Tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa các chủ trương, quan điểm của Đảng về chính sách xã hội
Chiều 14/8, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực
tuyến tổng kết 10 năm thực
hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo
của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì
hội nghị.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban
Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng tham dự hội
nghị có thành viên Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội
tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan; lãnh đạo các địa phương.
Quang cảnh hội nghị tại
điểm cầu Nghệ An
Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Bùi Thanh An chủ trì tại điểm cầu Nghệ An
Để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hơn nữa của
tín dụng chính sách xã hội, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI
đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín
dụng chính sách xã hội. Để cụ thể hóa Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính
phủ đã ban hành Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 về Kế hoạch triển khai
Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư. Trên cơ sở sơ kết đánh giá 05 năm thực hiện
Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 10/6/2021, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 06-KL/TW
về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, để triển khai Kết luận này, Thủ
tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021.
Tổng
nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt hơn 373.000 tỷ đồng, tăng 238.338 tỷ
đồng
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và 03 năm thực hiện Kết luận
số 06-KL/TW, mặc dù kinh tế của đất nước và nhiều địa phương còn khó khăn nhưng
Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành ở Trung ương, cấp ủy,
chính quyền địa phương các cấp đã luôn quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực để thực
hiện tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) với phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”, “Nhà nước, doanh
nghiệp và nhân dân cùng làm”. Bên cạnh đó, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH)
đã tập trung khai thác nguồn vốn từ thị trường với những giải pháp sáng tạo,
phù hợp; tạo nguồn lực lớn để từng bước mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay,
đáp ứng mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững và thực hiện các tiêu
chí xây dựng nông thôn mới.
Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW đã làm thay đổi một cách
sâu sắc về nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức
chính trị - xã hội đối với TDCSXH. Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp
ngày càng xác định rõ vai trò, vị trí của TDCSXH, đã phát huy được sức mạnh
tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện TDCSXH; góp phần thu
hẹp khoảng cách giàu nghèo, hạn chế việc cho vay nặng lãi, tín dụng đen, cải
thiện đời sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế. Nguồn vốn tín dụng
chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm,
năm sau cao hơn năm trước. Đến 31/7/2024, tổng nguồn vốn TDCSXH đạt 373.010 tỷ
đồng, tăng 238.338 tỷ đồng (gấp gần 2,8 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ
thị số 40-CT/TW, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,8%.
Trong 10 năm qua, nguồn vốn chính sách xã hội đã tạo điều kiện giúp
trên 3,1 triệu lượt hộ gia đình vượt qua hoàn cảnh nghèo; giải quyết và tạo
việc làm cho hơn 4,2 triệu lao động; hỗ trợ hơn 610.000 học sinh, sinh viên có
hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đến trường học tập; xây hơn 13,3 triệu công
trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở vùng nông thôn, hơn 193.000 ngôi nhà
cho người nghèo và nhà ở xã hội.
Chính sách tín dụng đã hỗ trợ 3.561 lượt người sử dụng lao động vay vốn
để trả lương cho trên 1,2 triệu lượt người lao động; dành hơn 38.000 tỷ đồng để
thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Nguồn vốn TDCSXH
cũng đã góp phần quan trọng thực hiện
thành công mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao
trùm, bền vững, giảm nghèo từ 14,2% (năm 2011) xuống 2,93% cuối
(năm 2023).
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá toàn diện kết quả 10 năm thực
hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; phân tích những tồn tại, hạn chế; chỉ rõ nguyên nhân
và đưa ra những bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện chính sách; đề
xuất những giải pháp để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính
sách xã hội trong bối cảnh mới.
Hoàn thiện
khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách, các quy định liên quan tới tổ chức, hoạt
động tín dụng chính sách xã hội
Phát biểu chỉ đạo tại hội
nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự chủ động, tích cực của các Bộ, ngành Trung ương, chính
quyền địa phương các cấp, đặc biệt là sự đóng góp quan trọng của NHCSXH trong tham mưu, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư và Kế
hoạch triển khai Chỉ thị, Kết luận của Ban Bí thư do Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ ban hành.
Điểm lại những kết quả
nổi bật đạt được, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Kết quả
đạt được trong 10 năm qua đã khẳng định Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số
06-KL/TW là giải pháp đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá trong
chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện TDCSXH, qua đó, nhận được sự đồng tình,
ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo mọi tầng lớp nhân dân; sự đánh giá
cao của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế, góp phần thực hiện có hiệu
quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước
đề ra.
Lưu ý về một
số hạn chế, tồn tại cần phải được khắc phục, qua thực tiễn triển khai thực hiện
Chỉ thị số 40-CT/TW, Thủ tướng
Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra 06 bài học kinh nghiệm, trong đó thực tế cho thấy địa phương nào cấp ủy tập trung lãnh đạo,
chỉ đạo các ngành phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện, có kế hoạch cụ
thể, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết thì việc thực
hiện Chỉ thị, Kết luận của Ban Bí thư nơi đó đạt hiệu quả cao.
Theo Thủ
tướng Chính phủ, thời gian tới, tình hình quốc tế, khu vực còn tiếp tục diễn biến
phức tạp, khó lường. Ở trong nước, đang đối mặt với không ít khó khăn,
thách thức đối với phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội và đời sống của nhân dân, đặc
biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách. Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục xác định TDCSXH là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện
các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng
trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội, thực hiện các Chương
trình mục tiêu quốc gia cũng như phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cụ thể, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện
hiệu quả hơn nữa các chủ trương, quan điểm của Đảng về chính sách xã hội. Cùng
với đó, cần sớm hoàn thiện Nghị định về tổ chức và hoạt động của NHCSXH nhằm
nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của NHCSXH. Thực hiện hiệu quả công tác điều hành; nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác/ủy nhiệm giữa NHCSXH
và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn; nâng
cao chất lượng, đảm bảo an toàn tại các Điểm giao dịch xã.
Các Bộ, ngành Trung ương
tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, nhằm tập trung nguồn lực, cải thiện
cơ cấu nguồn vốn cho NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững; chủ động báo cáo,
tham mưu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cân đối, cấp đủ vốn điều lệ, cấp bù lãi suất, phí quản lý
và vốn thực hiện chính sách tín dụng mới được ban hành, đảm bảo nguồn vốn hoạt động được bố trí trong kế hoạch
đầu tư công trung hạn và hằng năm cho NHCSXH. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế,
chính sách, các quy định liên quan tới tổ chức, hoạt động TDCSXH của NHCSXH.
Các
địa phương cần tiếp tục quan tâm, cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn cho vay
nhà ở xã hội.
NHCSXH
tập trung ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc
thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Đồng thời, làm
tốt công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực dự báo, phân tích; đẩy mạnh
ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hóa ngân hàng; nâng cao
năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín,
phong cách làm việc tiên tiến, hiện đại, tận tâm, tận tụy phục vụ người dân...
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên
địa bàn toàn tỉnh, tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết
quả quan trọng vượt bậc. Nguồn lực đầu tư cho tín dụng chính sách không ngừng
được tăng lên, bước đầu đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính
sách khác. Đến nay, tổng nguồn vốn cho vay tín dụng chính sách của tỉnh đã đạt
trên 13.374 tỷ đồng, tăng 7.133 tỷ đồng so với năm 2014 (trước khi có Chỉ thị
số 40-CT/TW), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 8%/năm. Giai đoạn 2014
- 2024, toàn tỉnh đã thực hiện cho vay đối với 742.060 lượt hộ nghèo và các đối
tượng chính sách với số vốn là 27.706 tỷ đồng. UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Đầu
tư tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác
trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025”, phấn đấu giai đoạn 2023 –
2025 sẽ bố trí thêm 400 tỷ đồng cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn
tỉnh...
PQ