Nằm trên trục đường 46, cách thành phố Vinh 13km, Nam Đàn là vùng đất địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra nhiều bậc danh nhân, hào kiệt. Hiện nay Nam Đàn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hoá có ý nghĩa to lớn đặc biệt là Khu tích Kim Liên gắn liền với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cụm di tích quan trọng là làng Hoàng Trù quê ngoại và làng Sen quê nội Bác, mộ bà Hoàng Thị Loan và núi Chung, Nhà thờ họ Nguyễn Sinh, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, nhà thờ cụ cử Vương Thúc Quý…
Ngoài ra quý khách đến đây còn có thể được nhận thức một cách đầy đủ hơn về lịch sử, văn hóa và con người Nghệ An với quần thể di tích và điểm hẹn thiên nhiên hấp dẫn như núi Thiên Nhẫn, thành Lục Niên, khu mộ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ở xã Nam Kim, nhà lưu niệm Phan Bội Châu ở thị trấn Nam Đàn, đền thờ, lăng mộ Mai Hắc Đế và mộ mẹ nhà vua, đình Hoành Sơn, đền Hoàng Sơn, đình Trung Cần tại xã Khánh Sơn và hồ Tràng Đen thuộc xã Nam Nghĩa.
Mộ bà Hoàng Thị Loan - Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh
Từ Nam Đàn theo quốc lộ 15A, đường Hồ Chí Minh, khách du lịch có thể đến các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Tân Kỳ, Yên Thành với nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác như: Hang Mắt Trắng, vườn cò Hoa Sơn, suối nước nóng Giang Sơn (Đô Lương), hồ Sông Sào (Nghĩa Đàn)…, những di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng như: Tượng đài thanh niên xung phong Truông Bồn, tượng đài khởi nghĩa (Đô Lương), đền Bạch Mã, đình Võ Liệt (Thanh Chương), cộc mốc số 0 đường chiến lược Hồ Chí Minh (Tân Kỳ), các làng nghề truyền thống như: Làng nghề nồi đất ở Trù Sơn, nghề bánh đa ở Đà Sơn..Bên cạnh đó, khách du lịch có thể bằng lòng hơn với chuyến đi của mình qua thưởng thức món thịt dê Cầu Đòn, thịt bê Nam Nghĩa (Nam Đàn), bánh đa Đô Lương, đặc sản gà đồi Thanh Chương…
Khu di tích Kim Liên
Làng Sen - Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh
Làng Hoàng Trù - Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cụm di tích Hoàng Trù
Từ Vinh lên 13km, cách quốc lộ 46 chừng 1000m về phía trái của một ngã ba, có một ngôi làng gợi nên sự yên tĩnh vĩnh hằng với những mái nhà tranh mộc mạc đơn sơ khiêm nhường ngơi nghỉ dưới từng luỹ tre biêng biếc, đó là làng Hoàng Trù, quê ngoại, cũng là nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung, về sau là Nguyễn Tất Thành, Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh, cất tiếng khóc chào đời. Cụm di tích Hoàng Trù nằm gọn trong khu đất 3500m2, ở đó toạ lạc ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, nhà cụ Hoàng Đường và ngôi nhà nơi sinh ra vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam mới.
Nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Cách Hoàng Trù 2km, làng Kim Liên ngát hương sen, còn gọi là làng Sen, là quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi Bác sống hồi niên thiếu (1901 -1906).
Sau luỹ tre xanh là ngôi nhà lá 5 gian đơn sơ do bà con làng Sen dựng cho gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc khi đỗ Phó bảng (1901), rời kinh thành Huế về quê nội sống đời sống cùng bà con xóm mạc. Cạnh đó là ngôi nhà 3 gian do ông Nguyễn Sinh Thuyết, anh cùng cha khác mẹ với cụ Sắc tặng cùng dịp, đây là trù phòng của gia đình. Trong ngôi nhà này, cụ Sắc đã dành hai gian trang trọng để thờ vợ và tiếp khách. Bàn thờ được làm bằng liếp tre nứa, trên trải chiếu nhỏ đặt bát hương, cây nến và bài vị bằng gỗ giản dị. Gian thứ tư là nơi nghỉ của cụ Sắc với phản gỗ kê bên cửa sổ chính cùng chiếc án thư đã từng chứng kiến việc cụ dạy các con học chữ, cũng là chỗ để cụ cùng bà con xóm mạc quây quần bên ấm chè xanh. Đây cũng là nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung cùng anh chị tiếp nhận nhân cách cao thượng của cha, lòng nhân ái của mẹ. Hiện các kỉ vật còn được lưu giữ một cách khá đầy đủ.
Khu trưng bày và nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Khu trưng bày ở di tích Kim Liên ra đời từ 1970, gồm 3 phòng Đây là bảo tàng đầu tiên trong cả nước trưng bày tiểu sử của Bác. Sau khi hệ thống bảo tàng Hồ Chí Minh ra đời, việc trưng bày ở đây chuyển thành trưng bày bổ sung di tích với những giải pháp mĩ thuật độc đáo, sáng tạo nhằm tôn vinh các tài liệu, hiện vật, tạo được cảm xúc mới, hấp dẫn người xem. Toàn bộ phòng trưng bày tiểu sử của Bác trước đây được chuyển sang chủ đề hoàn toàn mới mẻ: tình cảm của đồng bào, đồng chí trong nước và bạn bè quốc tế đối với Bác và khu di tích Kim Liên với một không gian thoáng, đầy ánh sáng với những đường viền hoa sen diễn tả sự lan toả đậm đà của Bác Hồ, của quê nhà Kim Liên.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu DTLSVH Kim Liên Nam Đàn
Nhà tưởng niệm bổ sung thêm cho khu di tích hoàn thiện một mô hình mới trong hoạt động bảo tàng: mô hình Di tích - bảo tàng - tưởng niệm, góp phần quan trọng trong việc phát huy tình cảm thiêng của nhân dân đối với Bác và khả năng thu hút du khách muôn phương.
Khu mộ bà Hoàng Thị Loan
Mộ có từ năm 1942, do ông Nguyễn Sinh Khiêm chọn đất, được khởi công xây dựng lại vào ngày 19/5/1984 trên chính vị trí mộ mà ông Nguyễn Sinh Khiêm đã chọn; quanh mộ ốp đá hoa cương Liên Xô (cũ) và những phiến cẩm thạch từ mỏ đá Quỳ Hợp (Nghệ An), toàn ngôi mộ nằm trầm mặc và yên mát trong sự chở che của một giàn hoa giấy tốt tươi gồm 4 gốc do nhân dân tỉnh Đồng Tháp chiết từ khu mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - với ý nguyện để hai người mãi mãi bên nhau trong một cuộc hoà hợp vĩnh hằng.
Đây là khu di tích tiêu biểu gắn liền với một người Việt Nam tiêu biểu nhất: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng Dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới. Khu di tích Kim Liên thuộc địa phận xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, cách thành phố Vinh 13km, đi theo quốc lộ 46, bao gồm quê nội, quê ngoại Bác Hồ và lăng mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Người. Đến với Kim Liên, du khách sẽ có điều kiện để chứng kiến những kỉ vật, kỉ niệm thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được suy ngẫm về một con người vĩ đại, kết tinh của văn hoá Đông Tây kim cổ trong vẻ đẹp giản dị, thanh bình của một trong những điển hình làng quê Việt Nam.
Nguồn: Trung tâm xúc tiến du lịch Nghệ An