image banner

image advertisement image advertisement

Giai đoạn 2020-2023, Nghệ An đã ghi nhận trên 500 nghìn người mắc COVID-19

Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ khi dịch COVID-19 bùng phát trong nước, tỉnh Nghệ An đã an toàn vượt qua ba làn sóng dịch. Đến làn sóng dịch thứ tư, Nghệ An là một trong 05 tỉnh cuối cùng trong cả nước có ca lây nhiễm COVID-19 trên địa bàn.

Từ trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên trong nước, Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng đã trải qua hơn 3 năm (2020-2023) chiến đấu với 4 làn sóng dịch bùng phát theo các cấp độ tăng dần mức báo động, nguy hiểm, diễn biến hết sức phức tạp, khó lường và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, các biến thể liên tục biến đổi và gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng, tác động sâu sắc đến nhiều mặt về sức khỏe, đời sống người dân, sự phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu và quốc gia cũng như tỉnh.

Giai đoạn 2020-2023, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 500 nghìn người mắc COVID-19

Trước yêu cầu cấp bách để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, thậm chí sự sống của Nhân dân; đồng thời phải đảm bảo an ninh, trật tự xã hội và phát triển kinh tế, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Quốc gia, Bộ Y tế và các Bộ, ngành Trung ương; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã rất khẩn trương, kịp thời, tập trung cao độ, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch.

Với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và quán triệt cao phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo sức khỏe và bảo vệ tính mạng người dân là trên hết theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ; cùng sự vào cuộc tích cực, tập trung cao độ của cả hệ thống chính trị, các Sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp cùng toàn thể người dân, Nghệ An đã từng bước ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; góp phần quan trọng và tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện; Trung tâm chỉ huy cấp tỉnh, huyện, xã (100%). Toàn tỉnh đã tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe cho hơn 1,2 triệu lượt người. Ước tính ngành Y tế thực hiện trên 2 triệu lượt xét nghiệm test nhanh, khoảng 800 nghìn lượt xét nghiệm RT-PCR.

Anh-tin-bai

Nghệ An triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 đợt 6 cho người dân. (Ảnh ST)

Trong 3 năm (2020-2023), trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận trên 500 nghìn người mắc COVID-19; tuy nhiên đến nay số ca điều trị khỏi đã đạt 99,9%, số bệnh nhân còn lại tự theo dõi sức khỏe tại nhà; 188 trường hợp tử vong do COVID-19, chiếm 0,03%, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của toàn quốc (0,37%). Ngành Y tế đã tổ chức thành công chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay; theo đó thực hiện tiêm hơn 8,3 triệu liều vắc xin, các mũi tiêm cơ bản đạt 100%; mũi 2, mũi 3 cho trẻ em cao hơn bình quân chung cả nước.

Thực hiện hiệu quả việc phòng bệnh từ sớm, từ xa

Nhằm quán triệt quan điểm thực hiện hiệu quả việc phòng bệnh từ sớm, từ xa, để hạn chế dịch bệnh bùng phát và chủ động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, các địa phương tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, tích cực tháo gỡ các khó khăn vướng mắc còn tồn tại trong công tác phòng, chống dịch. Xây dựng, hoàn thiện các đề án thực hiện nhiệm vụ được giao tại các văn bản của Đảng liên quan đến 24 lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng. Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; rà soát đề xuất các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về mua sắm, đấu thầu thuốc, vắc xin, thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất.

Đồng thời thúc đẩy triển khai các giải pháp đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ sở, y tế dự phòng và nâng cao năng lực phòng, chống dịch. Nghiên cứu, đề xuất, thiết lập cơ chế, tổ chức phòng, chống đại dịch tại các tuyến phù hợp theo quy định hiện hành, đảm bảo việc huy động, quản lý, điều phối, sử dụng tối đa nguồn lực trong phòng, chống đại dịch, bao gồm kế hoạch ứng phó với đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai.

Đổi mới định hướng và xây dựng đề án phát triển nhân lực y tế, đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là cán bộ Trạm Y tế xã, y tế thôn bản và cán bộ y tế tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, biên giới, khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số.

Nghiên cứu và triển khai thực hiện các chính sách bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc; khuyến khích các địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế về làm việc tại y tế cơ sở và trong lĩnh vực y tế dự phòng. Thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vắc xin, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế, y học cổ truyền để chủ động trong công tác phòng, chống dịch và phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông quản lý và sử dụng dữ liệu y tế hỗ trợ việc phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh.

Cùng với đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh; củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch các tuyến, đặc biệt tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, biên giới, khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số và huy động sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong phòng, chống dịch.

Các Sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh có thể còn kéo dài, ổn định đời sống nhân dân, nhất là đối với những người chịu hậu quả, tác động của đại dịch, đặc biệt là trẻ em mồ côi; tiếp tục hoàn thành xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan công tác phòng, chống dịch thời gian qua và xử lý các chính sách theo thẩm quyền khi chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; tiếp tục thực hiện việc tôn vinh, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phòng, chống dịch COVID-19 theo phân cấp.

Ngành Y tế khẩn trương hướng dẫn và tổ chức triển khai Kế hoạch phòng chống dịch bệnh giai đoạn tiếp theo, lưu ý việc chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra và dịch COVID-19 có thể quay lại; phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất nâng cao chế độ, chính đãi ngộ đối với đội ngũ y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, nhân viên y tế tham gia công tác phòng, chống dịch.

H.B (tổng hợp)