Giai đoạn 2023-2024, toàn tỉnh đã đưa 46.157 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2023-2024,
toàn tỉnh đã đưa được 46.157 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Số ngoại tệ gửi về cho người thân khoảng 600 - 650 triệu USD/năm góp phần quan
trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thời gian qua, các cấp ủy Đảng,
Chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí,
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền, phổ
biến những nội dung cơ bản, cốt lõi của Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài
trong tình hình mới và các văn bản của tỉnh đến đoàn viên, hội viên và
Nhân dân, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm trong lãnh
đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với chính quyền các cấp, tổ chức, doanh
nghiệp và người dân về mục đích, ý nghĩa của công tác đưa người lao động Việt
Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có
02 doanh nghiệp được Bộ LĐTB&XH đã cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao
động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Sở LĐTB&XH đã ban hành văn bản
giới thiệu cho trên 50 doanh nghiệp vào địa phương tuyển chọn, tạo nguồn lao
động đi làm việc ở nước ngoài. Các cơ quan, địa phương, đơn vị thường xuyên
phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp trong quá trình
tư vấn, tuyển chọn lao động. Chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, kịp
thời phối hợp giải quyết trong tổ chức triển khai thực hiện.
Hầu hết, các công ty, doanh
nghiệp đều thực hiện tốt công tác phối hợp với Ban Chỉ đạo xuất khẩu lao động
các cấp, Phòng LĐTB&XH các huyện, thành phố và Trung tâm Dịch vụ việc làm
tỉnh trong việc tổ chức tuyên truyền, tư vấn, tuyển chọn lao động, nhất là
trong việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ hỗ trợ cho người lao động đủ điều kiện
xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài thuộc đối tượng hưởng chế độ chính sách theo
quy định. Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung tìm kiếm, mở rộng thị trường lao động
ngoài nước, chú trọng các thị trường lao động có thu nhập cao, an ninh chính
trị ổn định, phù hợp với trình độ tay nghề của lao động địa phương.
Các chính sách ưu đãi đối với
người lao động đi làm việc tại nước ngoài được hỗ trợ đầy đủ như: Hỗ trợ vay vốn
thông qua các chính sách ưu đãi tín dụng tại Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã
hội tỉnh; Hỗ trợ người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách Chương
trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu
số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và
Tiểu Dự án 2 thuộc Dự án 4 - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
giai đoạn 2021 – 2025...
Các cơ quan chức năng thường
xuyên nắm bắt theo dõi tình hình người lao động đi làm việc ở nước ngoài, kịp
thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và đưa ra các giải pháp trong công tác quản lý
lao động. Thực hiện tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương và gia
đình người lao động để tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện đúng hợp
đồng lao động, về nước đúng thời hạn nhằm hạn chế tối đa những rủi ro, hệ lụy
khi ở lại làm việc bất hợp pháp. Đến nay, hầu hết các lao động của tỉnh đi làm
việc ở nước ngoài đều được các chủ sử dụng nước sở tại đánh giá là chăm chỉ;
làm việc năng động, sáng tạo, có thái độ tuân thủ pháp luật và hợp đồng đã ký,
chưa có những vấn đề phát sinh đáng tiếc xảy ra, gây ảnh hưởng xấu đến công tác
xuất khẩu lao động của tỉnh.
Trong giai đoạn 2023-2024,
toàn tỉnh đã đưa được 46.157 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng,
tập trung chủ yếu ở các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và một số
nước khác.
Lao động đi làm việc ở nước
ngoài có thời hạn theo hợp đồng được đào tạo ngoại ngữ, học định hướng và có
trình độ tay nghề chiếm khoảng trên 60% (chủ yếu là nghề cơ khí, hàn, thợ giàn
giáo, ốp lát, may mặc, điều dưỡng, hộ lý, giúp việc gia đình); còn lại là lao
động phổ thông chưa qua đào tạo nghề; có khoảng 7% lao động là sinh viên đã tốt
nghiệp cao đẳng và đại học cũng tham gia đi xuất khẩu lao động, tập trung các
ngành kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, chế tạo máy, tin học và điều dưỡng viên có
trình độ từ cao đẳng trở lên. Mức thu nhập do người lao động đi làm việc ở các
nước chuyển về bình quân từ 17 đến 35 triệu/người/tháng. Nhiều người lao động
sau khi làm việc ở nước ngoài về nước có tay nghề cao, tiếp tục vào làm việc
tại các doanh nghiệp FDI, có mức thu nhập ổn định. Số ngoại tệ gửi về cho người
thân khoảng 600 đến 650 triệu USD/năm góp phần quan trọng vào việc phát triển
kinh tế - xã hội.
Đa số người lao động địa
phương đi làm việc ở nước ngoài đều chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật
nước sở tại, đoàn kết, có ý thức trách nhiệm, tinh thần dân tộc, đồng thời tích
cực quảng bá bản sắc văn hóa, hình ảnh, con người Nghệ An nói riêng và đất nước
nói chung đến bạn bè quốc tế.
Các cơ quan, đơn vị căn cứ
chức năng, nhiệm vụ được giao quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ
chức, cá nhân đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên
địa bàn, nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời; chủ động phòng ngừa, đấu
tranh đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách về người lao động đi làm
việc ở nước ngoài để dụ dỗ, lôi kéo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
bất hợp pháp…
PT (Tổng hợp)