Hội nghị triển khai thực hiện Kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Chiều 9/4, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; rà soát, xử lý công trình, nhà đất là tài sản công khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính; rà soát các dự án, công trình, trụ sở đang xây dựng hoặc đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng chịu tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính. Đồng chí Bùi Văn Khắng - Thứ trưởng Bộ Tài chính chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Hoàng Phú Hiền - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan.

Anh-tin-bai

Quang cảnh điểm cầu Nghệ An

Việc bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản phải phù hợp với đối tượng quản lý; tận dụng tối đa nguồn lực của tài sản hiện có nhưng phải có tầm nhìn dài hạn

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Bộ Tài chính trình bày dự kiến xây dựng phương án bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản công khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị hành chính thuộc đối tượng sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện kiểm kê, phân loại, lập danh sách và dự kiến phương án sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Việc xây dựng phương án bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản công phải được thực hiện đồng thời với quá trình xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.

Việc bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản phải phù hợp với đối tượng quản lý, sử dụng, tính chất, đặc điểm của tài sản, tận dụng tối đa nguồn lực của tài sản hiện có nhưng phải có tầm nhìn dài hạn để phục vụ mục tiêu lâu dài; ưu tiên điều hòa, bố trí tài sản giữa các đơn vị hành chính cấp cơ sở mới trong địa phương, trường hợp cần thiết phải chuyển đổi công năng sử dụng của tài sản thì cho phép chuyển đổi công năng để sử dụng phục vụ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp…

Đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp: Ưu tiên bố trí trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện (sau khi bỏ cấp huyện) cho đơn vị hành chính cấp cơ sở nơi đóng trụ sở hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị khác của Nhà nước có nhu cầu. Thực hiện hoán đổi trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan Trung ương trên địa bàn có trụ sở dôi dư, thừa diện tích so với tiêu chuẩn, định mức để bảo đảm điều kiện làm việc cho tổ chức, đơn vị các cấp nhằm tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp sẵn có trên địa bàn. Đối với các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi đã bố trí, sắp xếp được thực hiện theo các hình thức xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công…

Anh-tin-bai

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến từ điểm cầu Bộ Tài chính đến điểm cầu của các địa phương

Về lộ trình, Bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh tổng hợp kết quả Tổng kiểm kê và gửi về Bộ Tài chính trước ngày 10/5/2025; Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo kết quả Tổng kiểm kê, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/5/2025. Các Bộ, cơ quan Trung ương có trách nhiệm rà soát và thông báo cho UBND cấp tỉnh về các trụ sở dôi dư, thừa diện tích so với tiêu chuẩn, định mức trước ngày 30/4/2025. Đơn vị hành chính mới có trách nhiệm rà soát, xử lý tài sản dôi dư theo quy định trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính.

Tại hội nghị, các Bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tham gia góp ý kiến về dự kiến xây dựng phương án bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản công khi sắp xếp đơn vị hành chính; nêu những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện.

Các đại biểu kiến nghị, khi bố trí các trụ sở làm việc cho các đơn vị hành chính mới không tính đến định mức, tiêu chuẩn theo quy định mà tận dụng tối đa nguồn lực, tính chất, đặc điểm của tài sản hiện có. Đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật quy hoạch để các địa phương có thể điều chỉnh ngay quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng đối với các cơ sở nhà, đất dôi dư sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính. Từ đó, các địa phương có cơ sở thực hiện xử lý ngay các cơ sở nhà, đất dôi dư để tránh lãng phí và tạo nguồn lực đầu tư, xây dựng, cải tạo các trụ sở cũ. Trong khi chưa điều chỉnh quy hoạch, kiến nghị cho phép tạm thời chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng của các trụ sở, cơ sở làm việc mà không cần thực hiện sắp xếp lại nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính phát sinh, sớm đảm bảo hoạt động tổ chức của cơ quan, đơn vị sau sắp xếp…

Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình rà soát, bố trí, xử lý nhà đất… do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính tại Nghệ An

Anh-tin-bai

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Phú Hiền chủ trì tại điềm cầu Nghệ An

Nghệ An là tỉnh có diện  tích lớn nhất cả nước (hơn 16,4 nghìn km2), có số đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã nhiều (đến thời điểm này tỉnh có 20 đơn vị hành chính cấp huyện, 412 đơn vị hành chính cấp xã) với số lượng cơ sở nhà, đất phải sắp xếp lại rất lớn (4.258 cơ sở gồm 360 cơ sở cấp tỉnh, 388 cơ sở cấp huyện và 3.510 cơ sở cấp xã). Thực hiện Kết luận số 137-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, dự kiến tổng số cơ sở nhà, đất sau khi sắp xếp, tổ chức khoảng 3.491 cơ sở.

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Nghệ An

Từ thực trạng trên, trong quá trình rà soát, bố trí, xử lý nhà đất và các dự án công trình chịu sự tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính tại địa phương còn một số khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất, nhiều cơ sở nhà, đất còn thiếu hồ sơ pháp lý (nhất là hồ sơ pháp lý về đất đai tại các đơn vị cấp xã), có nhiều trường hợp chưa được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất. Phần lớn mục đích sử dụng của các cơ sở nhà đất dôi dư sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính đều không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Công tác rà soát, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch có liên quan khác phải thực hiện điều chỉnh theo từng thời kỳ quy định của pháp luật chuyên ngành nên việc sắp xếp, bố trí, xử lý nhà, đất sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian.

Thứ hai, tỉnh Nghệ An có địa hình đa dạng, khu vực miền núi chiếm gần 3/4 tổng diện tích toàn tỉnh. Do tại khu vực miền núi (như các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong) điều kiện giao thông hạn chế, thời gian và chi phí đi lại lớn, nhất là vào mùa mưa lũ; việc thay đổi địa giới hành chính khiến cho trụ sở của đơn vị hành chính mới có thể không còn nằm ở vị trí trung tâm, tăng khoảng cách, thời gian đi lại, gây bất tiện cho người dân từ các khu vực bị sáp nhập khi tiếp cận các dịch vụ công. Vì vậy, việc bố trí trụ sở mới nếu không được cân nhắc kỹ về yếu tố khoảng cách, hạ tầng giao thông và mật độ dân cư sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả phục vụ của bộ máy hành chính, làm suy giảm chất lượng tiếp cận dịch vụ của người dân, đi ngược lại mục tiêu cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Thứ ba, tính chất, đặc điểm, quy mô các trụ sở cũ trước khi sát nhập không phù hợp với tính chất, đặc điểm, quy mô trụ sở đơn vị hành chính mới do cơ cấu tổ chức bộ máy mới và chức năng, nhiệm vụ đơn vị hành chính mới lớn và khác hơn nhiều so với trước đây, nên sau khi bỏ cấp huyện, sáp nhập các xã thì trụ sở các xã vừa thừa, vừa thiếu (thừa số lượng trụ sở nhưng thiếu diện tích, công năng sử dụng tại các trụ sở cũ. Dẫn đến việc xây dựng phương án sắp xếp (lựa chọn, bố trí) các trụ sở làm việc mới rất khó khăn. Trước mắt, trong thời gian đầu sau sáp nhập, có thể phải sử dụng đồng thời trụ sở của các xã cũ, dẫn đến phát sinh một số khoản kinh phí hoạt động…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Văn Khắng - Thứ trưởng Bộ Tài chính đánh giá cao những kết quả các Bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong sắp xếp, sử dụng tài sản công. Đây là việc rất khó, chưa có tiền lệ, sắp xếp khối tài sản lớn, các dự án đầu tư công đang triển khai phải dừng lại, chuyển công năng, chuyển chủ đầu tư… Chính vì vậy, cần có nguyên tắc rà soát, sắp xếp kỹ lưỡng, thận trọng, linh hoạt vì cơ chế, chính sách cũng chưa bao phủ hết, nếu chưa sửa được Luật thì cần có cơ chế, chính sách phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát số liệu Cục Thống kê, để khi giải quyết việc sắp xếp tài sản không gây ra tình trạng thất thoát, lãng phí. Trong quá trình sắp xếp cần có một cơ quan đầu mối để tổng hợp, điều phối, bảo quản tài sản, tránh tình huống phát sinh.

Tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính giao các đơn vị liên quan nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công phục vụ cho nội dung sắp xếp. Đây là nội dung khó, phức tạp, yêu cầu thực hiện nhanh, “vừa chạy vừa xếp hàng” vì vậy, Thứ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu người đứng đầu các địa phương phải trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Kim Oanh

 

 

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
© Cổng TTĐT Nghệ An
image advertisement
image advertisement
Thăm dò ý kiến
Đánh giá mức độ hài lòng về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử Nghệ An
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 1
    • Hôm nay: 1
    • Trong tuần: 1
    • Tất cả: 1
     

    Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

    Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

    Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

    Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

     

    Liên hệ

    Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

    Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

     Điện thoại: 02383.557.565

     Email: banbientap@nghean.gov.vn

     fb.com/congthongtindientutinhnghean

     Đăng nhập