp thời xử lý dịch bệnh trong diện hẹp.

Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; đây là giải pháp quan trọng để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng, duy trì được 08 cơ sở an toàn dịch bệnh. Chăn nuôi theo hướng sản xuất theo chuỗi giá trị được khuyến khích và tiếp tục phát triển. Ngoài các chuỗi liên kết của công ty, liên kết chuỗi dưới hình thức Hợp tác xã, tổ hợp tác đã hình thành và ngày càng phát triển.

Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong tỉnh được tăng cường, duy trì hiệu quả tốt góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tạo điều kiện cho người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm. Hiện toàn tỉnh đang có 41 cơ sở giết mổ động vật được chính quyền các cấp quy hoạch để giết mổ tập trung…

Trong những năm qua, ngành chăn nuôi của tỉnh chỉ mới xuất khẩu được một số sản phẩm như sữa bò, lợn sữa sang Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông qua đường chính ngạch. Trong năm 2023, xuất khẩu sữa đạt gần 2.900 tấn, giá trị xuất khẩu đạt hơn 4 triệu USD.

Tuy nhiên, Nghệ An là địa bàn rộng, tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tập quán chăn nuôi nhỏ là chủ yếu; có nhiều tuyến quốc lộ đi qua, hoạt động giao thông buôn bán động vật, sản phẩm động vật thường xuyên… nên khó khăn khăn trong việc triển khai nhiệm vụ phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, quản lý thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi. Diễn biến về thiên tai bão lụt, nhiều loại dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản xảy ra, trong đó bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm với đặc điểm tồn tại lâu trong môi trường, đường truyền lây đa dạng nên dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi…

Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện kiện toàn lại hệ thống Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách để tiếp tục bố trí đủ thú y xã. Chủ động triển khai các kế hoạch, chương trình phòng chống dịch bệnh đã được phê duyệt; chỉ đạo các địa phương tiếp tục quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch mới phát sinh. Chỉ đạo tổ chức tốt công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú ý và phối hợp với các ban, ngành, địa phương trong kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, giết môt, buôn bán động vật, sản phẩm động vật…

Tỉnh Nghệ An cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu trình Chính phủ ban hành băn bản chỉ đạo Bộ Nội vụ, các địa phương thống nhất kiện toàn hệ thống thú y các cấp, đặc biệt là Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp tỉnh; hỗ trợ nâng cao năng lực cho hệ thống thú y cấp tỉnh, cấp huyện để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

PT (Tổng hợp)

(Nguồn: Báo cáo số 213/BC-UBND ngày 20/3 về tiến độ, kết quả 03 năm thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030”) 

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
© Cổng TTĐT Nghệ An
image advertisement
image advertisement
Thăm dò ý kiến
Đánh giá mức độ hài lòng về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử Nghệ An
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 1
    • Hôm nay: 1
    • Trong tuần: 1
    • Tất cả: 1
     

    Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

    Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

    Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

    Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

     

    Liên hệ

    Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

    Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

     Điện thoại: 02383.557.565

     Email: banbientap@nghean.gov.vn

     fb.com/congthongtindientutinhnghean

     Đăng nhập