Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An thảo luận tại tổ về các dự án luật
Đoàn ĐBQH Nghệ An đã có nhiều ý kiến góp ý thiết thực, tập trung vào
việc hoàn thiện Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và các luật liên quan đến tố
tụng.
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ
Chiều
12/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về: Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu
cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng
dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên,
Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Dự án Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND;
việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 -
2026.
Thảo luận tại Tổ 4 cùng các đoàn: thành phố Hải Phòng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An có 3 ý kiến.
Góp ý về thẩm quyền giải quyết khi tổ chức TAND 3 cấp
Cơ
bản đồng tình với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật
Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành
niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, ông Trần Nhật
Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An cho rằng, các nội dung sửa đổi là
cần thiết nhằm điều chỉnh về thẩm quyền giải quyết các loại án dân sự,
hành chính để phù hợp với mô hình tổ chức Tòa án, Viện Kiểm sát theo 3
cấp.
Nội dung trọng tâm là việc chuyển đổi thẩm quyền khi không
còn tổ chức Tòa án nhân dân (TAND ) cấp huyện, cấp cao sang TAND khu
vực, TAND tỉnh và TAND Tối cao.
Trong đó, liên quan đến sửa đổi tại Bộ luật Tố tụng dân sự, đại biểu
nhận xét: Thẩm quyền của các tòa chuyên trách trong TAND khu vực chưa
được quy định rõ đối với tranh chấp, yêu cầu về lao động. Theo quy định
hiện hành, các tranh chấp và yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền giải
quyết của TAND cấp huyện.
Tuy nhiên, theo cơ cấu tổ chức của TAND
khu vực trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức
TAND, không có tòa chuyên trách về lao động. Vì vậy, đại biểu đề nghị
bổ sung thẩm quyền này cho Tòa dân sự thuộc TAND khu vực.
Đại biểu
đề nghị quy định rõ, đối với TAND khu vực chưa có tòa chuyên trách thì
Chánh án TAND khu vực là người chịu trách nhiệm tổ chức công tác xét xử
và phân công thẩm phán giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền.
Đại
biểu Trần Nhật Minh cũng nêu một số ý kiến xung quanh việc chuyển tiếp
xử lý các vụ án khi hoạt động theo mô hình mới gồm 3 cấp: tối cao, cấp
tỉnh, cấp khu vực.
Ông Trần Nhật Minh cũng bày tỏ sự đồng tình với
nội dung Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc
hội khóa XV và nhiệm kỳ đại biểu HĐND các cấp 2021- 2026.
Bảo vệ trẻ em trong môi trường số
Góp
ý Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, ông Phạm Phú Bình - Ủy viên là
ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại
của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An góp ý một số nội dung, đặc biệt liên
quan đến quy định xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em.
Đại biểu đồng tình với quan điểm nên ưu tiên ý kiến của người đại
diện theo pháp luật trong việc quyết định xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ
em, bởi đây là nhóm yếu thế, chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; tuy
nhiên, cần nghiên cứu, rà soát lại cho phù hợp tránh trùng lặp, thiếu
nhất quán.
Đại biểu đề nghị rà soát lại khái niệm "trẻ em" trong
hệ thống pháp luật. Bộ luật Dân sự hiện hành không sử dụng khái niệm này
mà quy định "người chưa thành niên", chia làm 3 nhóm dưới 6 tuổi, từ 6
đến dưới 15 tuổi và từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi. Trong khi đó, Luật Trẻ em
năm 2016 xác định trẻ em là người dưới 16 tuổi, còn Công ước Liên hợp
quốc về quyền trẻ em năm 1989 mà Việt Nam là thành viên từ năm 1990 định
nghĩa trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ khi luật quốc gia quy định tuổi
thành niên sớm hơn. Đại biểu đề nghị dự thảo cần hài hòa, đồng bộ với
pháp luật quốc tế và các luật hiện hành.
Đại biểu cho rằng, với
thực trạng trẻ em sử dụng mạng xã hội từ rất sớm, việc bảo vệ dữ liệu cá
nhân là cấp thiết. Luật cần đưa ra các biện pháp mạnh mẽ, cụ thể và khả
thi hơn để bảo vệ trẻ em trong môi trường số.
Vị đại biểu đoàn
Nghệ An cũng góp ý về quy định liên quan đến xóa dữ liệu cá nhân. Dự
thảo hiện quy định thời hạn 72 giờ để xóa toàn bộ dữ liệu theo yêu cầu
chủ thể là chưa thực tế, nhất là với các doanh nghiệp có hệ thống dữ
liệu phức tạp.
Ngoài ra, Luật cần bổ sung quy định cho phép xóa
từng phần dữ liệu, chẳng hạn như thông tin thẻ tín dụng đã lưu sau giao
dịch, nhằm tăng tính linh hoạt và bảo vệ tốt hơn quyền riêng tư của cá
nhân.
Phát biểu tại phiên thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu
cá nhân, Thiếu tướng Trần Đức Thuận, với góc độ là Ủy viên, là ĐBQH hoạt
động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc
hội, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật đã cung cấp thêm một số nội
dung trong quá trình thẩm tra và mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý
cụ thể, sâu sắc từ các ĐBQH nhằm hoàn thiện dự luật bảo đảm cả tính khả
thi, chất lượng.
Theo Thiếu tướng, đây là một dự án luật khó, được xây dựng trong bối
cảnh Việt Nam mới có 2 năm thực hiện Nghị định 13 của Chính phủ về bảo
vệ dữ liệu cá nhân. Thực tiễn triển khai chưa đủ dài để đánh giá toàn
diện các thuận lợi và vướng mắc.
Theo đại biểu, tính phức tạp của
dự luật đến từ cả nội dung chuyên môn lẫn yếu tố kỹ thuật lập pháp.
Ngoài ra, các quan điểm quốc tế về bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện vẫn chưa
thống nhất và bị chi phối bởi bối cảnh chính trị, xã hội riêng. Do đó,
Việt Nam không thể sao chép mô hình nước ngoài một cách máy móc, mà cần
xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn, cân bằng giữa bảo
vệ quyền con người và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Dự
luật đề xuất 11 quyền và 3 nghĩa vụ của cá nhân liên quan đến dữ liệu cá
nhân; đồng thời, quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc
bảo vệ quyền cá nhân.
Trong quá trình thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng,
An ninh và Đối ngoại đã tổ chức khảo sát sâu tại 6 nhóm lĩnh vực trọng
yếu gồm: công nghệ thông tin, thương mại điện tử, tài chính – ngân hàng,
y tế, giáo dục và hành chính công.
Tuy nhiên, qua khảo sát, nhiều
cơ quan, tổ chức bày tỏ lo ngại về chi phí tuân thủ cao, tính khả thi
thấp nếu luật được ban hành như dự thảo hiện tại. Ví dụ, quy định xóa dữ
liệu trong vòng 72 giờ được ngân hàng đánh giá có thể khiến họ tiêu tốn
hàng nghìn tỷ đồng để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và nhân sự.
Hay số quyền như: “quyền được biết”, “quyền đồng ý”, “quyền rút lại
sự đồng ý” hay “quyền yêu cầu xóa dữ liệu” trong dự thảo luật đang vấp
phải nhiều băn khoăn. Đại biểu nêu rõ: Quyền được biết cần xác định phạm
vi cụ thể, cá nhân có thể biết đến đâu, trong quan hệ giữa những bên
nào; tránh lạm dụng, đặc biệt trong các lĩnh vực thuộc phạm vi an ninh,
tối mật.
Tương tự, quyền rút lại sự đồng ý hay yêu cầu xóa dữ liệu
cũng cần xác lập cơ chế chứng minh rõ ràng, tránh phát sinh tranh chấp
và đảm bảo tính khả thi, đặc biệt trong các giao dịch tài chính, ngân
hàng, nơi có yêu cầu lưu trữ dữ liệu bắt buộc.
Trên cơ sở tiếp thu
ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia và đại biểu Quốc hội, Ủy
ban đã tiến hành chỉnh lý bước đầu đối với dự thảo luật. Trong thời gian
tới, căn cứ vào kết quả thảo luận tại tổ và tại hội trường, Ủy ban sẽ
tiếp tục rà soát, hoàn thiện các nội dung còn ý kiến khác nhau để bảo
đảm dự thảo luật có tính khả thi, thống nhất và phù hợp với thực tiễn
triển khai khi được ban hành.
Nguồn: baonghean.vn (12/05/2025)