Họp Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia lần thứ nhất về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Chiều 24/7, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia lần thứ nhất về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới các xã, phường, đặc khu trên toàn quốc.

Cùng dự hội nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Hồng Vinh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành; Giám đốc nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê; Chủ tịch, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc, Thủy lợi Nam.

Anh-tin-bai

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nghệ An

Thành Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia

Ngày 23/7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1585/QĐ-TTg về việc tổ chức lại Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn thành Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.

Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động phòng thủ dân sự trên phạm vi cả nước; trực tiếp chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các Bộ, ngành Trung ương và Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp tỉnh.

Ban Chỉ đạo tham mưu giúp Thủ tướng xây dựng, triển khai các chính sách, pháp luật, chiến lược, đề án, dự án, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng về hoạt động phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, tổ chức liên quan, địa phương thực hiện hoạt động phòng thủ dân sự; ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự… Theo quyết định, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ Quốc phòng là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo. 

Thiên tai từ đầu năm 2025 đã làm 114 người chết, mất tích

Tại Việt Nam, thiên tai năm 2024 xảy ra rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình trên khắp các vùng miền trên cả nước, trong đó một số loại hình thiên tai lớn, diện rộng với 10 trận bão, 01 áp thấp nhiệt đới, 240 trận mưa lớn, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất, 278 trận dông lốc, sét, mưa đá… gây thiệt hại lớn về tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Thiên tai năm 2024 đã làm 519 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 91.622 tỷ đồng.

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nghệ An

Từ đầu năm 2025 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như bão, áp thấp nhiệt đối, lũ, ngập lụt, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại đồng bằng sông Cửa Long; 02 đợt mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ; dông lốc ngày 19/7/2025 trước bão số 3 tại tỉnh Quảng Ninh làm 39 người chết và mất tích; hoàn lưu bão số 3 gây mưa lũ lớn tại Nghệ An… Thiên tai từ đầu năm 2025 đã làm 114 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 553 tỷ đồng.

03 người chết, 1 người mất tích và 04 người bị thương do hoàn lưu bão số 3 ở Nghệ An

Anh-tin-bai

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết, Nghệ An là tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều thiên tai đặc trưng cho khu vực duyên hải Miền Trung như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, lốc, sét.

Từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chịu ảnh hưởng của 02 đợt rét đậm, rét hại; 02 đợt nắng nóng, nắng gay gắt; 14 đợt lốc sét, mưa lớn, mưa lớn diện rộng, lũ ống, lũ quét xảy ra trên địa bàn tỉnh, trong đó có những đợt thiên tai đã gây ra tổn thất nặng nề cho nhà nước và nhân dân trên địa bàn. Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa to đến rất to gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lượng mưa đo được tại các Trạm Khí tượng Thủy văn từ 19h ngày 21/7 đến 19h ngày 22/7 phổ biến từ 100mm đến 200mm, có nơi trên 250 mm. Ngoài ra, do lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về rất lớn, đây là cơn lũ lịch sử chưa có trong lịch sử nên đã gây ngập lụt diện rộng, sạt lở đất gây chia cắt, ngập lụt nhiều xã miền núi, cơ sở hạ tầng bị cuốn trôi, hư hỏng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân…

Về việc ứng phó với cơn Bão số 3 (Wipha), tỉnh thực hiện nghiêm túc, khẩn trương nội dung Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó với bão số 3 và ập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Trước bão, lãnh đạo UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 tại các địa bàn trọng điểm xung yếu tại các khu vực miền núi, vùng biển, kiểm tra khu neo đậu tàu bè.

Báo và Phát thanh, truyền hình Nghệ An cùng các cơ quan thông tin đại chúng, UBND cấp xã thông qua các kênh truyền thông, các trang mạng xã hội (zalo, facebook..) đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống thiên tai; kịp thời phổ biến tình hình diễn biến bão số 3 và mưa lũ, hướng dẫn kỹ năng ứng phó để người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 03 người chết, 1 người mất tích và 04 người bị thương; 30 xã bị cô lập hoàn toàn và cô lập một phần.

Tỉnh Nghệ An luôn xác định phương châm bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính”, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, xây dựng phương án, kịch bản ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương theo phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt chú ý tới công tác di dời dân tại các vùng có nguy cơ bị sạt lở, nguy cơ ngập úng nên hạn chế mức thấp nhất hậu quả do thiên tai gây ra. Liên tục cập nhật tình hình mưa lũ, thông tin, tuyên truyền cho người dân chủ động phòng chống, di dời những khu vực có nguy cơ, tiềm ẩn ngập lụt, sạt lở theo kịch bản.

Tỉnh đã điều động hơn 2.700 cán bộ lực lượng quân đội, công an ứng cứu, hỗ trợ người dân kịp thời. Huy động các thiết bị cứu hộ, cứu nạn trên sông nước như xuồng, ca nô để sẵn sàng túc trực, ứng phó. Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã điều động trực thăng để cung cấp hàng hoá kịp thời đến các khu vực bị chia cắt, khu vực ngập lụt, hỗ trợ người dân. Bố trí phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Anh-tin-bai

Lãnh đạo xã Mường Xén báo cáo công tác khắc phục hậu quả thiên tai

Bảo đảm an toàn giao thông khi nước rút, khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở; đến chiều nay tuyến Quốc lộ 7 đã thông đến xã Tương Dương, sáng mai sẽ thông đường đến Kỳ Sơn. Cung ứng hàng hóa, xăng dầu, xây dựng phương án đảm bảo hàng hóa, thuốc men phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Triển khai công tác khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau thiên tai; dọn dẹp tài sản, nhà cửa cho người dân, xây dựng lại nhà cửa hư hỏng cho nhân dân.

Kiểm tra việc bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện, hạ tầng viễn thông, kịp thời khắc phục sự cố, thiệt hại duy trì cung ứng cho người dân. Thường xuyên kiểm tra tình trạng các hồ đập trên địa bàn tỉnh, nhất là các hồ đập xây dựng đã lâu, các hồ đập đang trong quá trình xây dựng nhất là vùng hạ lưu…

Qua quá trình thực tiễn, tỉnh Nghệ An rút ra bài học kinh nghiệm: Chủ động dự báo tình hình, cập nhật thông tin, phân công, phân nhiệm cụ thể để cho tập thể, cá nhân bố trí phương tiện thiết bị, nhu yếu phẩm sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống, các kịch bản không để xảy ra các tình trạng nguy hiểm cho người dân, giảm ảnh hưởng đến con người, tài sản.

Sự quan tâm chỉ đạo kịp thời quyết liệt của Lãnh đạo Trung ương, của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó thủ tướng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Môi trường; đoàn kết, tương thân, tương ái của nhân dân, đặc biệt sự tuân thủ, ý thức của người dân khi thực hiện tuyên truyền vận động của cấp uỷ chính quyền. Thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, các địa phương đã thể hiện được sự sâu sát, trách nhiệm, bám địa bàn, bám sát người dân, chủ động, không ỉ lại cấp trên trong quá trình ứng phó với các tình huống đợt lũ vừa qua.

Dự kiến thiệt hại của cơn bão số 3 là rất lớn, ngoài nỗ lực của địa phương, tỉnh Nghệ An đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; xây dựng chính sách định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng các công trình lưỡng dụng trên địa bàn…

Tuyệt đối không chủ quan, lơ là trước tình hình thiên tai

Anh-tin-bai

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. (Ảnh st)

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Tổng Bí thư Tô Lâm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân, gia đình người bị nạn do thiên tai, đặc biệt là thân nhân, gia đình các nạn nhân thiệt mạng, mất tích trong vụ chìm tàu Vịnh Xanh 58 (Hạ Long, Quảng Ninh) và trong cơn bão số 3 những ngày qua. Thủ tướng cũng chia sẻ nỗi đau, sự mất mát, thiệt hại to lớn về tài sản đối với nhân dân các xã miền núi tại tỉnh Nghệ An đang hứng chịu bởi đợt lũ lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão.

Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở tuyệt đối không chủ quan, lơ là trước tình hình thiên tai, đặc biệt không để tình trạng "dân đang bị chia cắt mà lãnh đạo nói không lên được". "Đang chia cắt mới cần lãnh đạo, cần lực lượng chủ công bằng mọi cách để nắm tình hình, bằng mọi cách để tiếp cận địa bàn bị chia cắt, bằng mọi cách để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Phòng, chống thiên tai là nội dung phòng thủ đặc biệt vì nước ta có địa hình trải dài, thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều loại hình thiên tai (bão, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, động đất, nắng hạn, xâm nhập mặn…). Theo Thủ tướng, tác động của biến đổi khí hậu khiến thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng bất thường, cực đoan, khó đoán định hơn. Đối với cơn bão số 3 năm 2025 (Wipha), các cấp, các ngành, các địa phương đã rất chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai, dự báo, cảnh báo, tuyên truyền để người dân chủ động phòng, ngừa, ứng phó với bão, giảm thiểu thiệt hại, nhưng ảnh hưởng trước bão và hoàn lưu sau bão vẫn gây ra những thiệt hại lớn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong hoạt động phòng thủ dân sự phải tuân thủ nguyên tắc: Phòng thủ từ sớm, từ xa, từ khi chưa xảy ra sự cố; ứng phó phải bình tĩnh, sáng suốt, kịp thời, phù hợp, an toàn và hiệu quả; khắc phục phải chung tay toàn dân, toàn diện và toàn phần.

Diễn biến thiên tai năm 2025 hết sức phức tạp, không theo quy luật, khó dự báo, vì vậy Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải chuyển đổi tư duy từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa; ứng phó kịp thời, khắc phục phải hiệu quả, cụ thể; lấy con người làm trung tâm, chủ thể; xây dựng các xã, phường, đặc khu là pháo đài…

Tiếp tục hoàn thiện thể chế cho phù hợp với tình hình mới; tạo đột phá trong năng lực dự báo, ứng phó và khắc phục hậu quả. Tổ chức kiểm tra, đánh giá, xác định trọng điểm, chuẩn bị ứng phó thiên tai, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai; có giải pháp kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra.

Tăng cường nguồn lực, đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, đảm bảo yêu cầu dự báo, cảnh báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai. Thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”. Ưu tiên nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Các địa phương tập trung chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công các dự án, bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai, khắc phục sửa chữa các sự cố, hư hỏng đối với các công trình phòng chống thiên tai.

Kiện toàn và hoàn thiện Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự các cấp đảm bảo hoạt động liên tục, hiệu quả, kế thừa các cơ quan hiện có, tránh chồng chéo, không để gián đoạn trong chỉ đạo, tham mưu ứng phó với thiên tai. Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra hoạt động phòng thủ dân sự; thực hiện nghiêm các quy định về phòng thủ dân sự. Tiếp tục phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong thực thi nhiệm vụ; tăng cường công tác kiểm tra giám sát. Tăng cường công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai…

PT

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thăm dò ý kiến
Đánh giá mức độ hài lòng về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử Nghệ An
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 1
    • Hôm nay: 1
    • Trong tuần: 1
    • Tất cả: 1
     

    Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

    Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

    Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

    Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - Trường Vinh

     

    Liên hệ

    Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

    Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - Trường Vinh

     Điện thoại: 02383.557.565

     Email: banbientap@nghean.gov.vn

     fb.com/congthongtindientutinhnghean

     Đăng nhập