image banner

image advertisement image advertisement

Phát triển hệ sinh thái rừng, kinh tế rừng cần phải thay đổi cách tiếp cận

Sáng 29/7, tại huyện Con Cuông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng tỉnh Nghệ An tổ chức Tọa đàm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển vùng đệm các khu rừng đặc dụng Việt Nam. Các đồng chí: Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông; Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng chủ trì buổi Tọa đàm.

Cùng tham dự Tọa đàm về phía tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phùng Thành Vinh – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo UBND huyện Con Cuông, Anh Sơn; Chi cục kiểm lâm tỉnh; cùng lãnh đạo các Vườn quốc gia trong cả nước.

Anh-tin-bai

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Chức năng chính của Vườn quốc gia và Khu bảo tồn là bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; tổ chức du lịch sinh thái và giáo dục môi trường; hỗ trợ phát triển cộng đồng địa phương vùng ven.

Tìm giải pháp thúc đẩy sự phát triển bền vững trong vùng đệm các Vườn quốc gia

Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, với trên 1,16 triệu ha, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Đặc biệt, Nghệ An có Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây, được UNESCO công nhận vào năm 2007. Đây là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới trên cạn lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á, với tổng diện tích gần 1,3 triệu ha, phạm vi thuộc địa giới hành chính của 9 huyện miền Tây của tỉnh Nghệ An. Những giá trị nổi trội của Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An là có nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc của đồng bào 6 dân tộc anh em (Kinh, Thái, Thổ, Khơ Mú, Ơ Đu và H’Mông) và hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi (gồm Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt), tạo nên sự liên tục về môi trường sống và các sinh cảnh duy trì hiệu quả bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học phong phú của khu vực.

Anh-tin-bai

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông phát biểu chào mừng

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông nhấn mạnh: Các Vườn quốc gia với sự đa dạng và độc đáo về hệ sinh thái là vốn quý. Nhưng cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, hệ sinh thái ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng, tới mức hệ sinh thái tự nhiên có thể mất đi chức năng môi trường, điều hòa, cân bằng sự sống của muôn loài, trong đó có con người. Đó là vấn đề chúng ta không thể thờ ơ vì sự sinh tồn không chỉ ở hiện tại mà còn vì các thế hệ mai sau.

Vùng đệm các vườn quốc gia đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ các hệ sinh thái quý giá, đảm bảo rằng các loài động thực vật và động vật có môi trường sống tự nhiên hài hòa để phát triển. Đồng thời, vùng đệm cũng là nơi sinh sống của các cộng đồng dân cư, những người sống chặt chẽ với thiên nhiên và tự nhiên là nguồn sống chính của họ.

Tuy nhiên, để duy trì cân bằng giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế là một thách thức khó khăn. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông, cần phải tìm ra những giải pháp sáng tạo, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong vùng đệm các Vườn quốc gia. Điều này đòi hỏi sự phù hợp của các nguồn lực, chính sách hỗ trợ, trên cơ sở nền tảng ý thức và sự tham gia chủ động của các cộng đồng địa phương.

Chúng ta cần xây dựng những mô hình phát triển kinh tế mang tính bền vững, tập trung vào việc bảo vệ và khai thác có trách nhiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo nghề nghiệp cho cộng đồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để họ tham gia và đóng góp tích cực vào việc bảo tồn môi trường.

Ngoài ra, việc tăng cường nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của bảo tồn thiên nhiên cũng là một mục tiêu quan trọng. Chúng ta cần tạo ra những chiến dịch giáo dục môi trường, kêu gọi mọi người tham gia vào việc bảo vệ thiên nhiên và đóng góp vào phát triển bền vững.

Để đạt được những kết quả thiết thực, chúng ta cần phải hợp tác chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế. Việc tạo ra các đối tác chiến lược giúp chúng ta cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, và phát triển những giải pháp đột phá trong việc bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững cho vùng đệm các vườn quốc gia.

Cách tiếp cận mới trong việc sử dụng giá trị từ rừng

Anh-tin-bai

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo giới thiệu tổng quan Đề án giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm một số sáng kiến phát triển du lịch sinh thái và sinh kế vùng đệm các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.

Các đại biểu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về một số sáng kiến, cách làm hay đối với các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên để giúp làm tốt chức năng của mình. Đó là thực hiện chương trình tình nguyện viên; gây quỹ bảo tồn; hợp tác công tư trong phục hồi hệ sinh thái; hợp tác quốc tế về bảo tồn loại quý hiếm; đồng quản lý và chia sẻ lợi ích; “Phúc lợi rừng” tại Hàn Quốc; hộ chiếu đến Vườn quốc gia tại Hoa Kỳ...

Theo Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Việt Nam Trần Quang Bảo, các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên có nhiều tiềm năng, dư địa phát triển do đó hãy cùng nhau học hỏi và hành động để biến ý tưởng thành hiện thực.

Cũng tại Tọa đàm lần này, các đại biểu đã được Cục Lâm nghiệp giới thiệu một cách tiếp cận mới trong việc sử dụng giá trị từ rừng, đó chính là tiếp cận phúc lợi rừng. Phúc lợi rừng đối với con người thể hiện ở 05 dịch vụ: Dịch vụ liệu pháp rừng (là hoạt động phục hồi sức khỏe tinh thần và thể chất bằng cách sử dụng các yếu tố chữa bệnh khác nhau trong rừng); giáo dục môi trường rừng; dịch vụ văn hóa; dịch vụ nghỉ dưỡng, giải trí; các hoạt động thể thao.

Hiện nay, trên thế giới Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên đưa khái niệm “Phúc lợi rừng” vào quy định pháp luật tại Đạo luật thúc đẩy Phúc lợi rừng. Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc đã công bố xây dựng một quốc gia phúc lợi rừng, trong đó người dân cùng sống và tồn tại, có mối quan hệ cộng sinh. Còn “Y học rừng” có nguồn gốc từ Nhật Bản và ra đời cách đây 30 năm. Hiệp hội Y học rừng quốc tế của Nhật Bản đang tiến hành nghiên cứu, kỳ vọng sẽ phát triển ngành y tế dự phòng trong tương lai.

Ý tưởng về phúc lợi rừng đang được nhiều nước nghiên cứu, quảng bá và bắt đầu áp dụng tại quốc gia mình để phục vụ cho sức khỏe của người dân và cải thiện chất lượng rừng bền vững. Việt Nam vẫn đang nỗ lực hướng tới việc khai thác, sử dụng đa giá trị của hệ sinh thái rừng mà không làm suy giảm giá trị của rừng, đất rừng; trong đó có học tập, tiếp thu kinh nghiệm để hướng tới phát huy phúc lợi rừng.

Ngoài ra, tại buổi Tọa đàm, các đại biểu cũng đã được nghe giới thiệu cách tiếp cận mới về lâm nghiệp du lịch; kinh nghiệm khai thác đa tầng giá trị của rừng ở Đài Loan. Theo ý kiến của một số chuyên gia, tại Vườn quốc gia nên bố trí nhiều hơn các gian hàng để thu hút khách du lịch. Muốn làm tốt lâm nghiệp du lịch, hay nông nghiệp du lịch nên làm tốt nông nghiệp bản thể, chú ý sản xuất sản phẩm chế biến sâu, phát triển dịch vụ trải nghiệm lưu trú...

Mỗi người hãy có một hộ chiếu để khám phá rừng, khám phá giá trị cuộc sống

Anh-tin-bai

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh với những vấn đề đang đặt ra cho ngành lâm nghiệp, lâm sinh hiện nay, cần phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận để phát triển.

Anh-tin-bai

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh chụp hình lưu niệm cùng cán bộ Vườn quốc gia Pù Mát

Đặt câu hỏi Rừng dạy cho ta điều gì? Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chia sẻ về bài báo “Về rừng: Để thấy mình nhỏ bé”. Theo Bộ trưởng cần phân biệt sinh kế và thu nhập. Nếu như thu nhập chỉ bó hẹp ở tiền lương, chế độ đãi ngộ của nhà nước, thì sinh kế là đảm bảo cuộc sống ở giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Thực hiện sinh kế không chỉ là trách nhiệm, nhiệm vụ mà còn là tình yêu, sự tôn trọng, cống hiến bởi hệ sinh thái rừng không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn mang lại giá trị xã hội...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng “Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đề án không chỉ mang tính chất kỹ thuật lâm nghiệp, lâm sinh mà còn mang tính chất xã hội, nhân văn, con người.

Ngày nay, phát triển không chỉ dựa vào đơn hàng, đơn lĩnh vực mà hướng tới tích hợp đa ngành, đa chức năng để đạt được mục tiêu đa giá trị. “Rừng và môi trường là hệ sinh thái mở. Phát triển hệ sinh thái rừng, kinh tế rừng cần phải thay đổi cách tiếp cận”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng mong muốn mỗi người hãy có một hộ chiếu để khám phá rừng, để khám phá giá trị cuộc sống.

Phan Quỳnh

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image