Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2025
Chiều nay (20/01), Ban Đại
diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh tổ chức phiên họp tổng
kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy
viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT
Ngân hàng chính sách tỉnh chủ trì phiên họp.
Quang
cảnh phiên họp
Giám
đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Khắc Hùng báo cáo
Năm 2024, tổng nguồn vốn tín dụng đạt 13.685 tỷ đồng, tăng 1.024 tỷ đồng
so với năm 2023, đạt tốc độ tăng trưởng 8,09%. Tính đến nay, tỉnh đang thực hiện
22 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt 13.672 tỷ đồng (cao thứ
3 toàn quốc, sau Hà Nội và Thanh Hóa), tốc độ tăng trưởng dư nợ đạt 8,08% tương
đương tốc độ tăng trưởng nguồn vốn. Điều này minh chứng cho công tác điều hành
nguồn vốn và giải ngân các nguồn vốn rất tốt, rất kịp thời, không ứ đọng.
Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục tham
mưu UBND tỉnh thực hiện hiệu quả Đề án “Đầu tư tín dụng chính sách đối
với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai
đoạn 2023-2025”. Các cấp
chính quyền trong tỉnh đã thực hiện trích chuyển cơ bản kịp thời, với tổng số tiền đã trích chuyển trong năm là 130,2 tỷ đồng/KH
130 tỷ đồng.
Chất lượng tín dụng tiếp tục được quan tâm kiểm soát chặt chẽ, có các
giải pháp thiết thực để xử lý, thu hồi nợ. Nợ khoanh và nợ quá hạn tiếp tục
giảm 2,7 tỷ đồng so với đầu năm, chỉ chiếm 0,1%/tổng dư nợ (chỉ tiêu này của
toàn quốc là 0,56%).
Trong năm đã thực hiện tổng kết 10
năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư
Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng
chính sách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, qua đó đánh giá toàn diện tác động
của Chỉ thị đối với tín dụng chính sách trong thực hiện thành công các chương
trình mục tiêu quốc gia và đảm bảo an sinh xã hội.
Chủ tịch Hội
Nông dân tỉnh Nguyễn Quang Tùng đề nghị chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển
cây con phù hợp
Ngân hàng CSXH từ cấp tỉnh đến cấp huyện cũng đã thực
hiện ký kết chương trình phối hợp với Công
an tỉnh nhằm thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án
phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính
phủ. Trong năm, đã cho 226 khách hàng vay vốn chấp hành án phạt tù tạo sinh
kế, phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, công tác từ thiện xã hội cũng được thực hiện
rất tốt. Năm 2024, ngân hàng CSXH tỉnh đã làm việc với Công đoàn ngân hàng CSXH
Việt Nam đã vận động, kêu gọi người lao động đóng góp 1,45 tỷ đồng để xây dựng
10 căn nhà tặng cho người nghèo trên địa bàn tỉnh; ủng hộ các tỉnh phía Bắc bị
ảnh hưởng của cơn bão Yagi; tặng 300 suất quà
cho người nghèo và các đối tượng chính sách huyện Quỳ Châu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An kết luận
Phát biểu tại phiên họp, thay mặt
Lãnh đạo UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An ghi nhận, đánh giá cao
tinh thần trách nhiệm của các đồng chí thành viên Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh,
cấp huyện; biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của tập thể, cán bộ Ngân hàng CSXH và
các tổ chức hội nhận ủy thác trong thời gian qua.
Bước sang năm 2025, Phó
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành cần tiếp tục nỗ lực để thực hiện
các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, điều quan trọng là lan tỏa được chương trình tín
dụng chính sách xã hội, bên cạnh mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế còn là
củng cố hệ thống chính trị; tạo môi trường đoàn kết, gắn bó với nhau trong cộng
đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề
nghị cần nỗ lực, tập trung hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ đạt tối thiểu 8% (khoảng 1.100 tỷ đồng). Phấn
đấu huy động vốn ủy thác từ nguồn ngân sách địa phương đạt tối thiểu 170 tỷ
đồng; giữ tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 0,1%/tổng dư nợ. 100% khách hàng vay
trong năm đều được kiểm tra, đối chiếu. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng mạng lưới Tổ Tiết kiệm và Vay vốn.
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Phó
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, cấp huyện tập trung triển khai quyết liệt để thực hiện tốt Chỉ thị số 39-CT/TW
ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả của tín
dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, nhằm tiếp tục tăng cường nguồn lực
và huy động cả hệ thống chính trị tích cực vào cuộc đối với hoạt động tín dụng
chính sách. Tích cực tham mưu UBND cùng cấp thực hiện việc trích, chuyển nguồn
ngân sách ủy thác Ngân hàng CSXH để triển khai cho vay kịp thời trong quý I/2025 theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định
3005/QĐ-UBND ngày 21/9/2023. Đồng thời có kế
hoạch tham mưu xây dựng đề án cho giai đoạn 2026-2030 trình UBND tỉnh phê duyệt
và trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết, bố trí vốn để thực hiện.
Xem xét, phê duyệt phân bổ vốn các
chương trình tín dụng cho địa phương kịp thời khi Ngân hàng CSXH Trung ương
giao chỉ tiêu, đảm bảo giải ngân nhanh các nguồn vốn ngay từ đầu năm. Chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch tín dụng các
chương trình đã được giao tăng trưởng ngay từ đầu năm, trong đó tập trung vào
các chương trình tín dụng chính sách mới của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ
ban hành.
Ngân hàng Chính sách xã hội cấp
tỉnh, cấp huyện tích cực tranh thủ nguồn vốn Trung
ương, địa phương và làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn để tập trung tối đa nguồn lực đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ
nghèo và các đối tượng chính sách khác, phấn đấu cơ
bản hoàn thành mục tiêu tăng trưởng dư nợ các chương trình
tín dụng chính sách trước ngày 30/9/2025.
Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, UBND cấp xã và các
tổ chức hội nhận ủy thác tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng tín dụng
chính sách, nhất là tại các địa bàn khó khăn, phức tạp, tiềm ẩn rủi ro; không
ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của
Tổ Tiết kiệm và Vay vốn; duy trì tốt hoạt động giao dịch tại xã; tích cực xử
lý, thu hồi nợ xấu; tích cực đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong hoạt động tín
dụng chính sách.
Năm 2024, Ngân hàng CSXH Nghệ An đã cấp vốn tín dụng ưu đãi
cho 69.188 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có: 8.166 hộ
nghèo; 13.358 hộ cận nghèo; 9.157 hộ mới thoát nghèo và 4.783 hộ sản xuất kinh
doanh tại vùng khó khăn được vay vốn để sản xuất kinh doanh; 8.690 lao động
được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm; 22.874 gia đình khác tại vùng nông thôn vay
vốn cải tạo/xây mới công trình chứa nước sạch, công trình vệ sinh nâng cao chất
lượng cuộc sống; 165 hộ gia đình được vay vốn để sửa chữa, cải tạo, xây mới,
mua nhà ở xã hội; 244 lao động chính sách khác được vay vốn đi xuất khẩu lao
động; 69 khách hàng vay chương trình nguồn vốn hợp tác xã; 1.456 hộ thu nhập
trung bình vay học sinh sinh viên trang trải chi phí học tập; 226 khách hàng
vay vốn chấp hành án phạt tù tạo sinh kế, phát triển sản xuất.
Phan
Quỳnh