Sáng 30/12,
Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên thường kỳ tháng 12/2024 để nghe và cho ý kiến
nhiều nội dung quan trọng. Đồng chí Nguyễn Đức Trung – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch
UBND tỉnh điều hành phiên họp.
Tham dự phiên
họp có đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch
HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các Sở, ban,
ngành.
Quang cảnh phiên họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháng
12/2024
Thông qua đồ
án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nghĩa Đàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Tại phiên họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến về
đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nghĩa Đàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm
2050. Quy hoạch xác định Nghĩa Đàn là huyện nông thôn mới, có nền kinh tế
hàng hóa và dịch vụ gắn với thị xã Thái Hòa, trung tâm kinh tế nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao của tỉnh. Là vùng kinh tế tổng hợp trọng điểm đóng vai trò
quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của miền Tây Bắc tỉnh Nghệ An
và vùng Nam Thanh Bắc Nghệ. Là khu vực kinh tế năng động, có nền văn hóa đặc
sắc của các dân tộc, có xã hội ổn định và phát triển…
Theo quy hoạch, định hướng không gian phát triển huyện Nghĩa Đàn phân thành 03 vùng theo hướng khai thác hiệu quả các tiềm năng của khu vực (theo
định hướng quy hoạch tỉnh), cụ thể: Phân vùng 1 (Phân vùng phát triển phía Đông
Bắc - vùng trung tâm) gồm thị trấn Nghĩa Đàn và các xã: Nghĩa Hội, Nghĩa Bình,
Nghĩa Lạc, Nghĩa Lợi, Nghĩa Thọ với diện tích đất khoảng 15.914 ha (bằng 26,0%
tổng diện tích tự nhiên toàn huyện). Đây là vùng động lực của huyện lấy thị
trấn huyện lỵ Nghĩa Đàn làm trung tâm, liên kết chặt chẽ và toàn diện với sự
phát triển chung của vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An và vùng phát triển Khu
Kinh tế Đông Nam; tập trung phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ; hướng phát
triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ và của tỉnh. Hạt
nhân phát triển là thị trấn Nghĩa Đàn (đô thị loại V) là trung tâm hành chính,
chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và kinh tế tổng hợp.
Phân vùng 2 (Phân vùng phía Tây Bắc) gồm các xã: Nghĩa
Sơn, Nghĩa Trung, Nghĩa Hồng, Nghĩa Minh, Nghĩa Lâm, Nghĩa Yên, Nghĩa Mai,
Nghĩa Thành và Nghĩa Hưng với diện tích đất khoảng 31.788 ha (bằng 51,0% tổng
diện tích tự nhiên toàn huyện). Đây là vùng trung tâm sản xuất nông lâm nghiệp
ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi gia súc gắn với trang trại TH, kết hợp kinh
tế rừng. Hạt nhân phát triển là đô thị Nghĩa Sơn (đô thị loại V).
Phân vùng 3 (Phân vùng phía Nam) gồm các xã: Nghĩa
Long, Nghĩa Lộc, Nghĩa Khánh, Nghĩa An, Nghĩa Đức. Diện tích đất khoảng 14.083
ha (bằng 23,0% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện). Đây là vùng phát triển mở
rộng cụm công nghiệp Nghĩa Long và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái nghỉ
dưỡng kết hợp trồng rừng hồ Khe Đá và trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Hạt
nhân phát triển là đô thị Nghĩa Long (đô thị loại V). Định hướng phát triển đô
thị, dịch vụ gắn với định hướng phát triển thị xã Thái Hòa, phát triển mạnh
theo các tuyến đường chính gồm đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 48, Quốc lộ 48D.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung
kết luận nội dung
Phát biểu kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ
tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá, đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện
Nghĩa Đàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thực hiện cơ bản; quá
trình thực hiện xây dựng đồ án theo đúng quy định. Trong đồ án đã xác định rõ
các dự báo, chỉ tiêu của huyện Nghĩa Đàn trong thời gian tới; xác định rõ các
định hướng chính của huyện. Dự kiến mở rộng không gian đô thị thị xã Thái Hòa,
xây dựng Thái Hòa trở thành đô thị loại 3 vào năm 2030, vì vậy trong quy hoạch
này đã tính đến yếu tố này để đảm bảo đủ điều kiện mở rộng không gian đô thị
nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí về mặt diện tích cho huyện Nghĩa Đàn. Bên cạnh đó,
huyện Nghĩa Đàn phải phát triển công nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp công
nghệ cao… Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất thông qua đồ án Quy hoạch xây dựng
vùng huyện Nghĩa Đàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giao Ban Cán sự Đảng
UBND tỉnh hoàn thiện, phê duyệt Đồ án theo đúng quy định.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Ban
Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo Sở Xây dựng, các ngành chỉ đạo các địa phương
sớm xây dựng và hoàn thiện các đồ án quy hoạch vùng huyện trong năm 2025, chậm
nhất là phải hoàn thành trong năm 2026.
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên
địa bàn tỉnh
Tại phiên họp, Ban Thường
vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số
03-NQ/TU, ngày 19/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng
giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm
2023.
Giám đốc Sở Giáo dục và
Đào tạo Thái Văn Thành báo cáo kết quả 03 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU
Mặc dù trong điều kiện
kinh tế - xã hội tỉnh nhà còn nhiều khó khăn, song các cấp ủy đảng, chính quyền
đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, năng động,
sáng tạo những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số
03-NQ/TU, phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, từng bước phát triển
bền vững giáo dục và đào tạo bền vững.
Sau 3 năm thực hiện, chất
lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tích cực, học sinh đạt các giải
cao trong các kỳ thi, cuộc thi trong nước, khu vực và quốc tế, trên nhiều lĩnh
vực. Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2024, Nghệ An tiếp tục xếp thứ 4 toàn quốc;
kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được xếp vị thứ 12 trong 63 tỉnh,
thành, tăng 22 bậc so với năm 2021; là năm thứ 5 liên tiếp, Nghệ An có học sinh
đạt giải cao tại Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh”; Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2024, Nghệ An xếp thứ
5 về tổng số Huy chương, xếp trong tốp 10 tỉnh thành xuất sắc nhất.
Các mô hình: Trường mầm
non lấy trẻ làm trung tâm; phối hợp gia đình, nhà trường và cộng đồng trong
chăm sóc, giáo dục học sinh; hỗ trợ trẻ 5 tuổi trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm
non lên tiểu học; Trường trung học trọng điểm chất lượng cao; Trường mầm non,
phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế; Trường phổ thông dân tộc bán
trú kiểu mới, trường trung học phổ thông thực hiện mô hình trường phổ thông dân
tộc bán trú… đã và đang khẳng định chất lượng và thương hiệu nhà trường.
Đội ngũ nhà giáo ngành Giáo
dục Nghệ An đã tích cực tham gia nhiều công trình, dự án nghiên cứu khoa học được
đánh giá xuất sắc và đạt giải cao. Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia học
tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới
tăng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học
sinh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An đề nghị cần phải có cách nhìn mới
trong quy hoạch mạng lưới giáo dục và nguồn nhân lực của giáo dục; đồng thời đánh
giá lại việc trang bị các thiết
bị phục vụ công tác dạy học
Với sự vào cuộc của cả hệ
thống chính trị, qua 3 năm triển khai thực hiện, một số mục tiêu, chỉ tiêu của
Nghị quyết 03-NQ/TU đặt ra đến năm 2025 đã hoàn thành như: Tỷ lệ phòng học được
xây dựng kiên cố; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia; số điểm trường, lớp ghép
giảm nhiều; tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên mầm
non; tỷ lệ trường mầm non triển khai chương trình cho trẻ làm quen với ngoại ngữ,
tin học; tỷ lệ lao động qua đào tạo; công tác xóa mù chữ…
Về nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung khẳng định: Nghị quyết
03 được ban hành hết sức đúng đắn, được tổ chức thực hiện có hiệu quả cụ thể và
có chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo;
ngành Giáo dục đã nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết; qua đó đã đóng góp
tích cực vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu trong bối cảnh mới, tình
hình mới, cần cập nhật những nội dung Trung ương đang chỉ đạo có tác động đến
ngành Giáo dục. Cần quan tâm quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp với tình
hình thực tế; quan tâm bố trí nguồn lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi để
thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. Hình thành các mô hình giáo dục tiên tiến
phù hợp với yêu cầu giáo dục mới. Thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục; nâng
cao kỹ năng của giáo viên, học sinh trong chuyển đổi số. Quan tâm xây dựng đội
ngũ giáo viên; xây dựng mối quan hệ hiệu quả giữa nhà trường – gia đình và xã
hội… Giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hoàn thiện báo cáo, trình Ban Chấp hành Đảng
bộ tỉnh trong quý I/2025.
Cũng trong phiên họp sáng nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy
đã nghe và cho ý kiến dự thảo Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội của ủy ban
Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Nghệ An năm 2025. Cho
ý kiến về chủ trương tiếp nhận khoản viện trợ các dự án: Nâng cao kiến thức,
năng lực về thích ứng với thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu cho đồng
bào dân tộc thiểu số huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An do Chương trình Phát triển Liên
hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án – Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP-GEF
SGP) tài trợ. Nâng cao dịch vụ xã hội và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt,
nạn nhân chịu ảnh hưởng bởi mua bán người, giai đoạn 2024 -2026 do tổ chức Blue
Dragon Children’s Foundation international tài trợ. Sáng kiến hợp tác thể thao
vì sức khỏe cộng đồng do tổ chức Program For Appropriate Technology In Health
(tổ chức PATH) tài trợ.
Nghe và cho ý kiến báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 233-KH/TU,
ngày 21/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát, xử lý
các vướng mắc, tồn đọng, vi phạm trong thực hiện các dự án đầu tư và công tác
quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Nghe và cho ý
kiến dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2024; bàn dự thảo
Chương trình công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2025. Nghe báo cáo tiến độ
và cho ý kiến điều chỉnh, bổ sung việc chuẩn bị Văn kiện Báo cáo chính trị Đại
hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.
PT