Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Sáng 14/12, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lại Xuân Môn – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội.
Đồng chí Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí Tỉnh ủy viên: Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT cùng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan.
Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Thời gian vừa qua, Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, đảm bảo đúng quy trình, chất lượng và hiệu quả, có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Các đồng chí chủ trì tại điểm cầu Nghệ An
Trên cơ sở báo cáo của 63 tỉnh, thành phố và 18 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Bộ GD&ĐT đã xây dựng, hoàn thiện và gửi xin ý kiến của các địa phương, Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đối với dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, công tác đổi mới GD-ĐT đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Nền giáo dục đã có bước chuyển mạnh mẽ từ “nặng lý thuyết, nhẹ thực hành” sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học; gắn kết hơn giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động. Việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc cho người học được chú trọng hơn; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng được đổi mới mạnh mẽ, ngày càng thực chất và hiệu quả. Bên cạnh đó, quản lý GD&ĐT từng bước được đổi mới theo hướng hiện đại hóa, dân chủ hóa; chất lượng đội ngũ nhà giáo được nâng lên; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Đại biểu là lãnh đạo các Sở, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An
Tại hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương đã nhận diện một cách khách quan, đầy đủ, sâu sắc bức tranh giáo dục cả nước trong 10 năm qua, những kết quả đạt được, chỉ ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, đề xuất với Bộ GD&ĐT cùng các Bộ, ngành liên quan các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế, việc thể chế hóa Nghị quyết 29-NQ/TW còn chậm, thiếu tính đồng bộ và liên thông giữa các chính sách liên quan với các chính sách mới về giáo dục và đào tạo; thiếu các cơ chế, chính sách ưu tiên cho GD&ĐT, chưa thể hiện được quan điểm “ GD&ĐT là quốc sách hàng đầu”. Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có nơi phân bố chưa hợp lý, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học còn chậm hoàn thiện; việc thực hiện đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học còn hạn chế.
Cơ cấu, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn bất cập, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Lương của nhà giáo chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW.
Trong đề xuất của các địa phương, hầu hết các ý kiến đề nghị Bội Bộ GD&ĐT có ý kiến với Bộ, ngành liên quan, Bộ Chính trị có chỉ đạo theo hướng cân nhắc tính đặc thù trong tinh giản biên chế đối với ngành GD&ĐT, đảm bảo nguyên tắc “Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên một cách hợp lý”, cần tăng số lượng biên chế viên chức ngành GD&ĐT đủ để thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo chất lượng giáo dục, không cắt giảm cơ học 10% chỉ tiêu biên chế. Thực hiện chủ trương “Lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp” theo đúng tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW khi thực hiện chính sách tiền lương mới.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh – Trưởng Ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, Nghị quyết 29/NQ-TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước về GD&ĐT. Đồng chí cũng đã đưa ra một số nội dung trọng tâm ngành GD&ĐT cần quan tâm trong bối cảnh mới hiện nay về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.
Trong đó, về giáo dục mầm non cần tiếp tục đầu tư mở rộng trường mầm non công lập dù nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn chế; tăng năng lực chuyên môn cũng như thu nhập cho giáo viên. Đẩy mạnh xã hội hóa và tăng chính sách để phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, nhất là nhóm trẻ độc lập; nâng cao kỹ năng chăm sóc trẻ và rất cần sự đồng hành từ chính quyền các địa phương trong việc quản lý các trường mầm non trên địa bàn.
Về giáo dục phổ thông, cần tiếp tục giải quyết vấn đề thừa - thiếu giáo viên; bồi dưỡng tập huấn cho giáo viên để đáp ứng chương trình mới. Có các giải pháp để bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đầu tư cho các cơ sở giáo dục. Đổi mới phương pháp thi, kiểm tra đánh giá theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW và Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Về giáo dục đại học, cần được đầu tư bài bản, nghiêm túc có chất lượng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cần tạo được đột phá, nâng cao chất lượng, cơ cấu ngành nghề hợp lý; quy mô gắn với chất lượng. Đặc biệt cần hoàn thiện thể chế về tự chủ đại học; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Giáo dục đại học cần tăng cường chất lượng nghiên cứu khoa học; đầu tư cơ sở vật chất cho một số trường để phục vụ hoạt động nghiên cứu và giảng dạy. Tập trung đảm bảo chất lượng đào tạo nghề, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo; có chính sách hỗ trợ đầu tư cho giáo dục dạy nghề.
Phan Quỳnh