Tháng Năm, mùa sen nở, du khách thập phương lại hành hương về quê Bác - quê chung. Ảnh: T.P
“Lần
đầu đến Nam Đàn, tôi không chỉ xúc động khi đến thăm quê Bác, mà còn
bất ngờ khi được thưởng thức các đặc sản nơi đây. Tôi đã mua một ít tinh
bột sắn dây và rượu hồng mang về làm quà. Đó vừa là món ngon, vừa gợi
nhớ hành trình về nguồn đầy cảm xúc” chị Nguyễn Hương Ly, một du khách
đến từ Lâm Đồng chia sẻ sau chuyến thăm Nam Đàn vào tháng Tư vừa qua.
Trong
những năm gần đây, Nam Đàn đã ghi dấu trong lòng du khách không chỉ bởi
những địa chỉ đỏ như Khu di tích Kim Liên, quê Nội, quê Ngoại Bác Hồ…
mà còn nhờ những sản phẩm mang đậm chất quê, được chế biến công phu, gắn
với đời sống bản địa và đạt chứng nhận OCOP.
Sau
hơn 5 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, hiện Nam Đàn đã
khẳng định vị trí đầu tàu của tỉnh về số lượng sản phẩm đạt sao. Tính
đến nay, toàn huyện có 81 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao trở lên,
chiếm hơn 20% số sản phẩm đạt sao toàn tỉnh.
Trong
đó, 72 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 5 sản phẩm nhóm thảo dược và 4
sản phẩm nhóm đồ uống. Điều này không chỉ cho thấy sự nỗ lực của các chủ
thể mà còn hé mở một tiềm năng lớn về phát triển du lịch gắn với sản
vật địa phương.
Nổi
bật trong số đó là các sản phẩm từ rượu hoa quả của cơ sở sản xuất tại
Khu sinh thái Thung Pheo (xã Nam Anh). Rượu hồng, rượu quýt được ngâm
theo phương pháp truyền thống, dùng rượu trắng chưng cất từ gạo nếp bản
địa, quả hồng gáo, quả quýt hôi trồng trên các sườn đồi, dưới chân núi
Đại Huệ được tuyển chọn, ngâm ủ.
Sản phẩm có
màu vàng óng, mùi thơm nhẹ, vị ngọt dịu, được đánh giá cao về giá trị
dược liệu, hỗ trợ tiêu hóa, huyết áp và tăng sức đề kháng. Sản phẩm được
công nhận 3 sao OCOP năm 2024, được đóng gói sang trọng, có đầy đủ
thông tin nhãn mác, câu chuyện sản phẩm.Sản phẩm rượu hồng được giới thiệu rộng rãi đến thị trường. Ảnh: T.P
“Là
người con trên quê hương Bác Hồ, niềm vui lớn nhất của tôi là đã góp
phần quảng bá hình ảnh quê hương Nam Đàn tới bạn bè trong nước và quốc
tế bằng sản vật địa phương.Anh Nguyễn Văn Tuyên, chủ thể 2 sản phẩm OCOP là rượu hồng và rượu quýt chia sẻ.
“Du
khách đến đây có thể tham quan vườn hồng, trải nghiệm quy trình sản
xuất và nếm thử rượu tại chỗ. Chúng tôi xây dựng mô hình farmstay, có
không gian nghỉ dưỡng và đón khách theo tour du lịch về nguồn. Là người
con trên quê hương Bác Hồ, niềm vui lớn nhất của tôi là đã góp phần
quảng bá hình ảnh quê hương Nam Đàn tới bạn bè trong nước và quốc tế
bằng sản vật địa phương", anh Nguyễn Văn Tuyên, chủ thể 2 sản phẩm OCOP
là rượu hồng và rượu quýt chia sẻ.
Tháng Năm về, Nam Đàn được ướp
thơm bởi hương sen ngan ngát. Đến với Kim Liên, du khách được trải đắm
mình trong mùi hương thanh khiết ấy, được tự tay hái sen, gấp cánh, ướp
trà, thưởng thức những chén trà sen tinh khiết giữa không gian yên bình
tại một hợp tác xã trên địa bàn. Đồng thời, thoả sức lựa chọn những sản
phẩm độc đáo từ sen như trà sen, hạt sen sấy, bánh sen... từ gian hàng
OCOP.
“Cảm
giác được nhâm nhi chén trà sen, tự tay gấp cánh hoa sen trong khung
cảnh đồng quê yên bình, thật sự là một trải nghiệm khó quên” Ông Phạm Văn Quý, một du khách từ TP. Hồ Chí Minh bày tỏ
Một
điểm đến OCOP đáng nhắc tới nữa là Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Đại Huệ -
nơi lưu giữ và phát triển nghề làm tinh bột sắn dây truyền thống. Bột
sắn dây Nam Anh từ lâu đã được coi là vị thuốc quý trong y học cổ
truyền, có tác dụng giải nhiệt, thanh lọc cơ thể. Từ vài sản phẩm đơn lẻ
ban đầu, nay hợp tác xã đã nâng cấp thành chuỗi sản phẩm phong phú như
sắn dây vị chanh, sắn dây vị chanh leo… tất cả đều được đóng gói đẹp
mắt, rõ nhãn mác và đảm bảo an toàn vệ sinh.
Không gian sản xuất
tinh bột sắn dây ở HTX được thiết kế mở, đón khách tham quan quy trình
chế biến sạch, an toàn. Nhiều đoàn du khách - đặc biệt là các bạn trẻ -
khi về thăm quê Bác đã chọn ghé HTX để trải nghiệm.
Ngoài
ra, các cơ sở làm tương truyền thống cũng trở thành địa chỉ khám phá
văn hóa. Du khách được trải nghiệm từng công đoạn làm tương, nghe câu
chuyện về loại nước chấm dân dã mà thấm đẫm tình người, từ đó thêm yêu
mến vùng đất lam lũ nhưng nghĩa tình.
“Cú hích” để OCOP thành sản phẩm du lịch
Dù
đã có những khởi sắc rõ nét, song thực tế cho thấy phần lớn sản phẩm
OCOP ở Nam Đàn vẫn dừng lại ở mức sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao,
chưa thực sự phát triển thành sản phẩm phục vụ du lịch. Điều này phần
nào khiến hành trình trải nghiệm của du khách khi về với quê Bác chưa
trọn vẹn.
Một
trong những rào cản đầu tiên là tính đặc sắc và nhận diện thương hiệu.
Nhiều sản phẩm vẫn còn tương đồng về mẫu mã, thiếu nét riêng biệt dễ
nhận biết. Dù chất lượng tốt, nhưng nếu không tạo được ấn tượng thị giác
và cảm xúc cho khách, khả năng trở thành quà tặng du lịch sẽ bị hạn
chế. Một số sản phẩm OCOP chưa có thiết kế bao bì đạt chuẩn quà biếu;
chưa đóng gói thành các set sản phẩm du lịch mang tính tiện lợi, sang
trọng.
Khâu quảng bá, kết nối thị trường
cũng là một điểm nghẽn. Dù đã có gian hàng trưng bày tại một số khu sinh
thái, ở nhiều gian hàng OCOP trong tỉnh nhưng tại điểm trong hệ thống
khu di tích Kim Liên... hiện vẫn chưa có gian hàng trưng bày OCOP của
Nam Đàn.
Du
khách đến rồi đi, ít có cơ hội tìm hiểu và tiếp cận với sản phẩm OCOP
địa phương. Điều này làm giảm cơ hội thương mại hóa sản phẩm và bỏ lỡ
dòng doanh thu lớn từ du lịch.
Anh Nguyễn
Xuân Hương - đại diện một công ty lữ hành chia sẻ: “Tour về nguồn Nam
Đàn có sức hút rất lớn, nhưng việc kết nối giữa các điểm đến với trải
nghiệm OCOP còn rời rạc. Nếu có một hệ thống sản phẩm OCOP được thiết kế
như quà tặng du lịch, phục vụ ngay tại điểm đến, thì hiệu quả sẽ rất
khác”.
Một số chủ thể sản xuất cũng chưa
được đào tạo bài bản về phát triển sản phẩm du lịch, kỹ năng tiếp cận
thị trường, thương mại điện tử hoặc xây dựng câu chuyện thương hiệu. Đó
là lý do vì sao, dù sản phẩm đã có chất lượng và giá trị truyền thống,
nhưng vẫn chưa thể “lên đời” để trở thành món quà du lịch thực sự.
Để
sản phẩm OCOP Nam Đàn thực sự trở thành một phần trong hành trình du
lịch về nguồn, cần có sự vào cuộc đồng bộ và bài bản từ nhiều phía - từ
chính quyền, các tổ chức hỗ trợ đến chính các chủ thể OCOP.
Trước
tiên, cần tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng phục vụ du lịch:
mẫu mã đẹp, bao bì sang trọng, dễ mang theo, dễ giới thiệu. Nên xây
dựng các “combo” sản phẩm theo chủ đề: “Quà quê Bác”, “Hương vị Nam
Đàn”, “Dưỡng sinh từ làng Sen”... để khách dễ lựa chọn. Đồng thời, mỗi
sản phẩm nên gắn với một câu chuyện - một lát cắt văn hóa, lịch sử hay
nhân vật cụ thể để tạo chiều sâu cảm xúc cho người mua.
Bên
cạnh đó, cần tổ chức các gian hàng OCOP cố định hoặc luân phiên tại các
điểm du lịch lớn trong huyện, đặc biệt là trong các sự kiện, lễ hội về
nguồn. Song song, địa phương nên liên kết với các đơn vị lữ hành, khu
lưu trú để đưa sản phẩm OCOP vào không gian tiếp đón, trải nghiệm của du
khách.
Song song với đó, tăng cường đào tạo kỹ năng cho các chủ
thể OCOP, xây dựng thương hiệu, truyền thông sản phẩm, bán hàng trực
tuyến, tham gia hội chợ, trưng bày sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp.
Đồng thời, cần một chiến lược truyền thông dài hơi, bài bản, đa kênh để
kể những câu chuyện về sản phẩm OCOP của Nam Đàn một cách hấp dẫn, sinh
động hơn.
Hành
trình về quê Bác hôm nay không chỉ là chuyến đi về cội nguồn, mà còn là
hành trình trải nghiệm hồn quê qua từng sản phẩm OCOP dung dị, thắm
đượm nghĩa tình. Để mỗi món quà mang về từ Nam Đàn không chỉ là đặc sản,
mà còn là thông điệp văn hoá, là “dấu ấn quê Bác” trong trái tim du
khách bốn phương cần sự bắt tay giữa chính quyền, người sản xuất, doanh
nghiệp du lịch và cả cộng đồng.
Nguồn: Báo Nghệ An (16/5/2025).