Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và
phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã thể hiện
sự quan tâm đặc biệt đối với tỉnh quê hương Bác Hồ. Nhận thức rõ tầm
quan trọng của Nghị quyết đối với định hướng phát triển trong lĩnh vực
nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp
và PTNT Nghệ An đã sớm quán triệt và chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành
nghiên cứu, triển khai thực hiện.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng đại diện các cục, vụ,
đơn vị thuộc Bộ triển khai Quyết định số 2561Q Đ-BNN-LN ngày 26/7/2024.
Ảnh: P.V
Kết quả bước đầu trong việc triển khai của ngành Nông nghiệp và PTNT
Nghệ An, đó là trong số 14 chính sách, thuộc 4 nhóm lĩnh vực để thí điểm
bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An được
Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 137/2024/QH15 ngày 26/6/2024, ngành
đã đề xuất và đã được Quốc hội thông qua chính sách “Cho phép tỉnh Nghệ
An được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi
chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thu từ các dự án phục vụ
phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh không có điều kiện tự
trồng rừng thay thế phải nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và
Phát triển rừng tỉnh Nghệ An để thực hiện biện pháp lâm sinh khoanh nuôi
xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến
tái sinh tự nhiên...”.
Với chính sách cụ thể đó, ngoài việc giữ lại nguồn lực cho địa phương,
chính sách còn giải quyết được những khó khăn, vướng mắc về điều kiện
trồng rừng thay thế cho các dự án đầu tư phục vụ phát triển kinh tế, xã
hội, quốc phòng, an ninh, dự án quan trọng quốc gia, dự án cấp thiết… có
ảnh hưởng đến rừng; tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian làm thủ tục đầu
tư để các dự án sớm phát huy hiệu quả, đồng thời, chính sách cũng sẽ rất
hiệu quả để bảo tồn và phát huy các giá trị về đa dạng sinh học của
rừng, nâng cao khả năng ứng phó và thích ứng với thiên tai, biến đổi khí
hậu, gắn với ổn định đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân bởi
các giá trị đa dụng của rừng.
Cũng theo Nghị quyết số 137/2024/QH15 về thí điểm bổ sung một số cơ chế,
chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, thì tỉnh Nghệ An sẽ nhận
được sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương; được phân bổ thêm 50% nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách
Trung ương bổ sung có mục tiêu để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh
tế- xã hội đồng bộ, nhất là khu vực miền Tây Nghệ An. Như vậy, sẽ tạo
điều kiện thuận lợi để kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp ở khu vực này phát
huy được thế mạnh, đặc biệt là kinh tế lâm nghiệp, gắn với phát triển
thương hiệu xanh, thân thiện với môi trường.
Thực hiện Nghị quyết số 137/2024/QH15, Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao cơ
quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá và đề xuất các
giải pháp phục hồi diện tích đất trống thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp
tỉnh Nghệ An giai đoạn 2024 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở
để xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc
tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái
sinh tự nhiên; phối hợp với các sở, ngành dự thảo Kế hoạch của UBND tỉnh
triển khai thực hiện Nghị quyết số 137/2024/QH15 của Quốc hội về bổ
sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Vừa qua, cùng với việc triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ để
thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị, Sở
Nông nghiệp và PTNT Nghệ An đã chủ động đề xuất tổ chức sự kiện “Trưng
bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng, các sản phẩm tiềm năng của
miền Tây xứ Nghệ” tại khuôn viên của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Sự kiện là
sự kết nối bước đầu để đưa 162 sản phẩm của miền Tây và các sản phẩm
OCOP đặc trưng của Nghệ An đến với thị trường ngoài tỉnh.
Cũng từ sự kiện này, đồng chí Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
PTNT đã trực tiếp khảo sát và chỉ đạo cơ quan chuyên môn của Bộ, xây
dựng “Kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đến năm 2030”.
Ngày 26/7/2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số
2561/QĐ-BNN-LN phê duyệt kế hoạch này. Đây chính là một trong những
nguồn lực ngoại sinh ban đầu để huyện Kỳ Sơn, một trong những địa phương
khó khăn nhất của tỉnh tạo được sự bứt phá và phát triển bền vững.
Hiện nay, để có sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT, các
cấp, ngành, địa phương trong việc triển khai kế hoạch hỗ trợ phát triển
kinh tế nông, lâm nghiệp cho huyện Kỳ Sơn (Quyết định số 2561/QĐ-BNN-LN)
với 6 nhóm nhiệm vụ, 40 nội dung cụ thể, cùng với 6 giải pháp tổ chức
thực hiện, Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An đã chủ động dự thảo Kế hoạch
phối hợp trình UBND tỉnh phê duyệt tại Tờ trình số 3303/TTr-SNN.KHTC
ngày 13/8/2024.
Như vậy, thông qua chính sách đặc thù được bổ sung thí điểm tại Nghị
quyết số 137/2024/QH15 của Quốc hội và sự hỗ trợ thúc đẩy từ nguồn lực
của Bộ Nông nghiệp và PTNT, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của
tỉnh Nghệ An, kinh tế nông nghiệp và miền Tây của tỉnh sẽ phát triển
nhanh, bền vững.
Triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về
xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,
Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 2678/KH-SNN ngày
3/7/2024, kế hoạch đã phân công cụ thể, rõ ràng, bám sát nội
dung Kế hoạch số 1022/KH-UBND ngày 25/12/2023 của UBND tỉnh về thực hiện
Nghị quyết số 162/NQ-CP ngày 04/10/2023 của Chính phủ, Chương trình
hành động số 68-CTr/TU ngày 15/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát
triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ và hiệu quả, gắn liền việc thực hiện chức
năng, nhiệm vụ của đơn vị, các phòng chuyên môn đối với các nhiệm vụ do
Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì tham mưu, thực hiện.
|