Phấn đấu đến năm 2030, có trên 75.000 phòng học được kiên cố hoá và đầu tư xây dựng hơn 10.000 phòng công vụ cho giáo viên
Sáng 25/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết công
tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai
đoạn 2013-2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. Đồng chí Lê Thành
Long – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo
hội nghị.
Tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Bùi Đình Long – Tỉnh uỷ
viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Văn Mai – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo;
lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An
33.000 tỷ đồng nguồn xã hội hoá đầu tư kiên cố hoá, xây dựng phòng
học, phòng công vụ cho giáo viên
Trong thời gian qua, thực
hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hoá
giáo dục đào tạo, công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước thông
qua đóng góp, đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng và đông
đảo nhân dân cho phát triển Giáo dục đào tạo đã đạt được những kết quả nhất
định, thu hút đáng kể nguồn lực đầu tư cho phát triển Giáo dục đào tạo.
Trong giai đoạn 2013 - 2023,
nguồn vốn xã hội hoá để đầu tư xây dựng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên
là rất lớn, góp phần không nhỏ vào việc tăng tỷ lệ phòng học kiên cố hoá ở các
địa phương. Cụ thể, khoảng trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xã
hội hoá để kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; khoảng
36.000 phòng học và 1.300 phòng công vụ cho giáo viên được đầu tư từ nguồn xã
hội hoá. Tổng số kinh phí xã hội hoá để đầu tư kiên cố hoá, xây dựng phòng học,
phòng công vụ cho giáo viên ước khoảng 33.000 tỷ đồng. Tổng diện tích đất đã sử
dụng để đầu tư xây dựng mới, kiên cố hoá phòng học, phòng công vụ cho giáo viên
từ các địa phương là khoảng 521,9ha.
Đến nay, cơ sở của các trường
mầm non và phổ thông tại nhiều địa phương đã được cải thiện đáng kể, đầu tư xây
dựng khang trang, đồng bộ hơn và thiết bị dạy học được nâng cấp hàng năm. Đặc
biệt, các khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số và những vùng kinh tế khó khăn
đã nhận được nhiều hỗ trợ để tạo điều kiện cho trẻ em đến trường thuận lợi hơn.
Việc xã hội hoá tăng cường cơ
sở vật chất đã góp phần quan trọng tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Đến
tháng 7/2023, cấp học mầm non có 56.9% trường đạt chuẩn quốc gia, cấp tiểu học
có 62,8% trường đạt chuẩn quốc gia; cấp trung học cơ sở có 72,3% trường đạt
chuẩn quốc gia; cấp trung học phổ thông có 49,6% trường đạt chuẩn quốc gia; trường
phổ thông nhiều cấp học có 44,2% trường đạt chuẩn quốc gia.
Phấn đấu đến năm 2030, số
phòng học được kiên cố hoá đạt 100% (khoảng 75.380 phòng học) và đầu tư xây
dựng đủ số phòng công vụ cho giáo viên theo nhu cầu (khoảng 10.794 phòng công
vụ cho giáo viên).
Tại hội nghị, đại diện lãnh
đạo các tỉnh, thành đã báo cáo thực trạng và công tác xã hội hóa về đầu tư xây
dựng và kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 -
2023; kinh nghiệm về mô hình, giải pháp huy động xã hội hóa.
Các đại biểu đề nghị Bộ Giáo
dục và Đào tạo quan tâm trong việc kết nối giữa các doanh nghiệp, tổ chức xã
hội, nhà đầu tư với các địa phương công tác xã hội hoá giáo dục. Tiếp tục thúc
đẩy các chính sách khuyến khích doanh nghiệp và tổ chức xã hội tham gia đầu tư
vào lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là ở những khu vực kinh tế khó khăn, vùng dân
tộc miền núi và hải đảo. Cần có chính sách hỗ trợ nhà công vụ cho giáo viên và
cơ sở vật chất đảm bảo cho học sinh ở các khu vực khó khăn nhằm nâng cao chất
lượng giáo dục và tạo động lực cho giáo viên yên tâm công tác lâu dài. Đồng
thời mong muốn các đơn vị, cá nhân, tập thể, tổ chức doanh nghiệp, các nhà hảo
tâm trong và ngoài nước tiếp tục đồng hành quan tâm, hỗ trợ để đóng góp nguồn
lực xã hội hóa cho địa phương thực hiện kiên cố hóa trường lớp học và nhà công
vụ cho giáo viên trong giai đoạn tới…
Các đồng chí chủ trì hội nghị tại điểm cầu
Nghệ An
Thực hiện xã hội hóa giáo dục
được Nghệ An xác định là phương châm mang tính lâu dài nhằm đáp ứng yêu cầu
ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục. Thời điểm năm 2013, toàn tỉnh có 24.027
phòng học các cấp học, trong đó số phòng học kiên cố 15.640 phòng, đạt tỷ lệ 65,1%;
tổng số phòng công vụ giáo viên là 1.771 phòng, trong đó phòng kiên cố là 1.151
phòng, chiếm tỷ lệ 64,9%. Năm 2023, tỉnh Nghệ An có 26.578 phòng học các cấp
học, trong đó số phòng học kiên cố 23.406 phòng, đạt tỷ lệ 88%. Tổng số phòng
công vụ giáo viên là 1.773 phòng, trong đó phòng kiên cố là 1.208 phòng, chiếm
tỷ lệ 68,1%. Tỉnh đã thực hiện rà soát nhu cầu đầu tư về phòng học, từ đó đề
xuất nhu cầu đầu tư xây dựng 3.868 phòng học; 996 phòng công vụ giáo viên. Tổng
nhu cầu kinh phí cần để đầu tư là khoảng 3.255,4 tỷ đồng; trong đó đề xuất ngân
sách nhà nước là 1.266,7 tỷ đồng; nhu cầu xã hội hoá là 1.988,7 tỷ đồng.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu
Nghệ An
Trong thời gian tới, Nghệ An
tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, công tác quản lý
nhà nước và sự phối hợp của các lực lượng xã hội công tác xã hội
hoá giáo dục. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước
tham gia đầu tư các cơ sở giáo dục; tạo điều kiện để toàn xã hội
chăm lo, quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ cho giáo dục và đào tạo. Tăng cường hợp
tác đầu tư trong và ngoài nước, huy động các nguồn tài trợ phi chính phủ nước
ngoài để đầu tư cho giáo dục, các nguồn vốn của Chương trình MTQG trong giai
đoạn 2021-2025 triển khai trên địa bàn tỉnh…
Huy động đầu tư có trọng tâm trọng điểm, bảo đảm khả thi, hiệu
quả, tránh dàn trải, lãng phí, tiêu cực
Phát biểu tại hội nghị, đồng
chí Lê Thành Long – Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan liên quan tiếp
tục rà soát nghiên cứu đề xuất sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp và các
tổ chức xã hội vào công tác xã hội hoá giáo dục; trong đó chú trọng kiên cố hóa
trường lớp học, hỗ trợ trang thiết bị dạy học tối thiểu, tăng cường số lượng
nhà công vụ cho giáo viên. Đồng thời cần tính đến các yêu cầu thực tiễn phát
sinh trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục và Đào tạo; xây
dựng cơ sở dữ liệu ngành và cơ sở vật chất trong thiết bị dạy học. Chỉ đạo việc
rà soát sắp xếp mạng lưới trường lớp để đầu tư và huy động đầu tư có trọng tâm
trọng điểm, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí, tiêu cực.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề
nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát quy hoạch
mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non phổ thông giáo dục thường xuyên trên địa bàn;
bảo đảm ngân sách cho giáo dục và đào tạo phân bổ nguồn lực thực hiện hiệu quả
các tiểu dự án liên quan đến Giáo dục đào tạo trong các Chương trình MTQG. Chủ
động đẩy mạnh xã hội hóa huy động các nguồn lực đầu tư cho Giáo dục và đào tạo,
ưu tiên thu hút các doanh nghiệp tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật
chất tại các khu vực khó khăn, giám sát và quản lý chặt chẽ không để xảy ra sai
phạm trong quá trình thực hiện.
Kim Oanh