Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận tổ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 4. Ảnh: Nghĩa Đức
Nội
dung trọng tâm của phiên thảo luận là đề nghị sửa đổi, bổ sung một số
điều của Hiến pháp năm 2013. Theo tờ trình, việc sửa đổi lần này tập
trung vào 8 điều trong tổng số 120 điều của Hiến pháp, nhằm phục vụ yêu
cầu tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết số
18 của Ban Chấp hành Trung ương, không mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Một
trong những nội dung được đề xuất sửa đổi liên quan đến vai trò và tổ
chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Bên
cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định trong
Chương IX - Chính quyền địa phương, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xây
dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp: cấp tỉnh và cấp cơ sở (xã,
phường, đặc khu), thay vì ba cấp như hiện hành.
Cụ thể, theo quy
định tại Hiến pháp 2013, các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam bao gồm: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương; Tỉnh chia thành huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Thành
phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành
chính tương đương; Huyện chia thành xã, thị trấn; Thị xã và thành phố
thuộc tỉnh chia thành phường và xã; Quận chia thành phường.
Với
cơ cấu hiện nay, hệ thống chính quyền địa phương được tổ chức theo 3
cấp hành chính: tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; huyện/quận/thị xã;
xã/phường/thị trấn. Do đó, để thực hiện mô hình chính quyền địa phương
hai cấp như chủ trương đã nêu, cần thiết phải sửa đổi các quy định tại
Hiến pháp.
Trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu cũng trao đổi về
việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, nhằm tổ chức
nghiên cứu, lấy ý kiến nhân dân và hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội xem
xét, thông qua.
Dự kiến, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về sửa
đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trước ngày 30/6/2025, và
những sửa đổi này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Hiến
pháp là đạo luật gốc, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp
luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mọi văn bản pháp luật
khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử
lý theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp
thuộc về Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ,
Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan nhà nước khác và
toàn thể Nhân dân. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp được quy định cụ thể bằng
luật.
Việc sửa đổi Hiến pháp lần này có ý nghĩa đặc biệt quan
trọng trong tiến trình hoàn thiện thể chế, đổi mới tổ chức bộ máy và
nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, phù hợp với yêu cầu
phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Nguồn: Báo Nghệ An (5/5/2025).