image banner

image advertisement image advertisement

Truyền thanh cơ sở “ Cánh tay nối dài” của cơ quan báo chí

Tỉnh Nghệ An hiện có 424/460 xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh cơ sở hoạt động thường xuyên. Hệ thống này về cơ bản đã cung cấp kịp thời thông tin, kiến thức thiết yếu tới người dân, đặc biệt trong những tình huống khẩn cấp, cần thông tin nhanh như bão lũ, thiên tai, phòng chống dịch bệnh… Truyền thanh cơ sở được ví như “ Cánh tay nối dài” của Cơ quan báo chí.

Thời gian qua, hệ thống truyền thanh cơ sở có vai trò quan trọng, chuyển tải kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh và địa phương đến với người dân. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, ngoài thông tin tích cực, trên không gian mạng và một số bài viết của Báo chí vẫn tồn tại nhiều thông tin tiêu cực, chạy theo mục đích giật gân nhằm tăng lượng truy cập nên đã lan truyền những tin, bài có nội dung tiêu cực, thông tin về mặt trái của xã hội, thông tin phản cảm vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam thì hệ thống truyền thanh cơ sở càng cho thấy hiệu quả thiết thực, giúp người dân tiếp cận được những thông tin chính thống, chính xác, đồng thời truyền tải kịp thời những cảnh báo từ các ngành chức năng, địa phương nhanh nhất, rộng rãi nhất.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 424/460 xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh cơ sở hoạt động thường xuyên. Hệ thống này về cơ bản đã cung cấp kịp thời thông tin, kiến thức thiết yếu tới người dân, đặc biệt trong những tình huống khẩn cấp, cần thông tin nhanh như bão lũ, thiên tai, phòng chống dịch bệnh... Các đài truyền thanh ở cơ sở đã thực hiện tốt việc tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, đài tỉnh, đài huyện theo các khung giờ quy định. Trong tổng số 424 đài, có 138 đài ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông. Dự kiến hết năm 2024, số lượng đài ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông sẽ tăng lên gần 200 đài.

Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở là nguồn nhân lực, sản xuất nội dung thông tin. Để gỡ khó cho các đài truyền thanh cơ sở, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức phòng Văn hóa thông tin cấp huyện, công chức văn hóa cấp xã, cán bộ chuyên trách của các đài truyền thanh cơ sở. Mỗi năm số lượt người được tập huấn gần 500 người. Nội dung tập huấn tập trung hướng dẫn kỹ năng vận hành, khai thác, sử dụng các thiết bị kỹ thuật; các kiến thức đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; kỹ năng viết tin, bài gắn với các sự kiện chính trị và phong trào thi đua ở địa phương.

Anh-tin-bai

Chuyển đổi số giúp tăng hiệu quả tuyên truyền của các Đài truyền thanh cơ sở tại huyện Kỳ Sơn

Ngoài ra, hằng năm UBND tỉnh cũng tổ chức các cuộc Liên hoan truyền thanh cơ sở; đây là dịp để đánh giá lại chất lượng của đội ngũ cán bộ truyền thanh cấp xã, từ đó có kế hoạch, giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng truyền thanh cơ sở. Đồng thời cũng động viên các cán bộ là công tác tuyên truyền tại địa phương.  

Tại các địa phương trong tỉnh, hệ thống truyền thanh cơ sở luôn phát huy vai trò trong thực tiễn, không chỉ định hướng thông tin mà còn là phương tiện quan trọng để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các phong trào thi đua. Ông Dương Tuấn Đạt - cán bộ công chức văn hóa, Phòng Văn hóa thông tin huyện Đô Lương cho biết hệ thống truyền thanh ở cơ sở luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, tuyên truyền, phản ánh kịp thời các sự kiện thời sự chính trị nổi bật diễn ra trên địa bàn; kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, các phong trào thi đua yêu nước; cổ vũ các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Trong thời gian qua, truyền thanh cơ sở đã thực hiện tốt tuyên truyền và cung cấp đầy đủ các thông tin chính xác cho người dân, đặc biệt là các thông tin về lừa đảo trực tuyến để người dân chủ động phòng, tránh.

Anh-tin-bai

Chỉ cần một máy tính, Bà Đặng Thị Hoa, công chức văn hóa xã Đại Sơn, huyện Đô Lương có thể sản xuất và phát tin tuyên truyền nhờ ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông

Đến Quý II, năm 2024, huyện Đô Lương có 33/33 xã, thị trấn có đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông. Thời lượng tiếp sóng 2 buổi/ngày, buổi sáng từ 5h30 - 6h30, buổi chiều từ 17h30 - 18h30, tỷ lệ phủ sóng đạt 100%. Nhờ luôn bám sát nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương, hàng năm huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp phát 600 tin, bài của đài tỉnh, huyện, mỗi xã sản xuất được hơn 20 chương trình phát thanh, mỗi chương trình có thời lượng khoảng 30 phút, phát vào chiều thứ 7 hàng tuần… giúp bà con nắm bắt thông tin được rộng hơn, đầy đủ hơn, từ đó có thể học tập và áp dụng những mô hình tốt, cách làm hay về sản xuất nông, lâm nghiệp tại địa phương, nhất là về phát triển du lịch cộng đồng, quảng bá sản phẩm OCOP, là những lĩnh vực xã có lợi thế, góp phần đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương.

Tại huyện Quỳnh Lưu, là một huyện có diện tích lớn, dân cư đông được phân bổ theo 3 vùng (miền núi bán sơn địa; vùng ven biển và vùng đồng bằng) điều kiện kinh tế -  xã hội giữa các vùng miền không đồng đều. Trong sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình truyền thông hiện đại, hệ thống tryền thanh cơ sở vẫn luôn là kênh truyền thông quan trọng, không thể thay thế. Hiện tại, huyện có 32 xã, thị trấn có đài truyền thanh, tuy nhiên, mới chỉ có 8 xã được đầu tư đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông. Các trạm truyền thanh cơ sở của huyện từ lâu trở thành người bạn quen thuộc của nhân dân, là tiếng nói phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, là kênh thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất, có tác động tích cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Nguyễn Văn Kỳ - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông tin huyện Quỳnh Lưu cho biết: Ngoài 32 đài truyền thanh cơ sở thì Trung tâm VHTT và Truyền thông huyện là một đơn vị rất quan trọng trong công tác tuyên truyền và biên tập tin, bài cho các cơ sở tuyên truyền. Năm 2023, đơn vị đã sản xuất 249 chương trình phát thanh, sản xuất 10 khung phát thanh, 10 khung truyền hình và có đến 730 tin, bài gửi đài Phát thanh truyền hình tỉnh, tỷ lệ phát sóng đạt 80%.

Thành công của hệ thống truyền thanh cơ sở một lần nữa khẳng định, truyền thanh cơ sở là “Cánh tay nối dài” của các cơ quan Báo chí; là kênh thông tin quan trọng để truyền tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuống tận từng thôn xóm, từng người dân, là hệ thống tuyên truyền gần dân, hiểu dân nhất. Đặc biệt, đối với các vấn đề thiết thực với đời sống dân sinh, việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở sẽ góp phần phổ biến, lan toả thông tin một cách nhanh và sâu rộng nhất, nâng cao nhận thức và làm chuyển biến hành động của mỗi người dân, của chính quyền các cấp.

Nguyễn Bá Hảo

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image