Khoa học công nghệ tạo đột phá mới theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị
Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn đồng chí
Nguyễn Quý Linh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ về vai trò của khoa
học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng kinh tế - xã hội và
thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ
Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn
đến năm 2045 đề ra.
PV: Thưa đồng chí! Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đã
nhấn mạnh vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN) trong xây dựng
và phát triển tỉnh Nghệ An với mục tiêu đưa Nghệ An là trung tâm của khu
vực Bắc Trung Bộ về khoa học và công nghệ. Vậy trong thời gian tới,
ngành KH&CN tỉnh nhà có những đột phá trọng tâm nào để thực hiện các
mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết 39 đã đề ra?
Đồng chí Nguyễn Quý Linh: Một
trong những đột phá chiến lược được thể hiện trong Nghị quyết 39-NQ/TW
về xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An đến năm 2030 và tầm
nhìn đến năm 2045 là “Đột phá về công nghệ, và đổi mới sáng tạo, xác
định phát triển phải chủ yếu dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Để
thực hiện đột phá đó, thời gian tới ngành KH&CN Nghệ An sẽ tập trung
vào những trọng tâm:
Thứ nhất, xác định đầu tư cho
khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là đầu tư cho phát triển, vì vậy,
cần làm tốt việc đổi mới quản lý nhà nước đáp ứng bối cảnh mới, hoàn
thiện cơ chế, chính sách để khơi thông nguồn lực thúc đẩy phát triển
khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thu hút tối đa các nguồn lực
Nhà nước và xã hội cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng
tạo.
Thứ hai, từng bước xây dựng Nghệ An thành trung
tâm KH&CN của khu vực Bắc Trung Bộ với trọng tâm là ứng dụng,
chuyển giao khoa học, công nghệ; đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp đổi mới
sáng tạo.
Thứ ba, nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi
mới sáng tạo. Phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
bảo đảm đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển và chuyển giao các
công nghệ tiên tiến. Tạo môi trường học thuật và điều kiện làm việc
thuận lợi để sử dụng, trọng dụng và thu hút nhân lực cho ngành khoa học
và công nghệ; phát triển mạng lưới kết nối nhân tài trong nước và nước
ngoài. Tăng cường thu hút sự tham gia tích cực của các nhà khoa học
nhằm giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn phát triển kinh tế - xã hội
của tỉnh.
Thứ tư, phát triển thị trường khoa học,
công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khuyến khích phát triển mạnh mẽ doanh
nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;
hình thành các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ. Phát triển hệ sinh
thái đổi mới sáng tạo trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và
đội ngũ trí thức, cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở nghiên cứu.
Sản phẩm được trưng bày tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nghệ An. Ảnh: PV
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác, liên kết quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
PV: Để tạo được những đột phá đó, theo đồng chí cần có cơ chế, chính sách đặc thù như thế nào cho KH&CN và đổi mới sáng tạo?
Đồng chí Nguyễn Quý Linh: Trong
quá trình phát triển và ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo, chúng
tôi ghi nhận còn một số tồn tại, khó khăn như về cơ chế tự chủ, tự chịu
trách nhiệm của các tổ chức khoa học công nghệ chưa đồng bộ; cơ chế,
chính sách đãi ngộ cho các nhà nghiên cứu chưa thực hiện một cách bài
bản do nhiều rào cản khác nhau.
Việc xác định các đề tài, nhiệm
vụ, quản lý các chương trình KH&CN cũng đang gặp vướng mắc, từ việc
tuyển chọn nhiệm vụ, quản lý, xử lý tài sản hay thiếu cơ chế, chính sách
khuyến khích, tạo động lực thương mại hóa sản phẩm. Chưa có cơ chế đặc
thù, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học. Doanh nghiệp
được trích lập quỹ phát triển KH&CN, nhưng quy định hiện tại chưa đủ
mạnh, dẫn đến việc doanh nghiệp chưa hoàn toàn tin tưởng vào việc sử
dụng quỹ để đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp. Cơ chế quỹ đầu tư khoa
học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đang gặp nhiều khó khăn.
Do đó, để tạo đột phá phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo, thì
các địa phương rất cần Luật Khoa học công nghệ sửa đổi sắp tới sẽ tháo
gỡ các rào cản về chính sách kinh tế, tài chính, đãi ngộ… liên quan đến
KH&CN theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường; tôn trọng đặc thù
của lao động sáng tạo; chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong hoạt
động KH&CN và đổi mới sáng tạo.
Đối với Nghệ An, ngành
KH&CN sẽ tập trung đổi mới quản lý nhà nước đáp ứng bối cảnh mới,
hoàn thiện cơ chế, chính sách để khơi thông nguồn lực thúc đẩy phát
triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hoàn thiện quy định về
quản lý, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phù hợp với tiêu
chí kết quả đầu ra, theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đơn
giản hóa thủ tục hành chính; chuyển đổi số, quy trình quản lý, cơ sở dữ
liệu các nguồn lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nghiên cứu,
rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cơ chế, chính sách của tỉnh
đồng bộ với các quy định pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới
sáng tạo, phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Song song với đó, ngành sẽ rà soát, đề xuất ban hành cơ chế, chính
sách phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chính sách khuyến khích
doanh nghiệp đổi mới công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng
tạo, ứng dụng công nghệ cao; chính sách hỗ trợ nhân rộng các kết quả
nghiên cứu khoa học và công nghệ. Đề xuất chính sách ưu đãi thuế thu
nhập cá nhân đối với đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ tham gia
thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.
Cùng với đó, củng cố, kiện toàn
bộ máy quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo
đảm số người làm việc trong cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ
thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Hoàn thiện tổ chức, chức năng, nhiệm vụ
cho đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng khởi nghiệp đổi mới
sáng tạo thuộc Sở KH&CN.
Ngoài ra, ngành sẽ chủ động tham mưu từng bước xây dựng Trung tâm Khởi
nghiệp đổi mới sáng tạo với các cơ chế đặc thù để vận hành cho phát
triển đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
PV: Hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo cần có nguồn
lực thỏa đáng để triển khai; đồng chí có thể cho biết các giải pháp nhằm
huy động các nguồn lực xã hội phục vụ cho hoạt động KH&CN và đổi
mới sáng tạo?
Đồng chí Nguyễn Quý Linh: Hoạt động khoa
học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần có nguồn lực thỏa đáng để có thể
triển khai một cách bài bản, mang lại hiệu quả đầy đủ. Thời gian qua,
kinh phí dành cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ ngân sách
nhà nước mặc dù đã được quan tâm, song vẫn còn thấp so với yêu cầu thực
tế. Cơ chế huy động các nguồn lực ngoài xã hội cho hoạt động khoa học,
công nghệ cũng gặp khó khăn.
Do đó, cần có các giải pháp huy động các nguồn lực xã hội phục vụ cho
hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đó là, cần tiếp tục
xây dựng, hoàn thiện các chính sách, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các tổ
chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao,
ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Thực hiện các chương trình thí
điểm cơ chế hợp tác phù hợp cho mục đích nghiên cứu phát triển và đổi
mới sáng tạo, từ đó tập trung khai thác nguồn lực khác nhau (như hợp tác
công - tư, dịch vụ hành chính công hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát
triển khoa học và công nghệ…).
Đi cùng với đó, cần đổi mới mạnh mẽ
cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính. Đẩy mạnh thực
hiện cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm khoa học và công nghệ cuối cùng
theo kết quả đầu ra. Có cơ chế thúc đẩy đổi mới công nghệ, ứng dụng công
nghệ mới, công nghệ hiện đại; hỗ trợ doanh nghiệp mua công nghệ từ các
viện nghiên cứu, trường đại học trong nước.
Đồng thời, bảo đảm cân đối, bố trí nguồn lực ngân sách thỏa đáng cho đầu
tư phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; quản lý, sử dụng
có hiệu quả các khoản chi sự nghiệp khoa học và công nghệ đảm bảo đúng
mục đích, hiệu quả. Thu hút nguồn lực khoa học và công nghệ từ các
chương trình quốc gia, tổ chức quốc tế. Hoàn thiện và thực hiện quy định
việc doanh nghiệp lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Khuyến
khích hợp tác công tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng
tạo. Tạo điều kiện thuận lợi hình thành và phát triển các loại hình quỹ
đầu tư mạo hiểm, các quỹ đầu tư cộng đồng.
Bên cạnh đó, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc
biệt là các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, thu hút FDI từ đối tác các
nước phát triển cho các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi
trường. Khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư cho khoa học, công nghệ và
đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thu hút, trọng dụng
cá nhân hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo, kể cả người Việt Nam ở
nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam.
PV Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An vừa thông qua Nghị
quyết về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm
2030. Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn?
Đồng chí Nguyễn Quý Linh: Ngày
14/12/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU
về phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2016 - 2020, định hướng
đến năm 2025; qua đó hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh
giai đã đạt được những kết quả quan trọng, các mục tiêu đặt ra trong
Nghị quyết số 06-NQ/TU đều đạt hoặc vượt. Đặc biệt, khoa học và công
nghệ đóng góp tích cực cho sản xuất và đời sống, thể hiện thông qua yếu
tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh
giai đoạn 2017 - 2022 đạt 42,1%, cao hơn mức trung bình chung cả nước.
Việc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An vừa thông qua Nghị quyết về phát
triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, nhằm cụ thể
hóa Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng
và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong
đó xác định mục tiêu Nghệ An là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về
khoa học và công nghệ; đồng thời tập trung nguồn lực để phát triển khoa
học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển kinh tế
- xã hội tỉnh Nghệ An bền vững.
Đồng thời, việc ban hành nghị quyết nhằm tạo cơ sở chính trị để ban
hành các cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực phát triển khoa học, công
nghệ và đổi mới sáng tạo vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng
trưởng kinh tế nhanh, bền vững của tỉnh. Qua đó, từng bước xây dựng Nghệ
An thành trung tâm KH&CN khu vực Bắc Trung Bộ với trọng tâm là ứng
dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ; đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp
đổi mới sáng tạo. Phát triển nguồn nhân lực, cơ cấu hệ thống tổ chức
khoa học và công nghệ phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia và các
lĩnh vực KH&CN trọng điểm của tỉnh.
Hiện nay, Đề án xây dựng
Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực Bắc Trung Bộ với quan
điểm thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, nhất là của các tập đoàn
kinh tế lớn có tiềm lực, kinh nghiệm cùng tỉnh thực hiện thông qua cơ
chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn về đất đai, thuế, cơ chế của Nhà nước hỗ
trợ doanh nghiệp đang được Nghệ An xây dựng. Dự kiến sẽ trình Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ Đề án vào tháng 10/2025. Đây sẽ điều kiện rất thuận
lợi, là động lực để ngành KH&CN Nghệ An tiếp tục có những phát
triển mới, vững chắc. Khi chương trình hành động của Chính phủ được ban
hành, tỉnh Nghệ An sẽ bắt tay ngay vào thực hiện có hiệu quả các nội
dung Đề án đặt ra.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Lê
Nguồn: Báo Nghệ An (27/10/2024)