Kinh tế Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới, với độ mở lớn
Kinh
tế Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới, với độ mở lớn, mọi
biến động về kinh tế, chính trị thế giới đều tác động tới kinh tế nước
ta.
Trong thập kỷ qua, kinh tế Việt Nam thực hiện Chiến lược tăng
trưởng dựa vào xuất khẩu với những thành công và hiệu quả khá rõ nét.
Cán cân thương mại hàng hóa quốc tế của Việt Nam liên tục thặng dư kể từ
năm 2016 thay vì nhập siêu như những năm trước là điểm sáng trong bức
tranh kinh tế, là thành tích đáng khích lệ.
Tuy vậy, cơ cấu cán
cân xuất, nhập khẩu hàng hoá của nước ta với các nền kinh tế đang phản
ánh bức tranh thương mại hàng hoá quốc tế của Việt Nam phụ thuộc vào một
số ít thị trường; kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương bởi chính sách kinh
tế, thương mại của các nước đối tác thương mại của Việt Nam; tính độc
lập, tự chủ của nền kinh tế nước ta chưa cao.
Chẳng hạn, năm 2024
tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của toàn nền kinh tế đạt 405,53 tỷ
USD, xuất siêu 24,77 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập
siêu 25,52 tỷ USD; khu vực FDI xuất siêu 50,29 tỷ USD.
Năm 2024,
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt
119,6 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu sang Hoa
Kỳ đạt 104,6 tỷ USD; xuất khẩu sang thị trường EU đạt 52,1 tỷ USD, chiếm
12,8%, xuất siêu sang EU đạt 35,4 tỷ USD. Xuất khẩu sang 2 thị trường
này đã chiếm 42,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế.
Hoạt
động thương mại hàng hóa quốc tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là động lực
tăng trưởng quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Vì vậy, với mức thuế
quan đối ứng 46% mà Mỹ tuyên bố đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang
Hoa Kỳ, sẽ tác động và ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực
và tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Đúng như thông điệp của
Thủ tướng Phạm Minh Chính là giữ vững bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách
chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để vượt qua
những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài, Chính phủ đã chủ động
điều chỉnh chính sách thương mại, mở rộng quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ,
kiểm soát chặt chẽ các yếu tố có thể gây bất lợi cho nền kinh tế; cắt
giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ như khí đốt tự
nhiên hóa lỏng, ô tô; nhập khẩu thêm hàng nông sản nhằm xoa dịu căng
thẳng thương mại với Hoa Kỳ. Cùng với đó, Chính phủ đang nỗ lực xây dựng
quan hệ chiến lược với các tập đoàn lớn của Mỹ. Với chiến lược phù hợp,
kinh tế nước ta sẽ vượt qua cơn bão thuế quan, tiếp tục giữ vững vị thế
trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cùng
với việc chủ động và linh hoạt trong việc thực thi chính sách, để giảm
thiểu tác động xấu và bù đắp mức "thiệt hại" do chính sách thuế quan đối
ứng của Hoa Kỳ đối với kinh tế nước ta, Chính phủ cần tiếp tục thực thi
các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để giữ nhịp tăng trưởng, như
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh "mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở
lên năm 2025 là không thay đổi".
Một là, Chính phủ
chỉ đạo các Bộ, ngành, phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp khai thác
hiệu quả, tận dụng lợi thế của các FTA để gia tăng xuất khẩu thay thế
lượng suy giảm đối với thị trường Mỹ.
Các doanh nghiệp và hiệp hội
ngành nghề cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó khác nhau và tìm kiếm giải
pháp phù hợp để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ.
Chính phủ cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và đàm phán.
Cùng
với đó, cần có chiến lược chuyển dịch cơ cấu hàng hoá xuất khẩu; tập
trung phát triển xuất khẩu dịch vụ nhằm xử lý thực trạng nền kinh tế
luôn nhập siêu dịch vụ, đặc biệt thâm hụt cán cân thương mại dịch vụ mấy
năm gần đây luôn ở mức cao. Việc giảm nhập siêu dịch vụ là vấn đề cần
quan tâm thích đáng, đặc biệt trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao
của nền kinh tế, bởi theo tính toán, nếu giảm được 10% nhập siêu dịch vụ
sẽ giúp GDP tăng thêm 0,36%.
Hai là, tập trung giải
ngân toàn bộ vốn đầu tư công của năm 2025. Vốn đầu tư công thực hiện sẽ
là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam
năm 2025, bởi động lực tăng trưởng dựa vào tiêu dùng đang phục hồi
chậm. Tổng vốn đầu tư công năm 2025 là 825,9 nghìn tỷ đồng, nếu giải
ngân được 95% thì đạt 784,6 nghìn tỷ đồng, khi đó GDP tăng thêm 1,07
điểm phần trăm. Nếu giải ngân hết 100% tổng số vốn, GDP tăng thêm 1,4
điểm phần trăm.
Ba là, tiêu dùng là động lực tăng
trưởng có quy mô lớn nhất, tác động mạnh nhất, quan trọng nhất trong các
động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Tổng cầu tiêu dùng cuối cùng tăng
lên đồng nghĩa với tháo gỡ khó khăn về tìm kiếm thị trường cho khu vực
doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, giảm bớt sự phụ
thuộc vào tổng cầu thế giới.
Theo đó, cần thực hiện giải pháp
kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội như giảm
thuế thu nhập cá nhân; nâng mức thu nhập chịu thuế và mức giảm trừ gia
cảnh. Tiếp tục giảm thuế VAT với thời hạn dài hơn; giảm giá dịch vụ hàng
không, đường sắt để kích cầu du lịch trong nước và thu hút du lịch nước
ngoài; tăng cường các đợt khuyến mại với mục tiêu Người Việt Nam ưu
tiên dùng hàng Việt Nam.
Để chính sách giảm 2% VAT có hiệu quả,
cần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô; điều hành tỷ giá, lãi suất phù
hợp, tránh lạm phát kỳ vọng; kiểm soát tăng giá trong các mùa cao điểm
của một số ngành; nâng cao chất lượng hàng hoá và dịch vụ trong nước với
mức giá cạnh tranh để thúc đẩy người dân tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ
Việt; tăng cường thực hiện các đợt khuyến mại để thúc đẩy sức mua của
người dân.
Cùng với đó, đẩy mạnh chính sách an sinh xã hội trợ cấp cho người nghèo, hỗ trợ nhà ở xã hội cho người lao động.
Niềm
tin của người tiêu dùng có ý nghĩa rất lớn, đảm bảo hiệu quả của các
giải pháp kích cầu tiêu dùng, vì vậy cùng với chính sách an sinh xã hội,
tạo việc làm ổn định, chính sách về lãi suất ngân hàng, thị trường bất
động sản, giá vàng, giá ngoại tệ ổn định..., sẽ tăng thêm niềm tin của
người tiêu dùng, thúc đẩy chi tiêu, xử lý được bài toán nhu cầu thị
trường trong nước thấp đối với doanh nghiệp
Với tinh thần chủ
động, linh hoạt, bảo vệ lợi ích quốc gia của Đảng và Nhà nước; với sự
đồng lòng, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp; với chiến lược ngoại giao
tinh tế và hiệu quả, chúng ta tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ hoá giải
thành công những khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội mới, giữ vững
nhịp tăng trưởng kinh tế năm 2025 và những năm tiếp theo./.
Nguyễn Bích Lâm
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Nguồn: baochinhphu.vn (06/04/2025).