image banner

image advertisement image advertisement

Tầm nhìn phát triển thành Vinh xanh

Nghị quyết số 39/NQ- TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định: “Tập trung đầu tư và có cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của cả vùng Bắc Trung Bộ; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, theo hướng xanh, thông minh, hiện đại”.

Đô thị xanh

Ở nước ta, khái niệm về đô thị xanh còn khá mới. Nhiều người vẫn hiểu đô thị xanh là đô thị có nhiều công viên, cây xanh, mặt nước, khá hơn thì có thêm việc sử dụng năng lượng tái tạo cho các tòa nhà và trồng cây xanh trên mái nhà…. Một số khu đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được gọi là đô thị sinh thái hay đô thị xanh cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ có nhiều cây xanh.

Trong khi đó, các nước châu Âu đưa ra tiêu chí để đạt được đô thị xanh gồm: Không gian xanh: đô thị có mật độ cây xanh cao, tỷ lệ cây xanh/người cao, không gian công cộng, không gian công viên, mặt nước được quan tâm; Công trình xanh: Xanh hóa công trình, vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, ưu tiên tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, khai thác lưu giữ nước mưa, tiết kiệm nước, sử dụng năng lượng hiệu quả và vật liệu thân thiện với môi trường; Giao thông xanh, công nghiệp xanh; Chất lượng môi trường đô thị xanh; Cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường.

Anh-tin-bai

Núi Quyết thành phố Vinh. Ảnh: Thành Cường

Như vậy, dù khái niệm đủ hay chưa đủ, để hướng tới đô thị xanh thì vấn đề không gian xanh được đưa lên hàng đầu và có vai trò, ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Vai trò cân bằng sinh thái đô thị: Cây xanh không chỉ là lá phổi của thành phố mà còn có nhiều tác dụng trong tổng thể hệ sinh thái cảnh quan đô thị có trạng thái đơn dạng hoặc đa dạng sinh học, có tác dụng cải thiện môi trường sống, tăng thẩm mỹ trong không gian đô thị, tạo cảm xúc cho con người và đóng góp cho các phân hệ thứ cấp khác phát triển. Thực chất, hệ sinh thái cảnh quan bao gồm cả hệ cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan nhân tạo.

Vai trò là nghệ thuật cảnh quan đô thị: Cây xanh cảnh quan đã trở nên quen thuộc bởi vẻ đẹp tự nhiên của muôn loài cây, cỏ, hoa và được các kiến trúc sư, nhà quy hoạch và quản lý đô thị cũng như mỗi người dân sử dụng để trang trí vườn nhà, đường phố, hay công viên. Cây xanh cảnh quan được phân thành nhiều loại theo sinh thái cây trồng, nhu cầu sử dụng, hình khối màu sắc, theo tính chất... Việc bố cục cây xanh tạo cảnh quan đô thị là một môn nghệ thuật và kỹ thuật cây trồng ngày càng phát triển với nhiều phương pháp cấy ghép, tạo dáng, bonsai… Bên cạnh đó, còn nhiều vai trò khác.

Lâm nghiệp đô thị

Lâm nghiệp đô thị có thể được định nghĩa là một mạng lưới hoặc hệ thống các dải rừng, một tập hợp cây xanh tập trung hoặc đơn lẻ tại vùng đô thị và ven đô; bao gồm: rừng, cây trên phố, bùng binh, cây trong công viên, vườn nhà, góc phố, ven đường, ven sông, ven hồ, ven biển, vườn cây ăn quả, trang trại, trên mái nhà. Lâm nghiệp đô thị là xương sống cho cơ sở hạ tầng xanh cũng như kết nối giữa thành thị và nông thôn, đồng thời, cải thiện dấu ấn môi trường của thành phố (FAO 2017).

Những năm qua, Nghệ An đã rất quan tâm phát triển hệ thống cây xanh, nhất là thành phố Vinh có đặc thù khí hậu nắng nóng, gió Lào bỏng rát. Theo báo cáo của UBND thành phố Vinh, tỷ lệ cây xanh bình quân trên đầu người của thành phố đạt 1,9 m2/người. Bên cạnh các tuyến cây xanh tốt hai bên các đường phố là những rừng cây được chăm sóc bảo vệ như ở Lâm viên núi Quyết, Quảng trường Hồ Chí Minh, Ecopark Hưng Hòa… Nhiều tuyến đường đã và đang được thay thế cây không phù hợp và được trồng mới theo chủ đề đã tạo điểm nhấn cho thành phố. Nhiều hàng cây ở các tuyến đường không những xanh tốt mà còn đẹp, là điểm check-in của các bạn trẻ trong những năm gần đây. Có thể nói, cây xanh đô thị đã làm cho thành Vinh mát hơn, ấn tượng hơn.

Tuy nhiên, có thể nói, cũng như nhiều thành phố của Việt Nam, tỷ lệ cây xanh đô thị của Vinh đang rất thấp, thấp hơn bình quân cả nước và chỉ bằng khoảng 1/10 các thành phố trên thế giới. Trong khi đó, chỉ số tỷ lệ cây xanh/người của các thành phố hiện đại trên thế giới phổ biến từ 20 - 25m2/người. Nhiều quốc gia đạt tỷ lệ cao như Singapore 30,3m2/người, Seoul 41m2/người… Thứ nữa, là hiện nay thành phố chưa có quy hoạch phát triển cây xanh đô thị, cho nên, nguyên tắc “lựa chọn cây đúng, trồng đúng chỗ” có lúc còn lúng túng, bố cục chưa đẹp...

Thành phố Vinh đang trong lộ trình mở rộng không gian, sáp nhập với thị xã Cửa Lò và một số xã của huyện Nghi Lộc, trở thành một thành phố có biển, có sông, có hồ, có không gian đệm nông thôn… Hướng đến mục tiêu đô thị xanh, thông minh, hiện đại như định hướng của Nghị quyết số 39/NQ-TƯ, vấn đề phát triển không gian xanh cho thành phố là việc làm cấp bách và lâu dài. Để góp phần thực hiện mục tiêu đó, xin đề xuất một số vấn đề như sau:

Cần sớm triển khai xây dựng quy hoạch phát triển lâm nghiệp đô thị cho thành phố Vinh mở rộng. Nói đến quy hoạch lâm nghiệp đô thị thì cần quan tâm tổ chức thành nhiều cấu trúc khác nhau như hành lang bảo vệ sông suối, hồ nước, đồi cây, công viên, vườn hoa, tuyến cây trục phố, thảm thực vật, vườn cây gia đình… Trong đô thị nên liên tục có khoảng vườn cây xanh với khoảng cách 200m, với diện tích tối thiểu là 0,1 ha sẽ có tác dụng tốt làm mát không khí và tạo điều kiện thông gió tự nhiên của khu vực.

Hai là, cần quan tâm đến yếu tố vành đai xanh. Việc xác định vành đai xanh là rất quan trọng, không những hạn chế phát triển đô thị tràn lan mà còn khẳng định bản sắc đô thị, hơn nữa, vành đai xanh là giao diện giữa đô thị và nông thôn, có mục đích kết nối trung chuyển giữa hai phần, do đó, phải được cân nhắc, xác định trên cơ sở phân tích rất kỹ lưỡng hiện trạng. Đặc biệt, TP. Vinh mở rộng vốn đã có 2 đô thị trung tâm, nên cần quan tâm vùng kết nối giữa Vinh và Cửa Lò theo hướng “Phố trong làng, làng trong phố”.

Sau khi có quy hoạch, cần tiến hành thiết kế lựa chọn loài cây cho từng không gian với nguyên tắc “chọn đúng cây, trồng đúng chỗ”. Bởi lâm nghiệp đô thị không chỉ là vấn đề khoa học cây trồng lâm nghiệp mà còn là nghệ thuật kiến trúc liên quan đến cảnh quan, cấu trúc đô thị cũng như liên quan đến yếu tố tiểu vùng khí hậu và thậm chí yếu tố văn hóa, tâm linh…Do vậy, cần lưu ý các yếu tố: Sinh thái cây trồng theo mùa, mật độ cây trồng để tạo môi trường và cảnh quan hợp lý. Ngoài ra, cần quan tâm yếu tố phối, kết các loài cây liên quan đến sinh thái cây trồng, như người Pháp kết hợp trồng cây hoa sữa với cây sấu ở Hà Nội. Các nhà khoa học khuyến cáo không nên trồng cùng một loài cây quá tập trung (dễ bị sâu bệnh), không nên trồng cây cùng một độ tuổi nhiều ở cùng một tuyến phố (tránh thay thế hàng loạt). Ngoài ra, để có những bố cục đẹp, cũng có thể lưu ý có một số loài cây hoa đẹp có thể gây ấn tượng mạnh khi đứng một mình giữa nhiều cây xanh khác như cây hoa vàng anh; hoa phượng vĩ... nhưng nhưng có một số loài cây nếu trồng thành 1 dãy 5- 7 cây sẽ gây ấn tượng tốt như cây tếch, sao đen...

Vấn đề thứ ba là, cần chuẩn hóa và tuân thủ kỹ thuật ươm, trồng, chăm sóc và bảo quản cây xanh đô thị. Bài học cây xanh đô thị bị đổ, gãy quá nhiều khi bão, gió ở các thành phố cho thấy việc tuân thủ kỹ thuật ươm, trồng, chăm sóc cây chưa tốt, chưa nghiêm túc. Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng chịu ảnh hưởng bão, lốc, gió lớn thường xuyên, cho nên, cần lưu ý nguyên tắc “cây to, bầu to”. Theo các nhà kỹ thuật khuyến cáo, chỉ nên trồng cây có đường kính gốc tiêu chuẩn 50cm, cao 3m, khi ươm tuân thủ sang bầu để rễ phát triển cân đối với cây và không hỏng rễ cọc.

Thứ nữa là, cần trồng loài cây phù hợp với từng vị trí, kết cấu hạ tầng ở vị trí đó để rễ cây có thể phát triển, đồng thời, cần đảm bảo kích thước hố trồng và phân bón, giá thể sử dụng khi trồng. Hàng mùa, hàng năm, cần định kỳ khảo sát để đánh giá tình trạng sâu bệnh để sớm xử lý, kể cả những cây có nguy cơ gãy đổ; có kế hoạch, kinh phí để cắt tỉa cành, hạn chế chiều cao, tạo tán để “trẻ hóa” cây...

Vấn đề thứ tư là, cần quan tâm ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào lĩnh vực lâm nghiệp đô thị. Trước hết, cần khảo nghiệm để hình thành bộ giống cây xanh đô thị phù hợp với từng vùng địa hình, địa lý, khí hậu… Nghiên cứu ứng dụng lưới bọc bầu tự tiêu trong quá trình sản xuất cây giống; đồng thời, cần đào tạo đội ngũ kỹ thuật không những am hiểu về kỹ thuật lâm nghiệp đô thị mà cả về nghệ thuật kiến trúc. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin, GIS… trong việc quản lý lâm nghiệp đô thị.

Cuối cùng là, xã hội hóa việc trồng, chăm sóc và quản lý cây xanh - lâm nghiệp đô thị để tăng cường huy động nguồn lực toàn xã hội.

Quy hoạch thành phố cần kết hợp luật bảo tồn cây xanh, quy định quỹ đất cây xanh, mặt nước, quy định phát triển, tiêu chuẩn thiết kế và trồng cây cũng như các điều khoản bảo trì dài hạn. Chỉ cam kết ngắn hạn về việc trồng thêm cây xanh là chưa đủ, bởi vì sự thành công của lâm nghiệp đô thị đòi hỏi tiêu chuẩn trồng và chăm sóc tốt, lực lượng lao động được đào tạo, các chính sách hỗ trợ thực thi, nhận thức đầy đủ của xã hội về vai trò của lâm nghiệp đô thị, từ đó tham gia tích cực thực hiện.

Trần Quốc Thành

Nguồn: Báo Nghệ An (11/10/2024)