Đến với khu du lịch Cửa Lò, khách du lịch sẽ được thưởng ngoạn những cảnh quan đa dạng với một không gian nghỉ dưỡng thơ mộng của biển đảo, của những di tích danh thắng khác liền kề với khu du lịch Cửa Lò. Khách du lịch có thể lênh đênh trên mặt biển với chiếc cần câu săn con thu, con mực…và những chuyến điền dã bổ ích, thăm các di tích lịch sử, văn hóa như Chùa Ngư, đền thờ Nguyễn Sư Hồi, đền thờ và mộ Cương quốc công Nguyễn Xí, đền Cuông, núi Mộ Dạ (Diễn Châu), đình Trung Kiên, làng nghề đóng tàu ở Nghi Thiết, tham quan đảo Lan Châu, đảo Ngư và thưởng thức các đặc sản biển. Cách Cửa Lò khoảng 6km, khách du lịch sẽ đến với khu nghỉ dưỡng Bãi Lữ, dải bãi tắm thiên nhiên hoang sơ, cát trắng nước xanh. Hàng năm vào ngày 30/4, 1/5 nhân dân Cửa Lò lại tổ chức lễ hội sông nước Cửa Lò, khai trương mùa du lịch biển, thu hút hàng vạn du khách đến tham quanvà nghỉ dưỡng.
Bãi tắm Cửa Lò
Bãi tắm Cửa Lò thoai thoải, dài 10 km, cát mịn, nước trong, được tổ chức môi trường thế giới và Tổng cục du lịch Việt Nam đánh giá là một trong hai bãi tắm sạch và an toàn nhất Việt Nam. Về phía bắc, sát Cửa Lò có đảo Lan Châu, nơi vào năm 1936, vua Bảo Đại đã cho xây dựng lâu đài nghỉ dưỡng. Phía đông nam thị xã là đảo Song Ngư, ngoài khơi xa là núi Quỳnh Nhai cao 218m so với mặt biển với hai hòn nối nhau nhìn xa tựa như cặp mắt nên dân gian gọi là đảo Mắt hay Hòn Mắt. Cửa Lò đẹp ở vẻ non xanh nước biếc, và đẹp với nhiều kí ức về truyền thống văn hiến của người Nghệ.
Quang cảnh thị xã Cửa Lò
Hoàng hôn trên biển Cửa Lò
Quảng trường Bình Minh, Thị xã Cửa Lò
Trong và quanh khu vực thị xã là một quần thể di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia như đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí, đền thờ Thái uý Nguyễn Sư Hồi (con trai trưởng của Nguyễn Xí), có đình Trung Kiên, có chùa Song Ngư và những câu chuyện, những sự tích về truyền thống hiếu học, khổ học thành tài như tấm gương Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhu, Phó bảng Hoàng Văn Cư, Thái y Hoàng Nguyên Lê, danh y Hoàng Nguyên Cát, Chánh Ngự y Hoàng Văn Dụ…
Đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí
Đền rất mực nguy nga, hấp dẫn, hẳn không còn nhiều trên mảnh đất Nghệ An, thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí, nằm ở xã Nghi Hợp, thuộc huyện Nghi Lộc. Đền hiện tồn còn gần như nguyên trạng với nhiều hạng mục công trình hoành tráng như bảng hổ, tứ trụ, cầu ao, tam quan với cột đèn, tả hữu môn và chính môn với vẻ đẹp kiến trúc cổ xưa. Trong đền còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử - văn hoá và nghệ thuật cao: bia đá “Thái sư Cương Quốc công di huấn”, “Thái sư Cương Quốc công bi kí” do Trạng nguyên Nguyễn Trực phụng chỉ vua Lê Thánh Tông soạn; “Tự điền cận hiệu tính miếu quy chế”; kiệu rồng, hạc đứng, tượng hổ sư bằng gỗ mít, chuông đồng, cuốn thư sơn son thiếp vàng, câu đối, hoành phi, văn bia; các đồ tế khí như long ngai, khám thờ, thần chú, mâm cổ bồng, cọc sáp, ống hương, mâm tiến tự… bằng gỗ; độc bình, bát hương, chén tống, nậm rượu hoặc bằng sứ, hoặc bằng đất nung; các đồ đồng và nhất là chén ngà.
Đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí
Nằm chung trong quần thể di tích đền Nguyễn Xí, cách đó về phía đông chừng 5000m là mộ Nguyễn Xí và cụ thân sinh Nguyễn Hội hiện vẫn giữ nguyên trạng đắp đất không xây gạch mà trụ mãi cùng tuế nguyệt.
Đền thờ Nguyễn Sư Hồi (đền Vạn Lộc)
Toạ lạc tại phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, đền thờ Thái uý Đô đốc tướng quân Nguyễn Sư Hồi, đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia năm 1991.
Đền thờ Nguyễn Sư Hồi (đền Vạn Lộc)
Là con trai trưởng của Cương Quốc công Nguyễn Xí, Nguyễn Sư Hồi tỏ ra là một vị tướng tài năng, dưới triều Lê Thánh Tông, ông được cử giữ chức Thiếu uý Nhập nội Quận công, đem thuỷ binh về xây dựng căn cứ hải quân ở Cửa Lò, tiếp đó ông được cử trấn thủ thập nhị hải môn, quản lí 12 cửa lạch từ Sầm Sơn (Thanh Hoá) đến Cửa Tùng (Quảng Trị). Nguyễn Sư Hồi mất ngày 26/ 5 năm Bính Dần (1506). Nhân dân làng Vạn Lộc, Tấn Lộc nhớ ơn ông nên lập đền cúng tế. Đền thờ Nguyễn Sư Hồi nằm trong khuôn viên đẹp, có nhiều cây xanh, có đủ thượng điện, trung điện, hạ điện theo cấu trúc truyền thống. Đến thăm đền thờ Nguyễn Sư Hồi, du khách có thể được tắm mình trong làn gió mặn mòi của biển cả. Cách đấy chừng 2km là trung tâm thị xã - đô thị du lịch Cửa Lò.
Đảo Ngư và chùa Song Ngư
Cách bãi tắm Cửa Lò 4km về phía biển khơi là đảo Song Ngư. ứng với tên gọi ấy, đảo có hai hòn lớn nhỏ. Hòn lớn cao chừng 133m, hòn nhỏ cao 88m so với mặt nước biển, trông như hình hai con cá đang nổi trên mặt nước. Dân địa phương thường gọi vắn tắt là hòn Ngư hay đảo Ngư.
Bãi chùa nằm phía tây đảo Song Ngư, có chùa Ngư nổi tiếng linh thiêng, trong đó chùa thượng, chùa hạ được xây dựng ở thế kỉ thứ VIII. Chùa vừa thờ Phật, vừa thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn - một danh tướng triều Trần được truyền tụng với khá nhiều huyền tích trong dân gian. Nội thất của chùa bài trí khá phong phú, các xà hạ được khắc chạm tứ linh rất đẹp, giàu giá trị kĩ, mĩ thuật. Trải qua hàng ngàn năm, chùa bị hư hại khá nhiều, năm 2004 đã đưược phục dựng. Trong bóng trời lồng lộng, vườn chùa xanh mướt ba cây cổ thụ gồm một cây dới và hai cây lộc vừng. Trong chùa còn có giếng nước ngọt.
Cây lộc vừng trên Đảo Ngư
Ngoài du lịch tắm biển, quý khách đến đây còn có cơ hội tham gia leo núi, du ngoạn bằng thuyền quanh đảo, thăm khu nuôi cá giò đảo Ngư. Khu đảo trở thành một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách Cửa Lò.
Làng nghề đóng tàu, thuyền Trung Kiên
Làng Trung Kiên trước có tên là Hùng Lao, nổi tiếng với nghề đóng tàu thuyền, từ xa xưa đã từng được giao đóng thuyền cho triều đình. Trong thời kì dân tộc Việt Nam tiến hành các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mĩ, Trung Kiên lại là một trong những xưởng sản xuất quan trọng cho ra lò những chiếc tàu, thuyền phục vụ cách mạng. Đã có lúc người Pháp ném bom thiêu rụi làng (1952), nhưng Trung Kiên vẫn tồn tại, vẫn đắm đuối, bền bỉ với nghề truyền thống của mình.
Tàu được đóng ở Làng nghề đóng tàu Trung Kiên
Trước đây, Trung Kiên đóng tàu bằng kĩ thuật và phương tiện thủ công. Ngày nay, Trung Kiên đóng tàu với kĩ thuật cao, nhất là loại tàu thuyền công suất lớn. Người Trung Kiên biết kết hợp kĩ thuật hiện đại với kinh nghiệm quý báu từ truyền thống, với một hợp tác xã gồm 30 tổ hợp quy tụ được sức mạnh tổng hợp, để sản xuất được một lượng tàu thuyền lớn, chất lượng với doanh thu 15 - 20 tỉ đồng/năm. Từ những bàn tay to lớn, thô ráp, sần sùi, những chiếc thuyền dẫu nhỏ như thuyền te, thuyền giã, thuyền câu đến những chiếc tàu vài trăm mã lực ra đời, cập khắp mọi bến bờ trong nước, nay mai còn sang những Quảng Đông, Quảng Tây và nhiều nơi khác nữa.
Nguồn: Trung tâm xúc tiến du lịch Nghệ An