image banner

image advertisement

Viên chức Đăng ký biện pháp bảo đảm phải tốt nghiệp đại học trở lên các ngành thuộc lĩnh vực pháp luật

Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 10/2024/TT-BTP quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Đăng ký biện pháp bảo đảm.

Thông tư này áp dụng đối với viên chức thực hiện công việc đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, đăng ký tài sản, giao dịch khác theo quy định của pháp luật (đăng ký biện pháp bảo đảm) tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp (Trung tâm Đăng ký); cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Mã số chức danh nghề nghiệp Đăng ký biện pháp bảo đảm:

Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm hạng III - Mã số: V.00.01.03

Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm hạng II - Mã số: V.00.01.02

Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm hạng I - Mã số: V.00.01.01

Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ

Thông tư quy định cụ thể tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Đăng ký biện pháp bảo đảm.

Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp, Thông tư yêu cầu viên chức Đăng ký biện pháp bảo đảm phải có tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc; tuân thủ kỷ luật, kỷ cương, trật tự hành chính, nội quy, quy chế của cơ quan; tôn trọng, không phân biệt đối xử đối với tổ chức, cá nhân có yêu cầu cung cấp dịch vụ hành chính công về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Có tinh thần hợp tác, tạo thuận lợi cho đồng nghiệp, cá nhân khác hoặc tổ chức khác trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ và trong cung cấp dịch vụ hành chính công về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Thực hiện lối sống lành mạnh, văn minh, phù hợp với môi trường công tác và môi trường cung cấp dịch vụ hành chính công về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Tiêu chuẩn chung về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, viên chức Đăng ký biện pháp bảo đảm phải tốt nghiệp đại học trở lên các ngành thuộc lĩnh vực pháp luật. Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ Đăng ký biện pháp bảo đảm theo nội dung chương trình của Bộ Tư pháp.

Nhiệm vụ của viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm

Thông tư quy định cụ thể nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm hạng III, hạng II và hạng I.

Theo đó, viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm hạng III có nhiệm vụ hướng dẫn hoặc tham gia hỗ trợ việc tư vấn cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu về đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc cho tổ chức, cá nhân khác có liên quan...

Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm hạng II có nhiệm vụ kiểm tra hồ sơ đăng ký, hồ sơ cung cấp thông tin; đề xuất việc cấp, từ chối cấp Văn bản chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm, thông báo xử lý tài sản hoặc văn bản khác; đề xuất việc chỉnh lý thông tin có sai sót, hủy đăng ký, khôi phục việc đăng ký đã bị hủy thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm Đăng ký; hướng dẫn, tư vấn cho tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ này; tham gia giải quyết khiếu nại của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm... 

Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm hạng I có nhiệm vụ chủ trì hoặc chịu trách nhiệm chính trong cấp, từ chối cấp Văn bản chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm, thông báo xử lý tài sản bảo đảm, văn bản khác hoặc trong thực hiện chỉnh lý thông tin có sai sót, hủy đăng ký, khôi phục việc đăng ký đã bị hủy thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm Đăng ký; chủ trì hoặc chịu trách nhiệm chính trong hướng dẫn, tư vấn cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc cho tổ chức, cá nhân khác có liên quan; chủ trì hoặc chịu trách nhiệm chính trong giải quyết khiếu nại của tổ chức, cá nhân về đăng ký biện pháp bảo đảm...

Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm phải có kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ quy định trên.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 8/11/2024.

Minh Hiển

Nguồn: Chinhphu.vn(30/9/2024)