Nghệ An: Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững tiếp tục được triển khai đồng bộ, đảm bảo đúng nội dung
Theo báo cáo số 886/BC-UBND ngày
18/11 của UBND tỉnh, trong những năm qua, việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững
trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai đồng bộ, đảm bảo đúng nội dung, thực
hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm. Các dự án, hoạt động của Chương trình đều
hướng tới hỗ trợ người nghèo có sinh kế, việc làm, thu nhập và chủ động vươn
lên thoát nghèo bền vững.
Năm
2024, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo,
chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các Sở, ban, ngành, đoàn thể
chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; nhất là đã tạo được sức lan tỏa, sự đồng
thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Nhận thức của
các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân được nâng lên và có chuyển biến rõ
rệt; mục tiêu giảm nghèo trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong lãnh
đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.
Công
tác kiểm tra, giám sát tiếp tục được tăng cường, UBND tỉnh, các Sở, ngành đã tổ
chức các cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo
bền vững trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch.
Năm
2024, số vốn thực hiện Chương trình tại tỉnh là 883.200,92 triệu đồng. Trong
đó, vốn năm 2022, 2023 kéo dài sang năm 2024 là 146.508,27 triệu đồng, đạt tỷ
lệ 52,42%; lũy kế giải ngân đến thời điểm 31/10/2024 là 783.681,35 triệu đồng,
đạt 85,50%. Từ nguồn vốn
được đầu tư, đã có rất nhiều chương trình, dự án, tiểu dự án được thực hiện góp
phần nâng cao mức sống, hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn
văn hóa… trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đầu năm 2024 giảm còn
5,19%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn 29,09%. Dự kiến cuối năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn khoảng 4,12%
(giảm 1,07% so với đầu năm).
Nổi
bật, thực hiện hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện
nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (Dự án 1)
đã bố trí cho 39 công trình, hỗ trợ duy tu và bảo dưỡng các công trình phục vụ
sản xuất và dân sinh trên địa bàn các huyện. Dự án được triển khai góp phần xây
dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn
các huyện nghèo; hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao
chất lượng cuộc sống cho người dân tại các huyện nghèo.
Cùng
với đó, việc triển khai đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (Dự
án 2) đã tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập cho người nghèo, góp phần
tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo bền vững. Trong đó, các cấp, ngành đã thực hiện
73 mô hình, trong đó có 02 mô hình trồng trọt, 71 mô hình chăn nuôi với 6.584
hộ dân được tham gia.
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh
vực nông nghiệp (Dự án 3) đã hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư,
diêm nghiệp; đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng
công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, tăng thu nhập; gắn
với quy hoạch sản xuất, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương theo
hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất,
phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, tạo giá trị gia
tăng cho người sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Dự
án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững (Dự án 4) đã tổ chức đào
tạo nghề cho 4.724 lao động; có 03 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hỗ trợ đầu
tư xây dựng cơ sở hạ tầng; 06 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hỗ trợ mua sắm
thiết bị, phương tiện đào tạo; xây dựng, chỉnh sửa 20 bộ chương trình đào tạo;
tổ chức 21 đoàn hướng nghiệp gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp cho
hơn 1.000 học sinh; tổ chức 60 cuộc điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học
nghề; hơn 60.000 người được tư vấn hướng nghiệp. Việc triển khai dự án góp phần
phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào
tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, tạo
điều kiện tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống…
Bên cạnh
những kết quả đạt được, tiến độ thực hiện giải ngân
nguồn vốn Chương trình MTQG chậm, đạt tỷ lệ thấp, nhất là vốn mới được giao năm
2024. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo một số địa phương, cơ sở còn chưa thường
xuyên, chưa kiện toàn Ban Chỉ đạo kịp thời; trong quá trình tổ chức thực hiện,
một số địa phương còn lúng túng, kết quả đạt thấp, hiệu quả chưa cao…
Thời
gian tới, tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành thực
hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Tập trung đôn
đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương
trình để giải ngân vốn theo kế hoạch đề ra.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao
nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người
dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo
bền vững. Phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương
ái” của dân tộc ta đối với người nghèo. Khơi dậy ý chí tự lực tự cường của
người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp
đỡ của Nhà nước và xã hội. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế, mô
hình giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững nhất là ở các huyện
nghèo. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương
trình ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các
biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực
hiện Chương trình…
T.H (tổng
hợp)