Với việc triển
khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển kinh tế - xã hội,
tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong bảo đảm, nâng cao vai trò
và vị thế của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống xã hội. Các đơn vị, địa phương
trên địa bàn tỉnh cũng đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật,
qua đó góp phần chuyển đổi hành vi, quan niệm về bình đẳng giới, giảm khoảng
cách và xóa bỏ định kiến về giới tại các vùng, miền.
Những năm qua, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày
20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình
mới, Chiến lược, chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới giai đoạn 2021 –
2025, tầm nhìn đến năm 2030 được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo
tổ chức thực hiện. Theo đó, các Sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép
các nội dung về bình đẳng giới, các chỉ tiêu về phụ nữ vào trong các kế hoạch,
nghị quyết để triển khai thực hiện hiệu quả. Các đơn vị, địa phương trên địa
bàn tỉnh luôn quan tâm tổ chức các hoạt động truyền thông về công tác bình đẳng
giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN), cao điểm vào các ngày lễ Quốc
tế phụ nữ 8/3, ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, ngày
thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10, tổ chức Tháng hành động vì bình
đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, hưởng ứng “Tháng hành động
quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”, ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối
với phụ nữ và trẻ em gái 25/11 đạt kết quả tốt, có sức lan toả mạnh mẽ.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới
thường xuyên được quan tâm, nhất là vào dịp ngày lễ 08/3, 20/10 và cao điểm là
tháng hành động bình đẳng giới có nhiều địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai
nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với vùng miền, đối tượng. Đặc biệt, năm 2024,
phương pháp truyền thông có sự đổi mới, Ban VSTBPN tỉnh tổ chức thành công các
hội thi “tìm hiểu kiến thức pháp luật về bình đẳng giới” cho 03 trường THPT và
02 trường trung cấp nghề với sự tham gia của 500 em thí sinh và gần 5.000 cán
bộ, giáo viên, học sinh các nhà trường tham gia. Tập trung thành lập các câu
lạc bộ và tiếp tục duy trì triển khai các hoạt động mô hình, qua đó góp phần
triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới nói chung và công tác phòng ngừa,
ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói riêng.
Sự phối hợp liên ngành trong thực hiện công tác bình đẳng giới, VSTBPN ngày
càng chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả. Ban VSTBPN từ cấp tỉnh đến cơ sở
được quan tâm kiện toàn, đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới tiếp tục
phát huy năng lực và trách nhiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện,
góp phần nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Tỉnh đã triển khai thực hiện các nội dung của Chương
trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và
quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030”. Từ đó, nhận
thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác phụ nữ đã
có sự chuyển biến tích cực. Tỷ lệ nữ tham gia vào các cấp ủy, giữ các chức vụ
chủ chốt của tỉnh, huyện, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ngày càng nhiều,
nhất là cấp trưởng, cấp phó ngày càng tăng lên. Hiện nay, 100% các Sở, ban,
ngành đoàn thể cấp tỉnh, các trường Đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn tỉnh và
21/21 huyện, thành, thị, 412/412 xã phường, thị trấn đều thành lập Ban VSTBPN
tại cơ quan, đơn vị, địa phương theo đúng quy định. Phụ nữ vùng nông thôn
nghèo, dân tộc thiểu số đã được vay vốn ưu đãi, đặc biệt, hầu hết phụ nữ làm
chủ hộ đã được vay vốn phát triển sản xuất, được tạo điều kiện ổn định cuộc
sống, vươn lên thoát nghèo và nâng cao tính bền vững trong xoá đói giảm nghèo.
Từ
việc thực hiện lồng ghép có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới
vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã góp phần thúc đẩy các lĩnh
vực chính trị, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hoá - thông tin, thể dục thể thao,
gia đình phát triển, củng cố quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh. Đã có 17/22
chỉ tiêu thuộc 6 mục tiêu của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn
2021 - 2025 đạt và vượt kế hoạch đề ra, chiếm tỷ lệ 77,2%.
Bên
cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện một số nội dung của
chiến lược chương trình, kế hoạch bình đẳng giới ở một số địa phương, đơn vị
chưa sâu rộng, đồng bộ, còn thiếu công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám
sát. Phụ nữ ở những khu vực nghèo, khả năng tiếp cận với các công cụ pháp lý,
chính sách còn hạn chế, vẫn tồn tại thái độ thụ động, mặc cảm, tự ti, chưa có ý
chí phấn đấu vươn lên, chưa nhận thức được tầm quan trọng của bình đẳng giới và
công tác đấu tranh chống lại tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở
giới…
(Theo báo
cáo số 34/BC-UBND ngày 16/1/2025 của UBND tỉnh về kết quả thực hiện luật pháp,
chính sách về bình đẳng giới năm 2024 trên địa bàn tỉnh)
T.H (tổng hợp)